banner 728x90

Món ngon mùa nước nổi: Cá Linh miền Tây

19/02/2025 Lượt xem: 2374

Cá linh - loài cá được coi là món ngon mùa nước nổi miền Tây. Cá linh cũng trở thành đặc sản, một phần tinh túy trong văn hóa ẩm thực phong phú của đồng bằng châu thổ.

Tháng Mười âm lịch cũng chính là mùa cá ra sông ở miền Tây. Dòng trôi từ thượng nguồn Cửu Long phân bổ về các con sông lớn khắp miệt vườn đồng bằng.

Tôm cá cũng theo con nước xuôi ra sông ngòi, kênh rạch. Trong đó, hơn phân nửa số cá đổ về là cá linh. Ai đi miền Tây mà chưa thưởng thức được cá linh, chuyến đi đó coi như chưa trọn vẹn.

Mỗi năm, cứ mùa nước tràn đồng là người ta gặp lại bóng dáng loài cá này, như một chỉ dấu đặc biệt nhất trong năm.

Cá linh cũng là loại cá độc đáo vì có quá trình sinh trưởng lạ lùng. Mỗi năm, từ bãi đẻ ở Biển Hồ Tonle Sap (Campuchia), những bầy trứng cá linh trôi theo dòng Mê Kông về xuôi.

Trứng vừa trôi vừa nở, khi đến được sông Cửu Long thì đã thành những bầy cá con li ti bơi xuôi dòng phù sa nước đổ. Cá lớn dần theo quá trình “du mục”, rồi len lỏi khắp các kênh rạch ruộng đồng để ăn rơm rạ mục và cặn bã ruộng đồng sau mùa thu hoạch.

Mùa cá linh cũng là món ngon mà người miền Tây hào sảng ưu tiên đãi đằng khách phương xa. Từ Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ đến tận An Giang, dọc đường đi, khi ghé quán ăn hay trạm dừng, đâu đâu cũng thấy cá linh ăn kèm bông điên điển, bông súng, rau đồng… hiện diện trong thực đơn.

Tùy theo độ lớn nhỏ của cá linh (thời gian sinh trưởng), người miền Tây đều có cách chế biến các món ngon phù hợp. Đầu mùa nước nổi là thời điểm sông nước miền Tây đón nguồn cá linh non vô tận.

Con cá linh nhỏ xíu nhưng mang trong mình vị ngọt ngon. Vị ngọt đó, có lẽ một phần cũng nhờ nó được ôm ấp trong dòng phù sa đỏ ngầu châu thổ. Cá linh cũng là loài cá sông sạch nhất. Bụng cá linh, ngoài rơm rạ đồng bằng thì chỉ có một ít sinh vật phù du nhỏ bé.

Có vô vàn cách chế biến món ngon từ cá linh. Cá linh non kho lạt, ghém với rau đồng. Nhúm bông súng giòn tan, mấy bông so đũa chát nhẹ nơi đầu lưỡi nhưng hậu ngọt khi nhúng mình trong thứ nước cá linh kho. Con cá linh non chỉ bằng ngón tay út, mềm ùi trong miệng, tưởng sẽ trôi nhanh nhưng cái vị béo vẫn đằm sâu. Vậy nên, ít có ai ăn món cá linh non mà có thể quên nhanh. Cái nỗi nhớ một món ăn tinh túy của miệt đồng bằng này, nó có thể trở mình ngọ nguậy thành một cơn thèm, lạ lắm!

Cá linh kho tiêu là món ăn phổ biến nhất. Cá linh non nhúng bột chiên giòn, chấm nước mắm chua ngọt, ghém rau sống cũng là món rất ngon. Món này phải ăn ngay lúc mới chiên xong, nhón miếng cá vừa ráo dầu, ghém lá rau; cái giòn giã của lớp bột bọc bên ngoài nhanh chóng chừa phần cho lớp cá mềm tan bên trong.

Cầu kỳ hơn một chút, món ăn mang tính tiệc tùng hơn, là món lẩu cá linh ăn kèm bông điên điển, rau nhút đồng, bông so đũa, bông súng… Một bàn ăn thịnh soạn mùa nước nổi, thiếu nồi lẩu cá linh là thiếu đi cái phần sôi nổi nhất. Vậy nên, lẩu cá linh vẫn là món được dân du lịch “truyền khẩu”.

Dân nhậu thì “kết” mấy mẻ cá linh non mà con nào con nấy mập ú, ôm bụng mỡ, nướng trên bếp than hồng, thơm phức. Dù buổi chiều đầy gió hay đêm hôm miệt thứ, cứ có mẻ cá linh chảy mỡ tí tách trên bếp than, thì câu chuyện đời cứ kéo dài như câu vọng cổ không biết khi nào mới xuống xề. Mà hễ xuống xề rồi, thì nhón miếng mồi thơm, uống cạn chung rượu đế nghe cái “ót”, nó đã đời, như chạm được hồn cố xưa.

Mâm cơm chiều nước nổi, có thể dập dềnh trên ghe xuồng rong ruổi đâu đó khắp sông rạch xứ đồng bưng, nghe dậy mùi cá linh kho đủ thứ vị: kho tiêu, kho mẳn, kho lạt, kho khế, kho thơm… Cái mùi đó đủ khiến người quê dù đi xa mấy vẫn níu được sợi thương nhớ quê nhà.

Cá linh lớn, xương đã cứng cáp rồi thì người miền Tây tận dụng làm mắm. Mắm cá linh thơm mùi thính gạo rang, là “đệ nhất mắm” miệt đồng bằng. Rau đồng, bông súng chấm mắm kho, mặn mà như cái tình của người miền Tây vậy. Bởi, lúc khách trở về, quà của người miền Tây gửi gắm là mấy hũ mắm cá linh nức tiếng đồng bằng!

Võ Thị Mai (biên soạn)

 

Tags:

Bài viết khác

Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể

Theo Công ước 2003, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể là các biện pháp có mục tiêu đảm bảo khả năng tồn tại của di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm việc nhận diện, tư liệu hoá, nghiên cứu, bảo tồn, bảo vệ, phát huy, củng cố, chuyển giao, đặc biệt là thông qua hình thức giáo dục chính thức hoặc phi chính thức cũng như việc phục hồi các phương diện khác nhau của loại hình di sản này (Khoản 3, Điều 2).

Di sản văn hóa phi vật thể là gì?

Di sản văn hóa nói chung bao gồm các sản phẩm và các quá trình của văn hóa được sáng tạo, thực hành, bảo vệ và trao truyền qua các thế hệ. Các di sản được coi như là tài sản văn hóa bao gồm vật thể như nhà cửa, công trình kiến trúc, các tác phẩm nghệ thuật; phi vật thể như nhà cửa, công trình kiến trúc, các tác phẩm nghệ thuật; phi vật thể như bài hát, âm nhạc, ca kịch, kỹ năng và tri thức truyền thống, tri thức về nấu ăn, về thủ công mỹ nghệ, lễ hội, thực hành nghi lễ dân gian…

Ý nghĩa các cấp bậc trong Phật giáo

Đại đức, Thượng tọa, Hòa thượng đều là những từ tôn xưng để tỏ lòng tôn kính, tôn trọng đối với một vị tu sĩ Phật giáo có trí tuệ, đức độ. Để hiểu rõ hơn về tôn xưng này chúng ta cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Các vị Phật và Bồ tát trong Phật giáo

Trong đạo Phật, quan niệm về Phật và Bồ Tát không chỉ dừng lại ở một cá thể duy nhất, mà còn mở rộng và đa dạng hơn rất nhiều. Theo giáo lý Phật giáo, trong quá khứ, hiện tại, và tương lai, có vô số các vị Phật và Bồ Tát tồn tại khắp nơi trong vũ trụ. Mỗi vị Phật và Bồ Tát đều có hình tướng và những hạnh nguyện riêng, nhưng tất cả đều chia sẻ lòng từ bi vô hạn đối với chúng sinh và cam kết đem lại lợi ích cho tất cả mọi loài.

Các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu.

Việc bảo vệ di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu phải là sự phối kết hợp của nhiều biện pháp khác nhau, với sự tham gia của nhiều bên, trong đó phát huy vai trò của cộng đồng, cụ thể là của đồng thầy và bản hội, là một trong những biện pháp quan trọng nhất.

Bảo vệ và phát huy giá trị di sản thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu

Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể là một trong những chương trình quan trọng của mỗi quốc gia dân tộc. Việc bảo vệ ấy là nhiệm vụ chung của rất nhiều bên liên quan, trong đó hiện nay mô hình bảo vệ di sản mà UNESCO khuyến khích là sự kết hợp giữa vai trò của chủ thể/cộng đồng + các tổ chức phi chính phủ (NGOs) và nhà nước. Trong đó cộng đồng - chủ thể thực hành di sản có vai trò mang tính quyết định.

Nét văn hoá đẹp của người H’mông

Người H’mông là một trong những dân tộc thiểu số có dân số đông ở miền Bắc Việt Nam. Cùng với 53 dân tộc anh em, người H’mông luôn luôn là một phần của sự thống nhất khối đại đoàn kết dân tộc và góp phần làm phong phú cho nền văn hoá các dân tộc Việt Nam.

Xôi ngũ sắc – Tinh hoa đất trời Mường Lò

Không chỉ là món ăn đại diện cho văn hóa ẩm thực của vùng đất Mường Lò (Nghĩa Lộ, Yên Bái), xôi ngũ sắc còn mang một ý nghĩa đặc biệt trong quan điểm, trong suy nghĩ của người Thái đó là “thuyết ngũ hành”. Món xôi ngũ sắc thường được làm trong các dịp lễ, Tết để thông qua đó thể hiện khát vọng được yêu thương của con người, đó là lòng hiếu thảo yêu mẹ, kính cha của con cháu và đặc biệt là khát vọng tình yêu son sắt, thủy chung của đôi lứa
Top