banner 728x90

Áo Nhật Bình: Một di sản văn hóa quý của Cố đô Huế

23/04/2025 Lượt xem: 2367

Áo Nhật bình vốn là loại triều phục dành cho bậc hậu, phi, cung tần và công chúa thời Nguyễn, nay đã trở thành loại trang phục phổ biến của phụ nữ Huế trong dịp hôn lễ và ngày càng được các bạn nữ trẻ Việt Nam yêu thích sử dụng khi đi ngoạn cảnh, check in…

Nam Phương Hoàng hậu trong trang phục áo Nhật Bình

Nguồn gốc của áo Nhật bình là loại áo Phi phong của triều Minh, được triều Nguyễn tiếp thu, cải cách thành kiểu áo Phi phong đối khâm với những nét riêng, rất đặc sắc. Áo có phần cổ thiết kế hình chữ nhật to bản, hai vạt được cố định bằng dây buộc, khi mặc vào thì phần trước ngực được ghép lại thành một hình chữ nhật nên mới có tên là áo Nhật bình. Khắp thân áo thường được trang trí lộng lẫy bằng các hoa văn dạng tròn dạng phụng ổ, loan ổ đan xen với các hình hoa lá, chữ Phúc, chữ Thọ... đính kim tuyến lấp lánh. Các hoa văn trang trí được sắp xếp dựa vào cấp bậc, vai vế của người mặc. Vì vậy, khi nhìn vào phần màu sắc, hoa văn của áo Nhật bình thì có thể xác định ngay được địa vị, danh phận của người mặc áo. Trừ Nhật bình dành cho bậc hoàng hậu ra, các kiểu áo Nhật bình khác ở tay áo đều có dải màu ngũ hành: lục, vàng, xanh, trắng, đỏ khiến loại trang phục này càng thêm rực rỡ. 

Từ năm Gia Long thứ 6 (1807), triều Nguyễn đã có quy định về trang phục áo Nhật bình dành cho hậu phi, công chúa, cung tần cả về màu sắc, chất liệu, hoa văn và các phụ kiện đi kèm (như kim ước, kim phượng, trâm phượng, trâm hoa).

Về màu sắc, Nhật bình của hoàng hậu dùng màu vàng chính sắc và màu cam; áo Nhật bình của công chúa dùng màu đỏ; bậc cung tần nhị giai dùng màu xích đào; cung tần tam giai dùng màu tím; cung tần tứ giai thì màu tím nhạt…

Về chất liệu thì áo Nhật bình của hoàng hậu may bằng sa sợi vàng quý giá, Nhật bình của công chúa, cung tần nhị giai, tam giai... may bằng sợi sa, nhuộm màu theo quy định.

Người mẫu Giang Thanh - Ảnh: Bảo Minh

Các loại phụ kiện đi kèm cũng phân theo thứ bậc: Hoàng hậu thì có 2 Cửu long kim ước phát, 1 Cửu phượng kim ước phát và 8 trâm phượng bằng vàng; công chúa thì có 1 Thất phượng kim ước phát và 12 trâm hoa; Cung tần nhị giai thì có 1 chiếc Ngũ phượng kim ước phát và 10 trâm hoa; cung tần tam giai thì có 1 Tam phượng kim ước phát và 8 trâm hoa; Cung tần tứ giai thì có 1 chiếc Phượng kim ước và 8 trâm cài…

Đầu thời Nguyễn, áo Nhật bình thường phối với bộ xiêm y màu tuyết bạch, đội mũ phượng tùy theo thứ bậc. Nhưng từ cuối thế kỷ XIX trở về sau, áo Nhật bình được phối với quần màu trắng, đội khăn vành to bản. Và hình thức này còn được bảo lưu đến ngày nay, đồng thời màu sắc, hoa văn trang trí của áo Nhật bình cũng phong phú, đa dạng hơn để phù hợp với nhu cầu đa dạng của cộng đồng.

Sau năm 1945, áo Nhật bình lan tỏa ra dân gian, được phụ nữ Huế rất yêu thích, thường chọn làm lễ phục trong đại sự hôn lễ của mình. Từ một loại trang phục chỉ dành cho nữ giới quý tộc chốn cung đình, áo Nhật bình đã trở thành một loại trang phục phổ thông, dành cho mọi người.

Dẫu vậy, áo Nhật bình vẫn dược xem là loại lễ phục cao cấp, chỉ được sử dụng trong các nghi lễ đặc biệt trang trọng. Áo Nhật bình truyền thống bao giờ cũng được may, thêu hết sức cầu kỳ, tỉ mỉ và hầu hết các công đoạn đều do nghệ nhân hay những người thợ tay có nghề cao thực hiện theo lối thủ công. Và cũng do điều này mà giá thành của những chiếc áo Nhật bình thường rất đắt. Trong thời Nguyễn, những chiếc áo Nhật bình của hoàng hậu, công chúa, phi tần đều do nghệ nhân cung đình may thêu vô cùng công phu, tỉ mỉ trong nhiều tháng trời và mức độ quý giá thì không hề thua kém các bộ đại lễ phục của vương tử, hoàng thân, quan lại cao cấp.

Những hình ảnh tư liệu cho thấy những bộ áo Nhật bình mà Đoan Huy Hoàng thái hậu (thân mẫu vua Bảo Đại), Hoàng hậu Nam phương (vợ vua Bảo Đại), Công chúa Mỹ Lương (con gái vua Dục Đức)… mặc đều là những bộ trang phục rất lộng lẫy và rất đẹp.

Áo Nhật bình là một di sản quý của thời Nguyễn, ngày càng được giới trẻ yêu thích, sử dụng vào các dịp lễ trang trọng không chỉ ở Huế mà còn lan tỏa ra toàn quốc và cả ở hải ngoại, nơi có người Việt sinh sống làm ăn.

Lễ cưới của Uyên Minh và Minh Luân, cô dâu trong trang phục áo Nhật Bình

Nữ du khách khi viếng thăm Huế, nếu là người yêu thích trang phục truyền thống của dân tộc thì nên chọn một bộ áo Nhật bình thật đẹp để check in cùng các danh thắng nổi tiếng của cố đô. Điều rất lạ là khi mặc bộ trang phục này, bạn dù chụp ảnh ở nơi nào cũng thấy đẹp, thấy hợp, dù là ở Hoàng cung, lăng tẩm, chùa chiền, phủ đệ, nhà vườn hay tại cung An Định, trường Quốc Học, cầu Trường Tiền, phố đi bộ, cầu gỗ Lim... Đó cũng là một bí mật mà bạn nên khám phá về miền đất sông Hương núi Ngự này.

YẾN CHI

Nguồn: Tạp chí VHNT số 487, tháng 1-2022

 

 

Tags:

Bài viết khác

Ý nghĩa biểu tượng của tượng Phật Bà Quan Âm nghìn tay nghìn mắt - Di sản vô giá của dân tộc

Sự sùng bái Bồ tát Quan Âm có liên quan mật thiết đến sự phát triển của Tịnh độ tông và Mật tông, cụ thể là tư tưởng “Tịnh Mật hợp nhất”. Chính tại thời điểm giao thoa của hai tông này mà sức sáng tạo các hình tượng Bồ tát Quan Âm ngày càng trở nên phong phú, đa dạng.

Di tích Lịch sử - Văn hóa là gì? Tiêu chí, phân loại di tích lịch sử văn hóa

Di tích Lịch sử - Văn hóa là công trình xây dựng, địa điểm, hiện vật, di vật, đồ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm có liên quan đến những sự kiện lịch sử, quá trình phát triển văn hoá, xã hội một dân tộc, một đất nước. Di tích lịch sử - văn hoá phải có một trong các tiêu chí sau:

Những nhạc cụ “thổi hồn” cho Di sản Văn hóa hát Then

Hát Then trong đời sống, văn hoá tín ngưỡng, tâm linh của đồng bào Tày, Nùng, Thái vùng cao phía Bắc được ví là "điệu hát thần tiên", điệu hát của “Trời”. Nghệ thuật diễn xướng dân gian này ẩn chứa và phô diễn những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời. Trong hát Then, đàn Tính và chùm Xóc Nhạc là hai loại nhạc cụ không thể thiếu. Hai loại nhạc cụ này vừa có chức năng giữ nhịp, đệm cho hát, vừa có khả năng diễn tấu linh hoạt, đặc biệt còn được sử dụng như đạo cụ trong những điệu múa Then.

Điều kiện di tích lịch sử văn hóa được xếp loại là di tích quốc gia

Theo quy định tại Điều 29 Luật Di sản văn hóa năm 2001, được sửa đổi bởi khoản 10 Điều 1 Luật Di sản văn hóa sửa đổi năm 2009, việc phân loại di tích lịch sử và văn hóa phải dựa trên những điều kiện về giá trị lịch sử và văn hóa. Các điều kiện này được quy định rõ ràng nhằm xác định và bảo vệ các di tích có giá trị quan trọng đối với quốc gia và dân tộc. Cụ thể, các di tích được phân loại dựa trên bốn điều kiện cơ bản:

Thủ tục xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia

Di tích lịch sử Việt Nam đã được phân thành ba cấp khác nhau, nhằm phản ánh giá trị lịch sử, văn hoá và khoa học của chúng. Đây là một dạng di sản văn hoá vật thể, bao gồm các công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình hoặc địa điểm đó.

Phân cấp, phân quyền trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa

Ở Việt Nam, vấn đề phân cấp là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của quá trình cải cách nền hành chính nhà nước. Phân cấp quản lý có thể hiểu là vấn đề chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn rõ ràng giữa các cơ quan nhà nước, các bạn ngành Trung ương và địa phương. Theo Từ điển Luật học, phân cấp quản lý được định nghĩa là “Chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên cho cơ quan quản lý nhà nước cấp dưới thực hiện thường xuyên, lâu dài, ổn định trên cơ sở pháp luật…

Lễ Hội Hoa Ban: Nét đẹp văn hóa vùng núi Tây Bắc Việt Nam

Lễ hội Hoa Ban là một trong những sự kiện văn hóa đặc sắc của Việt Nam, phản ánh sự hòa quyện giữa thiên nhiên và con người, giữa các giá trị truyền thống và sự phát triển hiện đại. Với vẻ đẹp thuần khiết của hoa ban, cùng với những hoạt động văn hóa phong phú, lễ hội Hoa Ban hứa hẹn sẽ tiếp tục là một điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Quản lý nhà nước về di sản văn hóa phi vật thể

Quản lý nhà nước với tính chất là một hoạt động quản lý xã hội. Quản lý nhà nước được thực hiện bởi tất cả các cơ quan nhà nước, là hoạt động chấp hành và điều hành có tính tổ chức chặt chẽ, được thực hiện trên cơ sở pháp luật, được bảo đảm thực hiện bởi hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước.
Top