banner 728x90

Rắn trong tâm thức người Quảng Ngãi

01/05/2025 Lượt xem: 2354

Trong những câu chuyện dân gian của người Quảng Ngãi, hình tượng rắn hiện lên muôn hình, muôn vẻ. Rắn có lúc được người xưa thần thánh hóa và tôn thờ, đi vào đời sống tâm linh; có lúc lại trở thành biểu tượng của cái ác, gieo rắc nỗi sợ hãi cho con người.

Theo các truyền thuyết, thần thoại được các thế hệ người Quảng Ngãi ở miền xuôi lẫn miền ngược truyền lại từ xa xưa, hình tượng rắn được người xưa khắc họa bằng những “gam màu” đối lập. Rắn vừa là hiện thân cho cái ác, với tâm tính dữ dằn, hung hãn; vừa đại diện cho cái thiện với những biểu hiện nhân tính, biết trả ơn, có tình, có nghĩa.

Người dân làng Vĩnh Sơn, nay thuộc xã Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh), hiện vẫn còn lưu truyền một truyền thuyết về hắc xà. Chuyện kể rằng, thuở xa xưa, cả vùng Vĩnh Sơn là biển cả mênh mông. Dưới đáy biển có một con rắn to, hiền lành. Gặp ngư dân mắc nạn, rắn khoanh tròn lại như một cái phao, đưa người gặp nạn vào bờ. Khi gặp giặc cướp từ ngoài biển vào, rắn trở thành tảng đá khổng lồ, va vào thuyền cướp, làm cho thuyền gãy lái. Với những công lao ấy, rắn được người dân kính trọng gọi là “Ông rắn” hay “Rắn thần”.

Phát hiện rắn thần nhiều phen khiến quân lính thuộc quyền bị tổn hao, Cao Biền, một tướng lĩnh triều Đường đã dùng tà thuật thả thuốc độc đúng dòng rắn đi và yểm bùa ngay cửa hang rắn ở. Vì uống nhầm thứ nước có lẫn độc dược, rắn thần quằn quại, ọc ra nhiều cục máu bầm đen trải khắp một vùng. Sau này, vạn vật đổi thay, biển cạn thành gò, chỗ máu mà rắn thần nhả ra năm xưa, giờ đọng lại thành đá. Đó cũng là lý do vì sao, vùng núi thoai thoải trước mặt làng Vĩnh Sơn ngày nay có nhiều bãi đá lô nhô, toàn một màu đen nhánh.

Thần thánh hóa loài rắn thành con vật linh thiêng, người Hrê ở Quảng Ngãi lưu truyền giai thoại về rắn khổng lồ một mắt đã cứu giúp dân làng thoát khỏi tình cảnh bị hiếp đáp, bóc lột. Truyện kể rằng, vùng cao Quảng Ngãi thuở xưa có chàng Y Róc. Dù được sinh ra trong một gia đình rất nghèo khổ trong làng, nhưng nhờ hiếu thuận với mẹ và chịu khó làm ăn, chàng Y Róc đã lấy được một người vợ xinh đẹp, dịu dàng. Vợ của chàng Y Róc, khi chứng kiến chồng và người dân trong làng bị bóc lột, dồn đến đường cùng đã hóa phép biến ra một con rắn khổng lồ một mắt, nuốt hết bọn người độc ác, tham lam trong làng.

Ngay sau khi hoàn thành sứ mệnh, rắn khổng lồ liền trườn mình xuống đất và biến mất. Tại nơi rắn xuất hiện, biến thành một hồ nước trong veo. Hình tượng rắn lúc này, không chỉ được thiêng hóa, mà còn được đồng hóa thành biểu tượng của nguồn nước. Đây cũng là mô - típ của nhiều thần thoại về rắn trong nước và thế giới.

Song hành với tâm thức kính trọng, tôn thờ rắn, những nhận thức tiêu cực về rắn của người dân miền đất Ấn - Trà thuở xưa cũng lưu dấu rõ nét trong các câu chuyện cổ. Trong câu chuyện cổ kể về chàng A Xanh của người Hrê ở xã Sơn Thủy (Sơn Hà), hình tượng rắn hiện ra như một hiện thân của một quái vật ẩn sâu trong rừng thẳm, có uy lực khủng khiếp và rất hung ác, khiến con người và muôn thú khiếp sợ. Đó là loài rắn dữ nhất trong các loài rắn ở rừng. Mình rắn đen bóng, đầu tròn to như 6 cái nong to chắp lại, giữa đỉnh đầu có một viên ngọc sáng như mặt trời chiều tháng Bảy, từ đầu chí đuôi dài trên hai trăm sải. Mỗi lần rắn phun nọc độc, con voi bảy ngà chân bước ba bước là lăn ra chết; con nai con cọp chưa kịp bước nửa bước liền tắt thở... Khi bị tiêu diệt bởi chàng A Xanh hiền lành, dũng cảm, thân xác rắn biến thành ngọn núi cao nhất vùng, máu rắn tuôn trào trở thành dòng suối lũ.

Truyền thuyết về hồ nước làng Trăng, ở xã Sơn Kỳ (Sơn Hà), cũng nhắc đến loài rắn như một hiện thân của yêu quái, có bản tính độc ác, xuất hiện với biến thể là một con trăn lớn với sức mạnh vô biên và khả năng tái sinh mạnh mẽ. Dẫu đã bị chàng Vu Ta Viên chặt thành trăm khúc và mang 3 khúc ném lên ba ngọn núi cao, còn lại đổ xuống sông, nhưng chỉ trong khoảnh khắc, ba khúc trăn trên núi đã tìm kết lại với những khúc trăn khác ở dưới nước. Khi 100 khúc trăn hợp lại thành một cũng là lúc cả một vùng đất trù phù bỗng chốc sụt lún, khiến buôn làng chìm xuống thành hồ nước mênh mông.

Ăn sâu vào tiềm thức văn hóa dân gian của người Quảng Ngãi, những ý niệm, ý nghĩa biểu trưng cổ xưa về rắn đến nay vẫn không hề mất đi. Nỗi sợ hãi mang tính nguyên thủy về loài rắn, thần thánh hóa loài rắn khiến những giai thoại lưu truyền về rắn không chỉ dừng lại ở các truyền thuyết, giai thoại cổ, mà còn tiếp nối ở thời hiện đại. Một trong những ví dụ rõ nét nhất là, đến những năm 80, 90 của thế kỷ trước, người Quảng Ngãi vẫn truyền tai nhau câu chuyện ly kỳ về cặp rắn khổng lồ, to như cột nhà, có mồng đỏ rực, được người dân xem như rắn thần, thường lui tới ở khu vực gần cổng đình Thọ An, thuộc căn cứ Tuyền Tung - đình Thọ An của nghĩa quân Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân trong phong trào Cần Vương vào cuối thế kỷ XIX (nay thuộc địa phận xã Bình An, huyện Bình Sơn). Người làng Thọ An, mỗi lần thấy cỏ xung quanh cổng thành bị rạp xuống như ai kéo khúc gỗ nặng đi qua, đều cho rằng, đó là dấu vết của cặp rắn thần khổng lồ...

Nguồn: Báo Quảng Ngãi 

 

 

Tags:

Bài viết khác

Nét đặc trưng của trang phục dân tộc Thái ở Việt Nam

Trang phục không chỉ là y phục hàng ngày mà còn là phần không thể thiếu trong các dịp lễ hội, thể hiện văn hóa và tâm linh của người Thái. Mỗi chi tiết trên trang phục đều mang ý nghĩa riêng và thể hiện sự kính trọng văn hóa truyền thống.

Đám giỗ Miền Tây – Nét đẹp văn hóa của người dân Miền Tây

Đám giỗ miền tây… tràn đầy tình cảm, đó chính là câu nói mà ai cũng sẽ nhắc khi nói về đám giỗ miền quê. Người miền Tây quan niệm rằng đám giỗ không chỉ là dịp để tưởng nhớ người đã khuất mà còn là dịp để bà con, hàng xóm láng giềng quây quần, cùng nhau sẻ chia những câu chuyện trong cuộc sống và thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm.

Đền thờ ông bà Đỗ Công Tường – Cao Lãnh – Đồng Tháp

Đền thờ và mộ ông bà Đỗ Công Tường rất cổ kính, trang nghiêm tọa lạc trên đường Lê Lợi, phường 2, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Đền thờ chủ chợ Cao Lãnh nổi tiếng linh thiêng khắp vùng. Đặc biệt là với giới kinh doanh làm ăn buôn bán nên đã trở thành địa điểm du lịch tâm linh thu hút đông đảo người dân khắp nơi về đây tham quan chiêm bái.

Tục cưới hỏi của dân tộc Tày

Đám cưới thường được tổ chức vào lúc chiều tối (tầm 4 -5 giờ trở đi). Cưới vào giờ này không ảnh hưởng đến công việc trong ngày của mọi người, người ở xa mấy núi cũng đến kịp. Hơn nữa, mọi người sẽ có thời gian ở chơi lâu hơn. Tiệc cưới được chia làm hai tiệc. Tiệc thứ nhất dành cho người lớn tuổi, bậc cha chú, anh em họ hàng. Tiệc thứ hai dành cho nam nữ thanh niên, bạn bè gần xa của cô dâu chú rể.

Cần giữ gìn nét đẹp Lễ cúng sức khỏe của người Ê Đê

Đồng bào dân tộc Ê Đê ở tỉnh Đắk Lắk có nền văn hóa truyền thống đa dạng, phong phú với những lễ hội, phong tục, tập quán độc đáo. Trong đó, Lễ cúng sức khỏe là một nghi thức quan trọng, thể hiện sự tôn kính và hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Lễ cúng sức khỏe không chỉ là dịp để người Ê Đê bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên mà còn là cơ hội để các thành viên trong gia đình, cộng đồng tụ họp, thăm hỏi, chia sẻ niềm vui và cầu chúc cho nhau sức khỏe, hạnh phúc.

Lễ cúng bản của đồng bào Khơ Mú

Lễ cúng bản là một trong những nghi lễ truyền thống quan trọng của dân tộc Khơ Mú ở xã Huổi Một, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Lễ cúng bản thường được tổ chức vào đầu năm hoặc sau mỗi mùa vụ để cầu mong bình an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và bản làng yên ổn. Đây không chỉ là một nghi lễ tâm linh mà còn là dịp để cộng đồng gắn kết, thể hiện lòng biết ơn với thần linh và tổ tiên.

Một số nét văn hóa tiêu biểu của dân tộc Kinh

Dân tộc Kinh có những nét văn hòa đa dạng, phong phú, vô cùng đặc sắc và có nền ẩm thực độc đáo, chứa đựng mọi tinh hoa của dân tộc.

Rượu gạo – Nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam

Rượu gạo Việt Nam hay còn gọi là rượu trắng, là một nét đặc trưng của văn hóa và ẩm thực đất nước, được chưng cất từ nguồn gạo phong phú mà đất đai này ban tặng. Rượu thường được sản xuất tại các xưởng gia đình, rượu gạo không chỉ mang lại hương vị đặc trưng mà còn là biểu tượng của sự gắn kết và chia sẻ trong cộng đồng.
Top