Sự tập trung vào di sản văn hóa vật thể trong luật pháp và chính sách thường phải trả giá cho những mối quan hệ liên kết và không thể tách rời của các yếu tố vật thể và phi vật thể. Chẳng hạn, đối với việc xây dựng một ngôi nhà và bảo vệ một hiện vật nghi lễ cụ thể thì dễ dàng hơn nhiều so với việc nhận biết và nhận diện một ý tưởng, hay một hệ thống tri thức. Với di sản văn hóa vật thể, một cách dễ dàng hơn để nhận biết cái mất đi, hay sẽ bị hư hỏng. Với di sản văn hóa phi vật thể, điều đó thật khó khăn vì khó đo lường, định lượng được. Vì vậy cần có những chiến lược quản lý đối với di sản văn hóa phi vật thể khác với di sản văn hóa vật thể.

Lễ hội tại chùa Hương
Đa số các di sản văn hóa vật thể có các yếu tố của di sản văn hóa phi vật thể trong hình thức liên kết và thể hiện ý nghĩa, chức năng và biểu tượng. Giống như vậy, nhiều di sản văn hóa phi vật thể chứa đựng các yếu tố vật thể, và trong một số trường hợp trong một số xã hội, quốc gia, việc phân biệt giữa vật thể và phi vật thể, hay văn hóa và “những tài sản khác” là không hoàn hảo, không phù hợp. Nói một cách ngắn gọn, không nhận biết các khía cạnh phi vật thể của di sản thì các tài sản vật thể hay di sản có ít ý nghĩa hoặc không có ý nghĩa và giá trị. Trong các di sản văn hóa vật thể như đền, chùa, đình, hiện vật, tranh dân gian… đều hàm chứa những biểu hiện của các giá trị văn hóa phi vật thể. Các không gian vật thể là nơi tổ chức các hoạt động lễ hội, sinh hoạt, trình diễn các loại hình nghệ thuật, trò chơi. Các hiện vật vật thể như bảo vật, văn bia, câu đối, hoành phi…đều chứa đựng những tri thức, kỹ năng của cộng đồng chủ nhân. Nói một cách khác, mỗi một di sản văn hóa đều có hai yếu tố vật thể và phi vật thể đan quyện vào nhau và lưu giữ, biểu hiện những giá trị tinh thần và tri thức vô cùng quý giá của cộng đồng.

Chùa Bà Tây Ninh
Về khía cạnh quản lý, có ít nhất hai lý do để quan tâm đến lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Lý do thứ nhất, xuất phát từ nguyên tắc về quyền con người, từ việc xem xét các khía cạnh đạo đức và các nhận thức chung. Các di sản văn hóa truyền thống kết nối với tinh thần và sự sống còn của cộng đồng và dân tộc cụ thể xứng đáng được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, của xã hội, toàn dân, cộng đồng. Lý do thứ hai, cần phải quan tâm đến quản lý di sản văn hóa phi vật thể, đó là sự tồn tại của các thể chế truyền thống và các luật tục. Các thể chế truyền thống, luật tục có tác động đặc biệt tới mối quan hệ phức tạp giữa các nhóm người, tổ chức phi quan phương, trong các điều luật quốc gia, chính sách.
Như vậy, quản lý di sản văn bao trùm lên cả di sản vật thể và phi vật thể và khó có thể tách rời hai yếu tố này trong một si sản. Hơn nữa, khi soạn thảo một điều luật mới, hay chỉnh sửa luật đang hiện hành cần phải quan tâm đến những thể chế truyền thống, luật tục, vai trò của cộng đồng, các tổ chức phi quan phương. Do vậy, cần lồng ghép các yếu tố phi vật thể và bảo vệ chúng trong các điều luật về văn hóa vật thể; và ngược lại, đồng thời có những điều khoản riêng cho các di sản văn hóa phi vật thể.
Ban Nghiên cứu VHTN phía Nam