banner 728x90

Truyện ngắn MỘT BUỔI THI

12/04/2024 Lượt xem: 2972

- Hai mươi sáu: Trần Hồng Linh.

Tiếng cô giáo đọc số báo danh vào phòng thi vang lên dõng dạc. Từ trong đám thí sinh còn đứng lố nhố ở ngoài, một cô bé có khuôn mặt trắng trẻo, dong dỏng cao, tóc cắt ngắn, lách người ra khỏi đám đông bước vào phòng thi. Cô giám thị phòng thi số 7 kiểm tra kỹ thẻ dự thi của Linh xong mừng rỡ hỏi:

- Em là con mẹ Liên phải không?

- Dạ phải, sao cô biết?

- Cô vừa gặp mẹ em ở cổng trường, cô tên là Hồng, coi thi ở phòng này và là học sinh cũ của mẹ em…

Hai mươi bảy…

Linh vội vã chào cô Hồng, rồi đi về vị trí của mình.

Điểm danh xong, thí sinh vào lớp. Sân trường lúc nãy đầy người bây giờ vắng lặng, khoảng đất dưới gốc cây phượng ngoài sân lốm đốm những cánh hoa đỏ ối rơi đầy, nhìn xa tưởng như có ai rắc một mớ than hồng lên mặt đất. Giây phút chờ đợi phát đề thi im ắng nặng nề trôi. Đâu đó tiếng kéo xệch một cái bàn trên nền gạch hoa nghe rin rít rợn người.

Thùng!... Thùng!... Thùng!...

Tiếng trống trường báo hiệu giờ thi bắt đầu. Cô Hồng cầm đề thi lần lượt đi phát cho các bàn rồi chậm rãi đọc lại một lượt cho các thí sinh soát lại. Những cái đầu cúi gầm xuống mặt bàn, tiếng thở phào nhẹ nhõm xen lẫn tiếng chặc lưỡi đầy vẻ lo âu… Phòng thi bỗng chốc xôn xao hẳn lên rồi trở lại cái không khí im ắng ban đầu của nó. Cô Hồng quan sát Linh khá lâu, bất giác cô nhớ lại thời học sinh của mình…

Ngày ấy, bỗng nhiên bố bị lâm bệnh rồi qua đời. Một mình mẹ tần tảo nuôi ba chị em Hồng mà vẫn không đủ ăn. Mới mười sáu tuổi, Hồng đã phải nghỉ học để phụ giúp mẹ kiếm tiền nuôi các

em. Biết hoàn cảnh đó, cô Liên chủ nhiệm lớp đã đến nhà động viên Hồng đi học và vận động cả lớp hàng tháng quyên góp tiền giúp đỡ mẹ Hồng. Nếu không có cô Liên hồi đó, chắc chắn Hồng sẽ không có ngày hôm nay. Thấm thoắt thế mà đã hơn 10 năm trôi qua, kể từ khi cô Liên chuyển đi trường khác, Hồng không còn điều kiện để gặp cô nữa. Và hôm nay, không ngờ quả đất xoay tròn…

Hai tiếng đồng hồ dành cho đề thi toán trôi qua hơn một nửa. Cô Hồng đứng ở một bên cửa ra vào nhìn khắp một lượt phòng thi. Ánh mắt của cô đảo khắp phòng thi và dừng lại thật lâu ở chỗ Linh. Linhh đang nhíu mày suy nghĩ, mồ hôi lấm tấm trên trán. Bất chợt Linh ngước nhìn và bắt gặp ánh mắt cô Hồng, Linh cúi xuống bối rối. Thấy vậy, cô Hồng đi lại chỗ Linh ngồi và nhìn vào tờ giấy nháp đầy những hình vẽ chằng chịt của Linh. Cô hiểu bài làm của Linh đang bị vướng ở con toán hình cuối cùng.

Cô Hồng đi về phía bục giảng, lấy phấn vẽ lên bàn để giải bài toán và chẳng khó khăn gì cô đã tìm ra cách giải. Cô Hồng đi xuống chỗ Linh ngồi, và chỉ tay vào hình vẽ trên giấy nháp của Linh.

- Định lý…

Cô Hồng dừng lại đột ngột khi thấy ánh mắt của Linh không nhìn theo ngón tay cô chỉ mà đang ngước lên chăm chú nhìn cô. Và giọng Linh nhỏ nhẹ:

- Thưa cô, các bạn ấy biết đấy!

- Không sao đâu em – Cô Hồng bối rối.

Bỗng giọng Linh trở nên cương quyết:

- Không! Cô để tự em làm… Mẹ em là cô giáo, em không thể để các bạn ấy coi thường mẹ em, coi thường em. Mỗi người phải tự tìm lời giải cho mình.

- Xin lỗi em!

Mặt cô Hồng ửng đỏ, cô rút vội bàn tay lên như chạm phải lửa và quay trở về bàn giáo viên như một người đang trốn chạy. Linh ngước nhìn theo cô, rồi lại cắm cúi làm bài tiếp…

Chỉ còn hơn mười phút nữa là hết giờ thi. Thí sinh đã nộp bài khá đông. Phòng thi trở nên rộng thênh thang khi chỉ còn khoảng mười người ngồi rải rác. Cô Hồng cảm thấy sốt ruột vì không biết Linh đã làm được chưa. Cô nhìn Linh với ánh mắt lo âu lẫn cảm phục. Nhưng kìa! Linh đã đứng dậy đem bài lên nộp. Cô Hồng hồi hộp cầm lấy bài làm của Linh lên xem. Cách giải của Linh không được ngắn gọn nhưng vẫn đi đến một kết quả đúng.

Đợi cô Hồng xem xong, Linh mới lí nhí nói vài lời cám ơn cô Hồng rồi chào cô ra về. Cô Hồng tiễn Linh ra cửa xúc động nắm chặt tay Linh nói:

- Nhờ có em hôm nay mà cô đã không tự đánh mất chính mình. Buổi thi này, chính em đã giúp cô trở về cương vị của một giáo viên đích thực. Cám ơn em nhiều.

Tiếng trống trường rung lên nói lời chia tay giữa Linh và cô Hồng. Cô nhìn theo cho đến khi bóng Linh nhòa vào trong nắng./.

(Truyện ngắn viết cho thiếu nhi của tác giả Đào Quốc Thịnh)

Tags:

Bài viết khác

Truyện ngắn: Mùa Vu Lan nhớ mẹ

Cứ đến lễ Vu Lan là tôi nhớ đến một vùng quê nghèo thoang thoảng thơm mùi mít chín.

Tản văn: Chạm vào một vùng ký ức

Tiếp khách trong một nhà hàng sang trọng, lật bảng thực đơn, trong phần các món rau, anh lặng lẽ kêu một đĩa rau lang luộc... Cái món ăn gắn liền với tuổi thơ kham khổ quê nhà, giờ thành đặc sản trong nhà hàng cao cấp này.

Truyện ngắn: Ông Vưu

Hồi đó, nhiều đứa cùng lứa tuổi chơi với tôi đều nói vống rằng không sợ ma, nhưng chỉ có một người mà đứa nào cũng nói sợ, đó là ông Vưu cắt tóc trong làng.

Tản văn: Ngày xưa giờ đã trôi xa

Mỗi ngày mới lại đón ta bằng những ánh ban mai ló rạng phía chân trời. Và mỗi ngày cũng lại qua đi khi ánh chiều tím sẫm non xa. Có những ngày đi lướt qua ta bằng luồng nắng vàng rực rỡ, len lỏi qua thảm lá xanh non. Cũng có những ngày đi qua ta trong sầm sì giá lạnh, trong thâm u nơi cội gốc cây già...

Tản văn: Đôi quang gánh của mẹ

Cũng như đứa bé trong bức ảnh “Mẹ gánh con”, ngày còn thơ, anh em tôi cũng được mẹ gánh đến nhà trẻ, chiều lại đón về. Cũng phải nói thêm, hồi ấy việc gánh con đi nhà trẻ khá phổ biến ở nơi tôi sống, bởi gia đình nào cũng đông con, đứa nọ nối tiếp đứa kia như gà như vịt!

Tản văn: Hương vị đồng quê

Ai sinh ra nơi làng quê có những cánh đồng bát ngát mà lúc phải rời xa chẳng nhớ da diết hương lúa nồng nàn khi vào mùa.

Truyện ngắn: Tiết văn lớp tôi

Giờ học đầu tiên hôm ấy của lớp 12A1 là tiết Văn. Cả lớp đang ồn ào như chợ vỡ bỗng lặng phắt. Tất cả đều hướng về phía cửa, nơi cô giáo bước vào. Cô rất trẻ và đẹp!

Truyện ngắn: Chuyện bao đồng

Góc phố có con hẻm nhỏ. Bên trong hẻm, cạnh nhà tôi có một gia đình mới đến thuê ở. Họ gồm bốn người, hai vợ chồng, một cụ già và một bé gái. Cứ sáng sớm, hai vợ chồng mặc đồ nhem nhuốc đi làm phụ hồ, cụ già và bé gái ở nhà. Có mấy lần, vợ chồng anh phụ hồ ra ngõ gặp chúng tôi đều chào hỏi lịch sự. Một lần tôi hỏi: “Anh ở đâu đến?”, anh nói: “Tôi ở tỉnh X. Ở quê, nhà không có đất vườn nên tôi đi theo các công trình xây dựng làm phụ hồ, nay đây mai đó...”.
Top