Giỗ đầu còn gọi là Lễ tiểu tường, là ngày giỗ đầu tiên, tổ chức sau ngày người mất đúng một năm. Đây cũng chính là một nét văn hóa đặc trưng của người Việt từ xa xưa cho đến hiện nay.
Trong ngày giỗ đầu, người ta thường tổ chức rất trang nghiêm và thường cúng rất lớn để mời khách khứa họ hàng, làng xóm và bạn bè thân hữu. Đây là thời gian còn nằm trong kỳ tang chế nên ngày giỗ vẫn mang không khí buồn thảm, bi ai. Sự đau đớn, buồn rầu như còn lắng đọng trong tâm can của người đang sống. Con cháu vẫn mặc đồ tang phục (ngày nay thường chỉ đeo băng tang trên ngực). Một số gia đình lúc tế lễ và khấn gia tiên, thân nhân của người quá cố vẫn khóc than, tạo không khí nhớ thương buồn thảm, thậm chí, những gia đình khá giả còn mời phường kèn đến thổi kèn thờ từ hôm cúng tiên thường cho đến hết ngày chính kỵ. Ở một số địa phương, giỗ đầu còn là dịp chuyển thờ người quá cố lên cùng bàn thờ gia tiên và bỏ bàn thờ tạm. Khách đến ăn giỗ luôn ăn mặc chỉnh tề, giữ thái độ trang nghiêm, không cười đùa hoặc có những cử chỉ thiếu nghiêm túc.
Lễ Giỗ đầu
Quan niệm trần sao âm vậy nên trong ngày tiểu tường, người sống thường sắm đủ mọi đồ dùng để hóa cho người chết. Trong lễ hóa mã này còn có hình nhân, bởi người ta tin rằng, hình nhân đốt xuống cõi âm theo pháp thuật của một pháp sư sẽ hóa thành người hầu hạ cho người đã khuất./.
Ban Nghiên cứu VHTN phía Nam