banner 728x90

Mèn mén – đặc sản vùng cao Bắc Hà

13/04/2025 Lượt xem: 2368

Nếu có dịp du lịch vùng cao Tây Bắc, bạn hãy thử một lần thưởng thức mèn mén - một món ăn được chế biến từ những hạt ngô nếp vùng cao.

Đây là loại thức ăn đã nuôi sống người Mông vùng cao bao đời nay. Hiện tại thì mèn mén thành đặc sản vì người Mông nơi đây đã đủ thóc lúa để ăn. Chỉ còn người Mông khu vực Hà Giang vẫn sử dụng làm thực phẩm trong cuộc sống hàng ngày.

Đám cưới, đám ma, giỗ Tết hay có bất cứ công việc gì đều có sự xuất hiện của món mèn mén. Mỗi người một chiếc thìa, ngồi quây quần cùng bát mèn mén, tô canh, nồi thắng cố và chén rượu ngô vừa ăn, vừa uống, vừa chuyện trò.

Thực chất, mèn mén là món ăn được làm từ ngô tẻ (ngô vàng). Đây là món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. Tuy là món ăn dân dã nhưng quy trình và công đoạn chế biến để thành món ăn ngon lại rất cầu kỳ.

Bước đầu tiên là chuẩn bị nguyên liệu. Nguyên liệu chính của món mén mén là ngô tẻ. Vì thế, khâu chuẩn bị nguyên liệu là một trong số những khâu quan trọng trong cách làm mèn mén. Ngô sau khi lấy ở nương về sẽ được phơi khô, tách hạt, loại bỏ những hạt mốc, thối. Giữ lại những hạt căng, mẩy để xay. Người Mông ở Tây Bắc thường xay thủ công bằng cối đá để làm mèn mén chứ không xay bằng máy công nghiệp. Khi xay bằng cối đá, người ta dễ điều chỉnh để kích thước hạt mèn mén không quá vụn cũng không quá to. Nếu hạt vụn như cám hay hạt quá to thì mèn mén mất đi độ ngon và hương vị đặc trưng.

Sau đó sơ chế nguyên liệu. Một trong những bước không thể thiếu trong cách làm mèn mén là sơ chế nguyên liệu. Khâu này làm không đúng thì mèn mén sẽ có mùi cám ngô hoặc không chín, khi ăn sẽ rất khó ăn.

Ngô sau khi được xay vỡ  phải dùng sàng, nia để loại bỏ cám, mày ngô và giữ lại hạt vàng. Các hạt mèn mén còn lại sẽ dùng nước trộn đều để nước ngấm dần vào trước khi đồ.  Đây là bước không thể thiếu trong cách làm mèn mén. Cách làm mèn mén ngon là phải biết cách chêm nước để ủ hạt mèn mén trong khoảng 5 phút trước khi đồ. Vì thế, để đảm bảo không bị quá tay bạn hãy cho từng ít một cho đến khi các hạt đều ướt và dính vào nhau.

Tiếp theo đó là tiến hành đồ mèn mén. Cách làm mèn mén ngon nhất là phải đồ 2 lần. Cũng giống như món xôi nếp nương ở Tây Bắc, đồ 2 lần để món ăn thêm đậm đà.

Mèn mén sau khi trộn nước được cho vào chõ để đồ lần 1. Dụng cụ để đồ mèn mén là một chiếc chảo lớn để chỗ mèn mén được hấp hơi nhiều nhất. Đặc biệt, bếp lửa phải được duy trì thường xuyên với mức nhiệt cao. Nếu dùng ngô non, thời gian hấp trên bếp lần 1 sẽ ngắn hơn. Với người chưa có kinh nghiệm, hãy đảo thường xuyên chõ mèn mén khi nước sôi để hơi được bốc lên đồng đều, mèn mén chín đều và không bị nhão phía dưới.

Còn đối với ngô già, cần hấp lâu hơn chừng 15 phút.  Sau đó, bột được đổ mèn mén đồ lần 1 ra mẹt, để nguội bớt sẽ được đem đi vò cho tơi. Lúc này, cần cho thêm lượng nước vừa đủ vào bột đã hấp rồi trộn đều tay. Mèn mén ngon nhất định bạn không được để bị vón cục. Khi thấy mèn mén tơi trở lại thì tiếp tục cho vào chõ để đồ lần hai. Lượng nước trong chảo, lượng lửa tương tự như lần 1. Đây chính là bí quyết bạn cần trang bị cho cách làm mèn mén chuẩn vị nhất.

Mèn mén có thể ăn cùng cơm hoặc cùng muối ớt. Nếu bạn từng đến các phiên chợ vùng cao, bạn sẽ thấy người Mông ăn mèn mén kèm muối ớt hoặc với món tào phớ. Vị bùi bùi của ngô già nấu chín, vị mặn cay của muối ớt hay thanh mát của tào phớ hòa quyện với nhau rất hấp dẫn.

Phúc Nguyên

Tags:

Bài viết khác

Món ngon miền Trung Nam Bộ: Dưa chuối chát

Vốn là vùng đồi, quê tôi trồng rất nhiều chuối, đặc biệt do hợp thổ nhưỡng nên chuối hột hay còn gọi là chuối chát rất nhiều, vườn nào cũng có ít nhất vài lùm. Trồng nhiều chuối chát cũng có cái lợi, vì gói các loại bánh chỉ có lá chuối chát mới làm cho bánh xanh và ngon. Trái chuối chát già thì để ngâm rượu, trị bệnh đau nhức xương khớp cho người già. Chuối non thì nấu canh, làm rau ăn sống. Riêng món dưa chuối chát thì khỏi phải nói, được ăn một lần sẽ nhớ mãi.

Bò kho ăn với bánh mì

Bánh mì bò kho là món ngon có lịch sử truyền thống lâu đời. Bánh mì nóng giòn chấm với nước dùng bò kho nóng hổi trong thố đất làm ấm lòng thực khách những ngày trời đổ cơn mưa. Đây là món ăn được rất nhiều thực khách yêu thích.

Chả Rươi – đặc sản Tứ Kỳ, Hải Dương

Con rươi là một loại sinh vật kỳ lạ, tới mùa gần Tết sẽ tự chui từ dưới đất ruộng nổi lên, bơi nhao nhao trên mặt nước. Người dân sẽ đem vợt đi vớt từng con lên. Đến mùa gần Tết thì mới có rươi, chứ ngày thường sẽ không có. Rươi không được nuôi chủ động như các loài gia cầm, gia súc để làm thực phẩm, mà con rươi tự nổi từ dưới lòng đất lên. Hiện nay, người ta chưa thể chủ động gây giống và chăn nuôi được rươi.

Vịt nấu chao – món ngon miền Tây

Đến miền Tây, bạn có thể thưởng thức vịt nấu chao tại các quán ăn dân dã hoặc các nhà hàng đặc sản nổi tiếng. Mỗi địa phương sẽ có cách nấu chao khác nhau, tạo ra sự đa dạng và phong phú về hương vị. Một số địa điểm phổ biến như Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, hay Vĩnh Long, đều có những quán ăn gia truyền với bí quyết riêng để nấu món vịt nấu chao thơm ngon.

Thắng cố Bắc Hà – món ăn đặc sản vùng Tây Bắc

Đến với cao nguyên Bắc Hà (tỉnh Lào Cai), du khách không chỉ được khám phá những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc H’Mông mà còn được thưởng thức những đặc sản của núi rừng Tây Bắc. Một trong những món ăn để lại ấn tượng cho du khách khi đến mảnh đất này phải kể đến đặc sản thắng cố ngựa Bắc Hà.

Nem chua Lai Vung, Đồng Tháp

Nem Lai Vung, Đồng Tháp từ lâu đã là món ngon nổi tiếng, được sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận nằm trong top 10 đặc sản nem chả nổi tiếng Việt Nam. Điều khiến cho món nem Lai Vung trở nên thu hút thực khách chính là vị ngon và thơm đến từ món nem. Khi ăn nem bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt thơm. Vị nem chua chua, ngọt ngọt, thanh thanh hòa quyện với vị cay cay mặn mặn của ớt, dai dai của thịt, giòn giòn sần sật của bì. Mùi thơm đặc biệt chỉ có ở nem chua Lai Vung nhờ vào lá gói và cả ớt xanh, tỏi.

Món don đặc sản Quảng Ngãi

Nhắc đến Quảng Ngãi phần lớn du khách sẽ nghĩ ngay đến những món ngon đặc sản như đường phèn, mì Quảng... Tuy nhiên không phải ai cũng biết và thưởng thức don - đặc sản của vùng đất này.

Chả cá thác lác, món ngon miền Đông Nam Bộ

Cá thác lác sinh sống ở hầu khắp các vùng nước tự nhiên trên thế giới. Phần lớn cá thác lác tập trung ở châu Á, đặc biệt là Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Ở Việt Nam, cá thác lác sinh sống chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long, sông Đồng Nai, khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Với cá thác lác, người ta có thể chế biến theo nhiều cách khác nhau như nấu canh, hấp, kho, xào, nấu lẩu, chiên… đều rất ngon. Chả cá thác lác được sử dụng trong các món lẩu, canh, hay vo thành viên để chiên đều thơm ngon.
Top