banner 728x90

Đôi đũa trong văn hóa người Tày

01/12/2024 Lượt xem: 2354

Từ bao đời nay, đôi đũa đã trở thành vật dụng rất quen thuộc trong bữa ăn hằng ngày, hơn nữa còn thể hiện bản sắc văn hóa trong đời sống và tập quán của người Tày.

Trước đây, đũa của người Tày chủ yếu vót bằng tre hoặc cây vầu già. Những cây được dùng làm đũa không cần quá to, nhưng lóng thẳng, không cong, vênh, thớ nhẵn, thịt đầy, ruột đặc. Mỗi cây chỉ lấy những lóng dưới gốc và có thể vót được vài chục đôi đũa. Ngày nay, trong các bữa ăn của một số gia đình người Tày, đôi đũa tre được thay thế bằng những đôi đũa được làm từ các vật liệu khác nhau như inox, nhựa, gỗ..., nhưng đa số đũa được làm bằng tre vẫn được người Tày ưa chuộng và sử dụng nhiều nhất. 

Trong quá trình nấu cơm, để cho cơm chín thơm ngon, không bị khê, cháy hay chín không đều phải có một đôi đũa to để xới khi cơm dần cạn nước. Đôi đũa đó được gọi là “đũa cả”. Đũa cả được làm bằng thanh tre già, có độ dày và khá dài, một đầu to hơi dẹp, một đầu tròn để dễ cầm giúp xới cơm tơi mà không bị cong hoặc gãy. Đũa cả còn dùng để lấy cơm vào bát cho người ăn thay vì phải dùng muỗng. 

Trong cung cách ẩm thực khi ngồi ăn, sử dụng đôi đũa là một “ẩn ngữ vô ngôn” nhưng lại sâu đậm hơn ngôn ngữ vì cách sử dụng đôi đũa diễn tả cung cách ẩm thực (tức văn hóa của người Tày). Trong bữa cơm thường ngày của gia đình người Tày, khi xới cơm xong phải được đậy vung để giữ cơm nóng. Khi ăn, không ai được gõ đũa hay gõ đũa cả vì một số điều kiêng kỵ, đồng thời, trong bữa ăn người Tày có những “quy ước ngầm” về văn hóa dùng đũa như: khi ngồi vào mâm cơm gia đình, người nhỏ tuổi sẽ so đũa và so trước tiên cho người lớn nhất nhà hoặc khách quý. Người vai vế lớn nhất cầm đũa trước nhất và gắp ăn đầu tiên, con cháu gắp theo những món nào người lớn đã gắp, có nghĩa con cháu không được gắp trước ông bà một món ăn; đôi đũa gắp thức ăn từ đĩa để vào bát rồi mới ăn, trong bát vẫn còn đồ ăn không nên gắp thêm vào; không dùng đũa bới tìm miếng ngon, chọc đũa vào bát canh, vừa cầm đôi đũa vừa chan canh hay chỉ trỏ; một bát thức ăn không được gắp hai người cùng một lúc, khi gắp chú ý không để đũa chạm nhau. 

Đôi đũa thể hiện bản sắc văn hóa trong đời sống và tập quán của người Tày.

Những hôm nhà có khách, chủ nhà mời khách bằng chén rượu khai vị và gắp thức ăn cho khách, trong bữa các con cháu chú ý gắp thức ăn và mời khách. Trong khi ăn mà gặp trường hợp hắt hơi, ho… phải quay mặt ra ngoài hay xin phép ra khỏi mâm; khi ăn xong trước khi đứng lên phải có lời xin phép mọi người; khi cả nhà đã ăn xong thì con út hay người ít tuổi phải mời nước, tăm cho khách và đưa bằng hai tay...

Bên cạnh đó, đôi đũa còn là một biểu tượng cho văn hóa tâm linh. Ngày giỗ, ngày tết hay những dịp làm lễ giải hạn... đều có sự hiện diện của đôi đũa, bát cơm đặt ngay ngắn, gọn gàng cạnh mâm cơm cúng chính là để mời ông bà gia tiên về đoàn viên, cùng chứng giám niềm vui, nỗi buồn với con cháu. Trong đám tang của người Tày đều có thủ tục “dâng cơm sớm, chiều” vào những bữa trưa, bữa chiều, gia đình có một mâm cơm để cúng. Trên mâm gồm thịt gà hoặc thịt lợn, bát cơm, đôi đũa, chè, rượu…, đặt ở phía chân quan tài, thắp hương mời linh hồn về thượng hưởng, được thực hiện dưới sự chủ trì của thầy Tào. Mỗi lần dâng lễ, thầy Tào đọc bài ca kể công lao của người quá cố. Những chiếc bát cúng, đôi đũa trên mâm chính là nét đẹp văn hóa, gói ghém tập tục, thông điệp sống lấy hiếu làm đầu để truyền lại cho hậu nhân.

Dù chỉ là một vật dụng nhỏ bé nhưng đôi đũa lại chứa đựng trong đó cả văn hóa của một tộc người cùng những triết lý sâu sắc trong bữa cơm gia đình người Tày. Thông qua bữa cơm, đôi đũa đã trở thành một vật dụng để ông bà, cha mẹ có thể dạy con cháu những bài học về nền nếp, lễ nghĩa, là nét văn hóa cần được gìn giữ, lưu truyền trong đời sống sinh hoạt của người Tày.   

Theo Báo Cao Bằng

 

 

Tags:

Bài viết khác

Nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Mảng

Phong tục, tập quán của người Mảng phản ánh triết lý sống hòa hợp với tự nhiên, từ việc chăm sóc mùa màng đến các nghi lễ tôn thờ thần linh, thể hiện một triết lý sống cân bằng, nơi con người và thiên nhiên không chỉ tồn tại song song mà còn bổ trợ, duy trì sự sống lẫn nhau. Mọi hành động đều phản ánh sự kính trọng và thấu hiểu về mối quan hệ mật thiết giữa con người và thế giới tự nhiên.

Nét đặc trưng trong dân ca dân tộc Mông

Đồng bào dân tộc Mông vốn có văn hóa rất đặc sắc. Trong đó, dân ca là một nét văn hóa đặc trưng không thể không nhắc tới. Những tiếng hát dân ca từ bao đời nay vẫn được cất lên mỗi dịp sum vầy hay chia xa, lúc vui hay lúc buồn, thay cho tiếng lòng vời vợi chất chứa bao nỗi niềm và cảm xúc của mỗi người.

Nét đẹp trong trang phục truyền thồng của dân tộc Brâu

Cũng giống như các dân tộc Tây Nguyên, trang phục dân tộc Brâu có 2 màu đỏ và đen làm chủ đạo, không cầu kỳ, không sặc sỡ, mà đơn giản, hoà quyện với khung cảnh núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ vẫn toát lên vẻ thanh thoát với màu sắc tinh tế, nhẹ nhàng.

Lễ Mở cửa kho lúa của người Rơ Măm

Vào những ngày tiết trời chuẩn bị sang Đông, khi công việc thu hoạch lúa rẫy đã xong, khi hạt lúa, hạt bắp đã được đem về cất kỹ trong nhà kho, đây cũng là lúc người Rơ Măm làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum chuẩn bị các nghi thức cho việc tổ chức Lễ Mở cửa kho lúa.

Ghe ngo trong đời sống của đồng bào Khmer

Trong đời sống của đồng bào Khmer Nam Bộ luôn gắn liền với văn hóa lễ hội; trong đó ghe ngo là sản phẩm văn hóa, tinh thần, có giá trị to lớn đối với đồng bào. Chiếc ghe ngo gắn liền với văn hóa Khmer Nam Bộ, đua ghe ngo cũng vì thế chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa tâm linh.

Phong tục kết bạn “tồng” của người Tày

Phong tục kết bạn “tồng” của người Tày ở Cao Bằng là một phong tục có từ lâu đời, gắn kết những người có sự đồng điệu về tâm hồn, tính cách, muốn chia sẻ buồn vui với nhau trong cuộc sống.

Trống, chiêng trong đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc

Trống, chiêng là bộ nhạc cụ có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống thường ngày và văn hóa tín ngưỡng truyền đời của đa phần đồng bào các dân tộc ở Sơn La. Nhạc cụ này gắn liền với mọi nghi lễ truyền thống, được coi là linh hồn trong văn hóa tinh thần.

Cúng việc lề – Nét văn hóa đặc trưng của người Việt vùng Tây Nam Bộ

Cúng Việc lề là nghi thức cúng truyền thống theo việc đã thành lề thói, thành lệ, được hình thành trong quá trình khai phá, khẩn hoang vùng đất Nam bộ của người Việt. Tín ngưỡng này không có ở miền Bắc và không rõ ràng ở miền Trung.
Top