banner 728x90

Tản văn: Những tháng năm gian khó

19/03/2025 Lượt xem: 2490

Sáng sớm ra phố, trong làn gió cuối đông se lạnh, nhìn những chiếc áo ấm đầy màu sắc bỗng nôn nao nhớ những mùa đông xưa bên mẹ. Ngày ấy, mùa đông như lạnh hơn bây giờ, trẻ con nhà quê đứa nào môi cũng tím tái, chỉ có nụ cười hồn nhiên thường trực trên môi.

Thời bao cấp, chuyện ăn mặc của các gia đình công nhân đều trông chờ vào nguồn cung của các cửa hàng nhà nước, thế nên áo đẹp chỉ là thứ xa xỉ, kiếm đủ áo ấm để chống lại cái rét mùa đông cũng đã là chuyện khó. Còn nhớ, mỗi lần đông đến, lãnh đạo nông trường nơi tôi sống lại cho xe chở quần áo về tận đội sản xuất để bán cho các gia đình công nhân. Ngày xe về đội, cả làng cả đội vui như hội, kẻ ướm người thử râm ran tiếng nói cười. Hàng hóa khan hiếm nên cả làng mặc “đồng phục” là chuyện thường ngày ở huyện. Có năm, mẹ mua cho anh em chúng tôi những chiếc áo len, áo mút cùng kiểu dáng màu sắc, chỉ khác nhau về kích cỡ. Chạy sang nhà bạn định khoe vừa được mẹ mua áo mới, nhưng vừa đến sân, tôi bỗng tiu nghỉu vì thấy anh em nhà nó cũng mặc giống mình! Cũng chỉ vì áo quần giống nhau, nên thằng em út nhà tôi đã có lần chạy về mách mẹ vì ngỡ đứa bạn… ăn trộm áo của mình, đến giờ kể lại ai cũng cười mà nước mắt rưng rưng về một thời gian khó!

Mỗi lần có áo mới, lũ trẻ chúng tôi đứa nào cũng xúng xính ra đường khoe với chúng bạn. Qua vài phút gìn giữ ban đầu, bọn trẻ lại hồn nhiên cùng nhau nghịch đất, vọc cát nên chẳng mấy chốc những chiếc áo ấm lấm lem bùn đất. Báo hại, chiều tối đi làm về, mẹ lại nhẫn nại giặt giũ, hong áo cho con. Đến giờ tôi vẫn nhớ chiếc áo len có họa tiết ca rô màu trắng đen hay chiếc áo mút cao cổ màu xanh da trời mặc suốt mấy năm liền, đến mức mẹ phải xẻ cổ áo ra vì con cái lớn lên theo thời gian, áo ngày càng bé lại! Lúc nhỏ tôi cứ ngúng nguẩy không chịu mặc áo len vì ngứa, lớn lên tôi mới biết để có chiếc áo ấy mẹ đã phải chắt chiu từng đồng, có khi phải mua nợ trừ lương về sau!

Năm tháng đi qua, những chiếc áo ấm thời thơ bé ấy đã trở thành kỷ niệm. Bây giờ, mỗi khi nhìn những tấm ảnh trẻ em miền núi co ro trong giá rét, tôi lại nhớ về những năm tháng còn gian khó mà nước mắt cứ chực trào. Những khuôn hình ấy đã đánh thức, nhắc nhớ về một tình mẹ bao la!

Hương Lan

 

 

Tags:

Bài viết khác

Câu chuyện gia đình: Sóng gió đi qua

Tôi quyết định ly hôn sau gần mười ba năm chung sống. Tôi cũng từng muốn níu kéo để giữ cho các con một mái ấm toàn vẹn nhưng sức chịu đựng có hạn, tôi không thể tiếp tục được nữa…

Câu chuyện gia đình: Vá đường

Từ tòa án bước ra, chị không khóc. Trời trưa đứng bóng, nắng loang trên mặt đường như tấm gương nóng bỏng, vậy mà lòng chị lại lạnh tanh. Chị lên xe, chạy một mạch về nhà má. Vừa thấy cổng, chị thắng gấp, bước xuống, đứng sững một lúc mới đủ can đảm mở cổng.

Tản văn: Chia tay tuổi học trò

Tháng 6 lặng lẽ đi qua, cánh phượng hồng chớm nở khẽ khàng như một lời nhắc nhở: một năm học đã khép lại. Trên những vòm cây già, tiếng ve lại ngân lên bản nhạc mùa hạ hối hả mà cũng tha thiết đến nao lòng. Có người bảo tiếng ve là khúc ca tiễn biệt tuổi học trò. Với tôi, đó là âm thanh của ký ức – thứ ký ức mãi xanh trong miền sâu thẳm của trái tim.

Tùy bút: Sài Gòn mưa

Sài Gòn mưa. Giữa cái nắng như thiêu như đốt của mùa hè có một cơn mưa xuống làm con người dễ chịu hơn. Mưa đêm. Được ngửa cổ nhìn trời mà đón những giọt mưa. Cho đỡ khát, cho trôi đi khói bụi của bao ngày.

Cốm làng Vòng – Mùa thu Hà Nội

Không biết tự bao giờ, cái tên cốm làng Vòng đã trở thành nỗi nhớ xanh non của đất Kinh kỳ. Người Hà Nội đi xa, mỗi độ thu về, lại bâng khuâng ngậm ngùi khi nghĩ tới hương cốm phảng phất trên những con phố xưa, như một lời nhắc nhở dịu dàng về tuổi thơ đã qua và quê nhà còn đó.

Tản văn: Chia tay mùa hè

Mùa hè năm ấy, mặt trời như treo mãi trên đỉnh cao xanh biếc, rắc xuống trần gian thứ ánh sáng vàng ươm ngọt lịm. Con đường dẫn lối về khu vườn nhỏ bỗng bừng lên rực rỡ, từng phiến lá xanh thẫm lấp lánh như vẫy chào người qua. Ta vẫn nhớ rõ hương hoa nhài thoang thoảng, tiếng ve ngân dài như khúc dạo đầu cho một cuộc chia tay lặng lẽ, mà cũng vô cùng tha thiết.

Bài học không thể quên

Cha tôi vội vàng chạy ra sân đỡ lấy gánh cỏ nặng trĩu trên vai tôi xuống, ánh mắt người đầy ái ngại và thương cảm: Ham cắt chi nhiều dữ vậy con! Còn nhỏ, gánh nặng vậy vẹo xương còn gì? Tôi, một cậu bé hơn mười tuổi cảm thấy người nhẹ hẳn đi khi đôi vai nóng ran không còn phải gồng lên khổ sở, dưới chiếc đòn gánh cong oằn kia, lòng hân hoan hãnh diện lắm. Cũng như bao đứa trẻ nghèo khác, tôi phải đỡ đần cha mẹ từ khi còn rất nhỏ tuổi.

Truyện ngắn: Ngọn nến

Tôi hớn hở trở về ngôi trường cũ, nơi tôi đã từng gắn bó suốt 3 năm trung học phổ thông. Cầm mảnh bằng tốt nghiệp trên tay, tôi biết điều tôi mong đợi ngày xưa giờ đây đã thành hiện thực. Có lẽ thầy tôi sẽ hài lòng vì tôi đi đúng con đường mà thầy tôi đã từng mong muốn.
Top