banner 728x90

Văn hóa đình làng ở xã cù lao Bình Thủy

21/06/2024 Lượt xem: 2569

Từ giữa tháng 3 đến tháng 5 (âm lịch) hàng năm, các đình thần đồng loạt tổ chức lễ kỳ yên để gửi gắm niềm tin, mong cầu cuộc sống bình an, no ấm, mùa màng bội thu. Hòa cùng nét văn hóa lâu đời ấy, vào ngày 9 - 11/5 (âm lịch) hàng năm, tại xã cù lao Bình Thủy (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) sôi nổi diễn ra các hoạt động mừng lễ kỳ yên, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Di tích đình Bình Thủy là kiến trúc nghệ thuật mang giá trị văn hóa - lịch sử, gắn liền với quá trình khai hoang lập làng trên vùng đất cù lao Năng Gù xưa và là nơi người dân địa phương gửi gắm niềm tin, tín ngưỡng. Quá trình xây dựng đình thần Bình Thủy gắn liền với tên tuổi của ông Dương Văn Hóa - người có công khai phá và quy tụ dân cư trên vùng đất Bình Lâm xưa (tên gọi trước đây của xã Bình Thủy).

Trước kia, đình thần Bình Thủy được xây dựng bằng lá đơn sơ trên một khu đất rộng, cách vàm Rạch Chanh khoảng 200m, nhưng sau đó bị hỏa hoạn. Năm 1850, hương chức và Nhân dân trong làng đứng ra vận động người dân đóng góp, cùng nhau xây dựng lại ngôi đình trên phần đất của ông Dương Văn Thụ (cháu cố của cụ Dương Văn Hóa), cách vị trí ngôi đình cũ khoảng 200m.

Qua quá trình trùng tu, tôn tạo đình Bình Thủy vẫn giữ được nét kiến trúc cổ kính, trang nghiêm. Ngôi đình chính có kiến trúc kiểu chữ “Tam”, tam cấp mái, nóc cổ lầu; mái hạ được lợp bằng ngói Phú Hữu, mái trung và mái thượng lợp ngói âm dương. Trên nóc đình có gắn tượng “lưỡng long tranh châu” hàm ý mọi việc đều hanh thông, thuận lợi.

Cấu trúc mặt tiền đình là sự kết hợp hài hòa trong cùng một tổng thể giữa gạch đá liên kết với gỗ, còn nét trang trí mỹ thuật chính diện ngôi đình thể hiện sự kết hợp 2 yếu tố văn hóa Đông - Tây càng tôn thêm nét kiến trúc, làm cho ngôi đình nổi bật giữa vùng cù lao sông nước. Với giá trị kiến trúc tiêu biểu, nổi bật, đình Bình thủy được UBND tỉnh xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh năm 2000.

Đình Bình Thủy thờ chính là thần Thành hoàng bổn cảnh và vọng tiền hiền Dương Văn Hóa. Hiện nay, đình Bình Thủy đều đặn thực hiện các lễ cúng trong năm, như: Lễ kỵ thần, lễ hội kỳ yên và lễ lạp miếu. Trong đó, lễ kỵ thần của đình Bình Thủy (diễn ra vào ngày 21 - 22 tháng Giêng) có các nghi thức như lễ kỵ thần của những đình khác trong toàn tỉnh, nhưng điểm đặc biệt hơn là ngày lễ kỵ thần của đình Bình Thủy cũng là lễ giỗ của vị tiền hiền Dương Văn Hóa.

Lễ hội kỳ yên (diễn ra từ ngày 9 - 11/5 âm lịch) là dịp để dân làng chiêm bái thần Thành hoàng bổn cảnh, thần nông, thần xã tắc, cầu mưa thuận gió hòa, dân giàu nước mạnh. Ngày lễ kỳ yên còn có lễ tế tiền hiền, hậu hiền và các bậc tiền bối trong làng xã để giáo dục thế hệ sau về truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.

Lễ kỳ yên đình Bình Thủy có các hoạt động lễ và hội đều gắn với đời sống văn hóa tinh thần của cư dân vùng sông nước. Mỗi kỳ lễ kỳ yên diễn ra sẽ giúp người dân vùng đất cù lao Bình Thủy thấy lại những nghi lễ được truyền từ các thế hệ cha ông.

Đối với lễ lạp miếu (diễn ra vào ngày 19 và 20/12 âm lịch) được tổ chức nhằm đáp tạ thần ân sau 1 năm mưa thuận gió hòa, mùa vụ thành công, với các nghi thức: Cúng thần nông, thỉnh sanh, túc yết, chánh tế và lễ tất an thần.

Trong 3 lễ cúng lớn của đình Bình Thủy, lễ hội kỳ yên và lễ lạp miếu thu hút đông đảo người dân tham gia. Đặc biệt, lễ hội kỳ yên trong nhiều năm qua đã tạo một không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc sắc, là hoạt động giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần người dân Bình Thủy.

Lễ kỳ yên đình Bình Thủy đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần của người dân địa phương

Cùng với phần lễ trang nghiêm, thành kính, lễ kỳ yên đình Bình Thủy còn có phần hội sôi nổi với các hoạt động thể thao thu hút hàng ngàn người dân địa phương và khách tham quan đến vui chơi, trải nghiệm lễ hội. Lễ kỳ yên năm nay, bên cạnh giải đua thuyền truyền thống còn có hội thi xe hoa, giải cờ tướng truyền thống và các trò chơi dân gian vui nhộn…

Đình làng là một thiết chế văn hóa tín ngưỡng, biểu tượng của tính cộng đồng. Thông qua lễ kỳ yên đình Bình Thủy hàng năm là dịp để người dân Bình Thủy xa quê tề tựu tham dự hội làng, gắn kết tình làng nghĩa xóm và tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền nhân có công khai hoang, lập làng Bình Thủy.

Ban Nghiên cứu Văn hóa

 

Tags:

Bài viết khác

Cần giữ gìn nét đẹp Lễ cúng sức khỏe của người Ê Đê

Đồng bào dân tộc Ê Đê ở tỉnh Đắk Lắk có nền văn hóa truyền thống đa dạng, phong phú với những lễ hội, phong tục, tập quán độc đáo. Trong đó, Lễ cúng sức khỏe là một nghi thức quan trọng, thể hiện sự tôn kính và hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Lễ cúng sức khỏe không chỉ là dịp để người Ê Đê bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên mà còn là cơ hội để các thành viên trong gia đình, cộng đồng tụ họp, thăm hỏi, chia sẻ niềm vui và cầu chúc cho nhau sức khỏe, hạnh phúc.

Lễ cúng bản của đồng bào Khơ Mú

Lễ cúng bản là một trong những nghi lễ truyền thống quan trọng của dân tộc Khơ Mú ở xã Huổi Một, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Lễ cúng bản thường được tổ chức vào đầu năm hoặc sau mỗi mùa vụ để cầu mong bình an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và bản làng yên ổn. Đây không chỉ là một nghi lễ tâm linh mà còn là dịp để cộng đồng gắn kết, thể hiện lòng biết ơn với thần linh và tổ tiên.

Một số nét văn hóa tiêu biểu của dân tộc Kinh

Dân tộc Kinh có những nét văn hòa đa dạng, phong phú, vô cùng đặc sắc và có nền ẩm thực độc đáo, chứa đựng mọi tinh hoa của dân tộc.

Rượu gạo – Nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam

Rượu gạo Việt Nam hay còn gọi là rượu trắng, là một nét đặc trưng của văn hóa và ẩm thực đất nước, được chưng cất từ nguồn gạo phong phú mà đất đai này ban tặng. Rượu thường được sản xuất tại các xưởng gia đình, rượu gạo không chỉ mang lại hương vị đặc trưng mà còn là biểu tượng của sự gắn kết và chia sẻ trong cộng đồng.

Nét độc đáo trong trang phục truyền thống của người Khmer

Việt Nam có 54 dân tộc cùng sinh sống và mỗi dẫn tộc đều có trang phục truyền thống riêng. Tuy nhiên trang phục dân tộc Khmer có lẽ được xem là nổi bật và cầu kỳ nhất, đặc biệt trang phục truyền thống của phụ nữ Khmer Nam bộ mang nét duyên, nét độc đáo không thể lẫn lộn với bất kỳ một trang phục nào khác.

Độc đáo tục rước dâu của người Dao Thanh Y ở Bình Liêu (Quảng Ninh)

Lễ cưới của người Dao Thanh Y ở Bình Liêu (Quảng Ninh) không chỉ là một nghi thức quan trọng trong đời sống hôn nhân, mà còn mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống với nhiều phong tục đặc sắc hiếm thấy ở các dân tộc khác. Trong đó, Lễ rước dâu là phần đặc biệt nhất, thể hiện sự giao thoa giữa tín ngưỡng, phong tục và tinh thần cộng đồng.

Tết Thanh minh của người Dao

Tết Thanh minh không chỉ là dịp để tưởng nhớ tổ tiên mà còn là một nét văn hóa đặc sắc của nhiều dân tộc thiểu số, trong đó có người Dao Quần Chẹt ở các tỉnh Tuyên Quang, Hòa Bình, Vĩnh Phúc. Đây là dịp để con cháu sum vầy, thể hiện lòng thành kính với bậc tiền nhân, đồng thời lưu giữ những phong tục truyền thống.

Nét văn hóa trong trang phục dân tộc H’mông

Nằm trong một quốc gia đa dân tộc, dân tộc H’mông được coi là một thành viên quan trọng trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Cùng với tiếng nói, chữ viết, trang phục cũng là một trong những chi tiết quan trọng đầu tiên để nhận biết và phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Trang phục truyền thống không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa, mà còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử của từng tộc người.
Top