banner 728x90

Cặp tượng voi đá lớn nhất trong nghệ thuật điêu khắc Champa

29/11/2024 Lượt xem: 2531

Cặp tượng voi đá thành Đồ Bàn có niên đại hơn 1.000 năm, cao gần 2 m, giữ nguyên vị trí ở trung tâm thành đến nay.

Hai tượng voi đá được Thủ tướng công nhận bảo vật quốc gia đầu năm 2023, được giới thiệu cùng 12 bảo vật khác của tỉnh Bình Định hôm 21/11. Hiện vật gồm một đực, một cái, nằm trong không gian lịch sử, văn hóa Champa, di tích thành Đồ Bàn (còn được gọi là Chà Bàn hoặc Vijaya) - kinh đô vương quốc Champa xưa. Cặp tượng có dáng vẻ sống động, được đặt phía trước "tử cấm thành", ở hai bên đường vào cổng lăng Võ Tánh.

Thành Đồ Bàn tồn tại từ thế kỷ 10 đến 15. Vào thời Tây Sơn, trên nền thành cũ, Nguyễn Nhạc cho xây dựng lại và mở rộng thêm làm sở chỉ huy của nghĩa quân, gọi là thành Hoàng Đế (nay thuộc xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, Bình Định). Nơi đây gồm ba lớp thành ngoại, thành nội và ''tử cấm thành'', có chu vi lần lượt là khoảng bảy km, 1,6 km, 600 m.

Theo hồ sơ của Cục Di sản Văn hóa, bảo vật được tạc từ đá sa thạch theo dạng tả thực. Loại đá này có độ mịn cao, đáp ứng yêu cầu bền vững sau nhiều thế kỷ. Cặp voi hiện được bảo quản tương đối nguyên vẹn, giữ đúng vị trí ban đầu, chỉ có phần thân bị màu đen sậm do ảnh hưởng của thời gian.

Từ ngoài nhìn vào, tượng con đực đứng ở tư thế động trên bệ đá liền khối hình chữ nhật, hai chân trái đang tiến về phía trước, đầu ngẩng cao, mặt hơi ngoảnh sang trái, vòi buông xuống. Mắt nhỏ, phần tai xòe rộng, hai ngà bị gãy, quanh cổ trang trí sáu lớp dây thừng khắc nổi thắt lại phía sau gáy.

Tượng voi đực nhìn từ bên trái, ước lượng khoảng 800 kg, cao 200 cm, dài 240 cm, rộng 100 cm. (Ảnh: Cục Di sản Văn hóa)

Tượng con cái được chế tác trong tư thế tĩnh, có kích thước nhỏ hơn con đực, mang nhiều yếu tố điêu khắc Champa. Thân voi thẳng, tròn, đầy sức sống, hai chân sau liền khối nối với hai chân trước và đế tượng. Tượng có đầu to, trán nở, đội vương miện có họa tiết những cánh sen nhọn. Hai mắt nhỏ, hai tai lớn ép sát vào mang, cổ đeo một tấm yếm trang trí hình quả trám và nửa quả trám khắc nổi xen kẽ nhau. Voi hiện chỉ còn một ngà, đuôi dài chạm đất.

Tượng voi cái nhìn từ bên phải, ước lượng khoảng 750 kg, cao 176 cm, dài 220 cm, rộng 85 cm. (Ảnh: Cục Di sản Văn hóa)

Tài liệu của Cục Di sản Văn hóa cho biết cặp tượng voi đá thành Đồ Bàn đại diện cho phong cách tháp Mẫm, thể hiện sự hùng mạnh của vương quốc Champa thế kỷ 12.

Voi không chỉ là con thú quen thuộc, sớm được thuần dưỡng phục vụ quân sự và cuộc sống con người mà còn là biểu tượng của vật linh trong Ấn Độ giáo. Sách Ấn Độ giáo và Hồi giáo trong văn học dân gian Chăm của tác giả Trương Sĩ Hùng chỉ ra Ấn Độ giáo vào các tỉnh phía Nam Việt Nam trước công nguyên và vẫn còn tàn tích đến khoảng giữa thế kỷ 18, từng là quốc giáo của người Chăm.

Bên cạnh việc tôn thờ, dân tộc Chăm coi loài voi như bạn, ân nhân của con người. Hình tượng con vật được tìm thấy ở nhiều nơi trong khu vực vương quốc Champa cổ, làm bằng chất liệu đá, gốm dưới hình thức phù điêu hoặc tượng tròn. Hầu hết chúng có kích thước thấp và nhỏ hơn cặp tượng voi đá thành Đồ Bàn. Với chiều cao lần lượt là 2 m và 1,7 m, đây là những tượng voi lớn và hoàn chỉnh, thể hiện sinh động nhất hình dáng con vật trong lịch sử nghệ thuật Champa.

Nhà nghiên cứu người Pháp J. Boisselier chỉ ra bảo vật mang phong cách tháp Mẫm, chịu nhiều ảnh hưởng của nghệ thuật Khmer nửa sau thế kỷ 12. Năm 1220, vương quốc Champa bước vào giai đoạn cực thịnh. Nghệ thuật Champa được phục hưng, tạo nên phong cách Tháp Mẫm, với các tác phẩm điêu khắc lớn, hoành tráng, họa tiết trang trí cầu kỳ. ''Tượng động vật theo phong cách này hầu hết có kích thước lớn, được trang trí triệt để, không còn một chỗ nào trống", theo ông Jean Boisserlier.

Cặp tượng voi đá thành Đồ Bàn kế thừa phát triển từ phong cách Trà Kiệu và Chánh Lộ. Cụ thể, tư thế và động tác giống voi Chàm Trà Kiệu, mũ miện cùng vòng lục lạc cũng xuất hiện trong nghệ thuật tạc tượng voi của Champa từ thế kỷ 10. Còn trang trí dải hoa văn hình quả trám và nửa quả trám là phong cách tháp Mẫm ở thế kỷ 12-13.

Hồ sơ của Cục Di sản Văn hóa nhận định dạng tượng tròn tả thực của hai con voi thành Đồ Bàn là hiện tượng hiếm thấy trong điêu khắc cổ Champa. Dưới bàn tay nghệ nhân, tượng voi như đang chuyển động, gần gũi đời thường. Tài liệu nêu: ''Có thể khẳng định nguyên mẫu của hai tác phẩm này chính là những chú voi rừng đã được người Chăm thuần hóa''.

Theo vnexpress.net

 

Tags:

Bài viết khác

Di tích Lịch sử - Văn hóa là gì? Tiêu chí, phân loại di tích lịch sử văn hóa

Di tích Lịch sử - Văn hóa là công trình xây dựng, địa điểm, hiện vật, di vật, đồ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm có liên quan đến những sự kiện lịch sử, quá trình phát triển văn hoá, xã hội một dân tộc, một đất nước. Di tích lịch sử - văn hoá phải có một trong các tiêu chí sau:

Những nhạc cụ “thổi hồn” cho Di sản Văn hóa hát Then

Hát Then trong đời sống, văn hoá tín ngưỡng, tâm linh của đồng bào Tày, Nùng, Thái vùng cao phía Bắc được ví là "điệu hát thần tiên", điệu hát của “Trời”. Nghệ thuật diễn xướng dân gian này ẩn chứa và phô diễn những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời. Trong hát Then, đàn Tính và chùm Xóc Nhạc là hai loại nhạc cụ không thể thiếu. Hai loại nhạc cụ này vừa có chức năng giữ nhịp, đệm cho hát, vừa có khả năng diễn tấu linh hoạt, đặc biệt còn được sử dụng như đạo cụ trong những điệu múa Then.

Điều kiện di tích lịch sử văn hóa được xếp loại là di tích quốc gia

Theo quy định tại Điều 29 Luật Di sản văn hóa năm 2001, được sửa đổi bởi khoản 10 Điều 1 Luật Di sản văn hóa sửa đổi năm 2009, việc phân loại di tích lịch sử và văn hóa phải dựa trên những điều kiện về giá trị lịch sử và văn hóa. Các điều kiện này được quy định rõ ràng nhằm xác định và bảo vệ các di tích có giá trị quan trọng đối với quốc gia và dân tộc. Cụ thể, các di tích được phân loại dựa trên bốn điều kiện cơ bản:

Thủ tục xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia

Di tích lịch sử Việt Nam đã được phân thành ba cấp khác nhau, nhằm phản ánh giá trị lịch sử, văn hoá và khoa học của chúng. Đây là một dạng di sản văn hoá vật thể, bao gồm các công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình hoặc địa điểm đó.

Phân cấp, phân quyền trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa

Ở Việt Nam, vấn đề phân cấp là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của quá trình cải cách nền hành chính nhà nước. Phân cấp quản lý có thể hiểu là vấn đề chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn rõ ràng giữa các cơ quan nhà nước, các bạn ngành Trung ương và địa phương. Theo Từ điển Luật học, phân cấp quản lý được định nghĩa là “Chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên cho cơ quan quản lý nhà nước cấp dưới thực hiện thường xuyên, lâu dài, ổn định trên cơ sở pháp luật…

Lễ Hội Hoa Ban: Nét đẹp văn hóa vùng núi Tây Bắc Việt Nam

Lễ hội Hoa Ban là một trong những sự kiện văn hóa đặc sắc của Việt Nam, phản ánh sự hòa quyện giữa thiên nhiên và con người, giữa các giá trị truyền thống và sự phát triển hiện đại. Với vẻ đẹp thuần khiết của hoa ban, cùng với những hoạt động văn hóa phong phú, lễ hội Hoa Ban hứa hẹn sẽ tiếp tục là một điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Quản lý nhà nước về di sản văn hóa phi vật thể

Quản lý nhà nước với tính chất là một hoạt động quản lý xã hội. Quản lý nhà nước được thực hiện bởi tất cả các cơ quan nhà nước, là hoạt động chấp hành và điều hành có tính tổ chức chặt chẽ, được thực hiện trên cơ sở pháp luật, được bảo đảm thực hiện bởi hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước.

Mối quan hệ giữa các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể

Sự tập trung vào di sản văn hóa vật thể trong luật pháp và chính sách thường phải trả giá cho những mối quan hệ liên kết và không thể tách rời của các yếu tố vật thể và phi vật thể. Chẳng hạn, đối với việc xây dựng một ngôi nhà và bảo vệ một hiện vật nghi lễ cụ thể thì dễ dàng hơn nhiều so với việc nhận biết và nhận diện một ý tưởng, hay một hệ thống tri thức. Với di sản văn hóa vật thể, một cách dễ dàng hơn để nhận biết cái mất đi, hay sẽ bị hư hỏng.
Top