banner 728x90

Đám giỗ Miền Tây – Nét đẹp văn hóa của người dân Miền Tây

29/04/2025 Lượt xem: 2361

Đám giỗ miền tây… tràn đầy tình cảm, đó chính là câu nói mà ai cũng sẽ nhắc khi nói về đám giỗ miền quê. Người miền Tây quan niệm rằng đám giỗ không chỉ là dịp để tưởng nhớ người đã khuất mà còn là dịp để bà con, hàng xóm láng giềng quây quần, cùng nhau sẻ chia những câu chuyện trong cuộc sống và thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm. Thế nên đám giỗ không chỉ là việc riêng của nhà nào mà trở thành chuyện chung của cả xóm.

Trời tờ mờ sáng các bà, các chị trong xóm đã kéo về nhà có đám để tiếp chuyện bếp núc, nào là làm gà, làm vịt, chặt thịt, lặt rau, nấu nướng, đơm mâm…vì thế mà không khí lúc nào cũng nhộn nhịp. Đám giỗ thường diễn ra trong hai ngày, buổi chiều ngày trước người ta gọi là mâm tiên, thường cúng những món đơn giản rước tổ tiên ông bà về vui cùng con cháu, tối đó gia đình họ hàng, làng xóm cùng ngồi trò chuyện, thường kể về cách sống có tình có nghĩa của người được tổ chức đám giỗ hôm nay để con cháu hiểu và kính trọng ông bà của mình hơn, dịp này thì mọi người cũng làm năm ba ly rượu đế, rồi cùng ngẫu hứng hát vài câu vọng cổ cho thoả niềm đam mê văn nghệ. Qua ngày thứ hai là giỗ chính, các món ăn trong ngày này thường được nấu nướng cầu kỳ và trang trọng. Các món phổ biến như: Khai vị bằng các món gỏi hay xào (gỏi gà, gỏi ngó sen, gỏi củ hủ dừa, rau củ xào thập cẩm…), các món chính có gà nấu tiêu, heo quay bánh hỏi, thịt đun bánh hỏi, thịt kho hột vịt, cà ri gà, bò xào, bò né, mực né, món lẩu (trong đó đặc trưng nhất là món lẩu cù lao), bánh tét, bánh ít, bánh ú, bánh bò là những món không thể thiếu trong đám giỗ ở miền Tây.

Làm gì thì làm cứ tầm khoảng 10 giờ thì chủ nhà bày mâm với đầy đủ các món ngon và bắt đầu vào nghi thức cúng. Tuỳ vào việc thờ tự của mỗi gia đình mà lễ cúng đơn giản hay cầu kỳ. Có gia đình mời cả sư thầy về cúng và tụng kinh, cũng có gia đình chỉ làm nội bộ, con cháu lần lượt thắp hương và thành tâm khấn nguyện. Dù là hình thức nào thì lễ cũng rất trang nghiêm và tôn kính, họ khấn vái và tin rằng ông bà tổ tiên sẽ phù hộ cho gia đạo bình an, con cháu vui vầy, phát đạt.

Lễ cúng xong, đợi nhang cháy gần tàn thì cũng là lúc chủ nhà bày biện các mâm tiệc còn lại để khách khứa họ hàng hội tụ, cùng ngồi vừa ăn uống sum họp vừa kể chuyện xưa, nhắc nhớ kỷ niệm đẹp đã qua của người quá cố.

Đi đám giỗ ở miền Tây, không chỉ được ăn uống no say mà còn được cả gói quà mang về. Nào là đòn bánh tét, vài ba cái bánh ít, hay một ít bánh da lợn… có khi thì bọc thịt kho trứng, hay nửa ký đường, bột ngọt… Nói chung quà dù ít hay nhiều thì tình cảm nơi đây vẫn đầy ắp và căng tràn.

Xã hội ngày nay càng phát triển, nhiều dịch vụ đám tiệc mở ra phục vụ cho nhu cầu nhanh, gọn, tiện lợi. Và xu hướng lựa chọn các dịch vụ ấy ngày càng nhiều. Thế nhưng không khí đám giỗ ở miền Tây vẫn luôn tròn vị và đong đầy tình làng nghĩa xóm.

Đặng Ngọc Tư

 

Tags:

Bài viết khác

Rắn trong tâm thức người Quảng Ngãi

Trong những câu chuyện dân gian của người Quảng Ngãi, hình tượng rắn hiện lên muôn hình, muôn vẻ. Rắn có lúc được người xưa thần thánh hóa và tôn thờ, đi vào đời sống tâm linh; có lúc lại trở thành biểu tượng của cái ác, gieo rắc nỗi sợ hãi cho con người.

Nét đặc trưng của trang phục dân tộc Thái ở Việt Nam

Trang phục không chỉ là y phục hàng ngày mà còn là phần không thể thiếu trong các dịp lễ hội, thể hiện văn hóa và tâm linh của người Thái. Mỗi chi tiết trên trang phục đều mang ý nghĩa riêng và thể hiện sự kính trọng văn hóa truyền thống.

Đền thờ ông bà Đỗ Công Tường – Cao Lãnh – Đồng Tháp

Đền thờ và mộ ông bà Đỗ Công Tường rất cổ kính, trang nghiêm tọa lạc trên đường Lê Lợi, phường 2, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Đền thờ chủ chợ Cao Lãnh nổi tiếng linh thiêng khắp vùng. Đặc biệt là với giới kinh doanh làm ăn buôn bán nên đã trở thành địa điểm du lịch tâm linh thu hút đông đảo người dân khắp nơi về đây tham quan chiêm bái.

Tục cưới hỏi của dân tộc Tày

Đám cưới thường được tổ chức vào lúc chiều tối (tầm 4 -5 giờ trở đi). Cưới vào giờ này không ảnh hưởng đến công việc trong ngày của mọi người, người ở xa mấy núi cũng đến kịp. Hơn nữa, mọi người sẽ có thời gian ở chơi lâu hơn. Tiệc cưới được chia làm hai tiệc. Tiệc thứ nhất dành cho người lớn tuổi, bậc cha chú, anh em họ hàng. Tiệc thứ hai dành cho nam nữ thanh niên, bạn bè gần xa của cô dâu chú rể.

Cần giữ gìn nét đẹp Lễ cúng sức khỏe của người Ê Đê

Đồng bào dân tộc Ê Đê ở tỉnh Đắk Lắk có nền văn hóa truyền thống đa dạng, phong phú với những lễ hội, phong tục, tập quán độc đáo. Trong đó, Lễ cúng sức khỏe là một nghi thức quan trọng, thể hiện sự tôn kính và hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Lễ cúng sức khỏe không chỉ là dịp để người Ê Đê bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên mà còn là cơ hội để các thành viên trong gia đình, cộng đồng tụ họp, thăm hỏi, chia sẻ niềm vui và cầu chúc cho nhau sức khỏe, hạnh phúc.

Lễ cúng bản của đồng bào Khơ Mú

Lễ cúng bản là một trong những nghi lễ truyền thống quan trọng của dân tộc Khơ Mú ở xã Huổi Một, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Lễ cúng bản thường được tổ chức vào đầu năm hoặc sau mỗi mùa vụ để cầu mong bình an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và bản làng yên ổn. Đây không chỉ là một nghi lễ tâm linh mà còn là dịp để cộng đồng gắn kết, thể hiện lòng biết ơn với thần linh và tổ tiên.

Một số nét văn hóa tiêu biểu của dân tộc Kinh

Dân tộc Kinh có những nét văn hòa đa dạng, phong phú, vô cùng đặc sắc và có nền ẩm thực độc đáo, chứa đựng mọi tinh hoa của dân tộc.

Rượu gạo – Nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam

Rượu gạo Việt Nam hay còn gọi là rượu trắng, là một nét đặc trưng của văn hóa và ẩm thực đất nước, được chưng cất từ nguồn gạo phong phú mà đất đai này ban tặng. Rượu thường được sản xuất tại các xưởng gia đình, rượu gạo không chỉ mang lại hương vị đặc trưng mà còn là biểu tượng của sự gắn kết và chia sẻ trong cộng đồng.
Top