banner 728x90

Đồng thầy với vai trò đi đầu trong việc “hoằng dương” thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu

18/10/2024 Lượt xem: 2433

Trong thực tế, theo quan niệm của các tín đồ thờ Mẫu, mỗi đồng thầy sẽ có vai trò và nhiệm vụ nhất định. Có những người cả một đời gắn với chốn tổ sớm tối đèn nhang phụng sự cửa đình thần Tam, Tứ phủ và dìu dắt “đàn con” trong bản hội của mình thực hành các nghi lễ thờ Mẫu. Nhưng cũng có những đồng thầy lại mở rộng hoạt động của mình ra ngoài “khuôn viên” ấy. Họ ra ngoài xã hội và thực hiện những vai trò khác nữa. Bên cạnh việc gìn giữ và trao truyền các thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu cho các thành viên bản hội của mình, một số đồng thầy còn tham gia “hoằng dương”, giới thiệu cái hay cái đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu tới muôn nơi.

Thực hành nghi lễ hầu đồng tại Đền thờ Đức Thánh Mẫu Phủ Dầy, phối thờ Hai Bà Trưng, tại TP.HCM

Việc hoằng dương đạo Mẫu được thể hiện trước hết qua việc “giải” định kiến về tín ngưỡng thờ Mẫu, về những người thực hành nghi lễ thờ Mẫu, đặc biệt là về thực hành nghi lễ lên đồng. Trong quá khứ, thờ Mẫu nói chung hầu đồng nói riêng bị khoác chiếc áo mê tín dị đoan và bị cấm cản. Bối cảnh kinh tế xã hội và chính sách tôn giáo, tín ngưỡng hiện nay đã tạo “chất xúc tác” cho tín ngưỡng thờ Mẫu được phục hồi một cách mạnh mẽ. Các thanh đồng đạo quan được tự do hầu Thánh, các đền phủ được tôn tạo, các điện tư gia mọc lên như nấm. Nhiều người có căn đồng mở phủ trình đồng công khai,… Song tín ngưỡng thờ Mẫu và lên đồng vẫn chưa gỡ bỏ được cái mác “mê tín dị đoan”, người thực hành nghi lễ thờ Mẫu vẫn bị dán nhãn “bọn đồng bóng”, “tính khí thất thường”, thậm chí “điên rồ”,… Cái nhìn tiêu cực này của một bộ phận xã hội đã khiến nhiều đồng thầy băn khoăn trăn trở và tìm cách giải định kiến cho tín ngưỡng thờ Mẫu và những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Nhưng giải định kiến bằng cách nào? Trước hết, nhiều đồng thầy đã bỏ công sức để sưu tầm và tìm ra chân giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu và lan tỏa những giá trị đó cho xã hội, đầu tiên là cho cộng đồng bản hội của mình. Họ suy nghĩ, là con nhà Mẫu mà không hiểu về Mẫu, là người thực hành nghi lễ thờ Mẫu mà không hiểu về Mẫu trước tiên thì sẽ thực hành không đúng, sẽ gây nên những biến tướng và tạo nên cái nhìn thiếu thiện cảm của xã hội đối với tín ngưỡng thờ Mẫu và đối với cộng đồng những người thực hành tín ngưỡng này. Một đồng thầy có tiếng ở Hà Nội cho biết, thầy luôn lan tỏa những giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu cho các thành viên bản hội của mình, như: thờ Mẫu là tín ngưỡng dân gian mang đậm bản sắc dân tộc Việt, là một thứ chủ nghĩa yêu nước đã được tâm linh hóa; rất nhiều vị thánh được thờ tự trên điện thần là những vị mà khi sống thì có công với dân với nước, khi thác thì hiển linh trở thành điểm tựa tinh thần của nhân dân; thờ Mẫu chính là một “cuốn sách lịch sử” được viết bằng các bài chầu văn, bằng trang phục, các điệu múa và diễn xướng,… Đồng thầy này thường sử dụng facebook để lan tỏa các giá trị của đạo Mẫu tới cộng đồng ngoài bản hội của mình bởi vì “Facebook có sức mạnh rất lớn, nó có thể truyền tải trong ba trăm sáu mươi lăm ngày trên một năm, nó có thể truyền tải từ năm này qua năm khác, từ đời này sang đời khác mà không có một vành đai biên giới nào có thể ngăn cách”.

Bên cạnh đó, để hoằng dương thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, nhiều đồng thầy ở Hà Nội và các tỉnh thành đã tham gia vào các Câu lạc bộ Đạo Mẫu Việt Nam, Trung tâm bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, Hội di sản văn hóa Thăng Long… Ở nhiều tỉnh thành cũng thành lập các Câu lạc bộ Đạo Mẫu của địa phương. Các trung tâm và câu lạc bộ này là nơi tập hợp của các nhà quản lý văn hóa, các nhà nghiên cứu và các thanh đồng đạo quan; thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, các hội thảo như một cách để phổ cập những hiểu biết về thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Những thông tin về hội thảo khoa học và những bài viết cũng như những công trình xuất bản sau hội thảo thực sự có ý nghĩa đối với việc tác động sâu sắc tới nhận thức của xã hội về nghi lễ hầu đồng nói riêng và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung.

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Thông qua các bài viết, các luận án và một số cuốn sách của các nhà nghiên cứu Việt Nam cũng như nước ngoài, thế giới đã biết đến tín ngưỡng thờ Mẫu và lên đồng, nhưng đó chỉ là qua sách vở. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu chỉ thực sự hiện hữu sống động ngay trước mắt và được bạn bè thế giới cảm nhận bằng tất cả các giác quan khi Trung tâm Bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cùng một số đồng thầy trình diễn nghi lễ hầu đồng tại các buổi giao lưu văn hóa ở nước ngoài. Một số đồng thầy Hà Nội cũng như các tỉnh thành đã đi trình diễn giao lưu văn hóa tại các nước châu Âu, châu Á, như: Pháp, Italia, Thụy Sĩ, Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc, v.v… Những chuyến đi này là những cơ hội ngắn ngủi để các nhà khoa học và các đồng thầy giới thiệu những gì tinh túy nhất, cô đọng nhất của thực hành nghi lễ thờ Mẫu, cụ thể là nghi lễ hầu đồng tới bạn bè năm châu. Thầy đồng L. - một đồng thầy nổi tiếng ở Hà Nội cho biết: “khi là một trong rất ít thanh đồng có cơ hội và được ra nước ngoài giới thiệu văn hóa Việt Nam, tôi đã xác định rất rõ trách nhiệm của mình là người con của đình thần Tam Tứ phủ, người con của Mẫu thì phải mang hết tâm huyết hoằng dương đạo nhà. Khi tôi bước chân lên sân khấu tôi hầu thì trước nhất là vì tôi là con Cha con Mẹ, vì bóng Mẫu, cái thứ hai nữa là vì danh dự của quốc gia dân tộc”24. Những cuộc trình diễn của thầy đồng L. và các đồng thầy thành viên của Trung tâm Bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam tại các buổi giao lưu văn hóa nước ngoài đã để lại những ấn tượng tốt đẹp về một đất nước Việt Nam đậm tình hữu nghị và đậm đà bản sắc văn hoá truyền thống. Bạn bè thế giới đã biết đến và thực sự bị hấp dẫn, ngỡ ngàng bởi một tín ngưỡng dân tộc giàu ý nghĩa, một tín ngưỡng mà việc thực hành nó đáp ứng được nhu cầu hiện sinh về một cuộc sống phúc - lộc - thọ, một tín ngưỡng mà ở đó những người có công với dân với nước được thần thánh hóa và thờ phụng thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của người Việt Nam; một tín ngưỡng mà ở đó các thần linh có nguồn gốc là các tộc người khác nhau thể hiện tinh thần chung sống hòa bình và lòng khoan dung giữa các tộc người; một tín ngưỡng mà không chỉ giàu ý nghĩa nhân văn còn rất đẹp, rất hấp dẫn từ điệu múa, lời ca cho đến trang phục… Với những hoạt động “hoằng dương” đạo Mẫu ở nước ngoài như vậy, một số đồng thầy ở Hà Nội và các tỉnh thành khác đã trở thành những “đại sứ văn hóa”.

Ban Nghiên cứu VHTN phía Nam

 

Tags:

Bài viết khác

Phong tục cúng giỗ đầu trong văn hóa của người Việt

Giỗ đầu còn gọi là Lễ tiểu tường, là ngày giỗ đầu tiên, tổ chức sau ngày người mất đúng một năm. Đây cũng chính là một nét văn hóa đặc trưng của người Việt từ xa xưa cho đến hiện nay.

Sự khác biệt trong phong tục thờ cúng giữa người Hoa với người Việt

Dù chịu ảnh hưởng bởi lối sống của người Việt nhưng người Hoa vẫn giữ được những phong tục riêng, đặc biệt là phong tục thờ cúng. Chính việc giữ gìn phong tục này đã tạo nên sự khác biệt độc đáo giữa người Việt và người Hoa, góp phần làm đa dạng bản sắc văn hóa của các dân tộc.

Hình tượng chim hạc trong đời sống tâm linh người Việt

Chim Hạc với hình ảnh nhẹ nhàng, tinh tế uyển chuyển là biểu trưng cho điềm lành, thanh cao thoát tục, trường thọ và hạnh phúc. Người dân dùng hình tượng Hạc để biểu thị mong ước ấm êm, gia đình vui vẻ.

Vai trò của bản hội trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Bản hội chính là một loại hình cộng đồng tôn giáo, tín ngưỡng. Cộng đồng này được cố kết với nhau bởi có cùng niềm tin vào sự độ trì của các vị thần trong tín ngưỡng thờ Mẫu và có chung một đồng thầy với những năng lực đặc biệt. Những phân tích lý thuyết về mối quan hệ giữa cộng đồng và di sản văn hóa đã chỉ ra vai trò chủ thể sáng tạo, thực hành, bảo vệ và trao truyền di sản của cộng đồng. Không có cộng đồng ắt sẽ không có di sản.

Tứ Phủ Thánh Cô trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Tứ Phủ Thánh Cô gồm Thập Nhị Thánh Cô (Mười hai cô). Trong Đạo Mẫu, Tứ Phủ Thánh Cô đứng sau Ngũ Vị Tôn Ông, Tứ Phủ Chầu bà, Tứ Phủ Quan Hoàng, đứng trên Tứ Phủ Thánh Cậu.

Tục thờ cúng bà Mụ trong tín ngưỡng người Việt

Lễ cúng Mụ thịnh hành trong một số dân tộc châu Á trong đó có dân tộc Việt, và thường được tổ chức vào những thời điểm khi đứa trẻ mới sinh được 3 ngày (ngày đầy cữ), 1 tháng (ngày đầy tháng) và 1 năm (ngày thôi nôi).

Hành lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Cũng như các tôn giáo, tín ngưỡng khác, tín ngưỡng thờ Mẫu cũng có những nguyên tắc nhất định trong việc hành lễ. Hành lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu là hệ thống những hành vi, động tác nhằm biểu hiện sự tôn kính của con người với thần linh, phản ánh những ước mơ chính đáng của con người trước cuộc sống mà bản thân họ chưa có khả năng thực hiện.

Tứ Phủ Thánh Cậu trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Tứ Phủ Thánh Cậu gồm có 12 Thánh Cậu, là các hình tượng nam thiếu niên, nhanh nhẹn, xông xáo, mạnh mẽ, hiếu động và thường là hầu cận của một vị thánh quan trong Tứ Phủ Quan Hoàng.
Top