Chim Hạc với hình ảnh nhẹ nhàng, tinh tế uyển chuyển là biểu trưng cho điềm lành, thanh cao thoát tục, trường thọ và hạnh phúc. Người dân dùng hình tượng Hạc để biểu thị mong ước ấm êm, gia đình vui vẻ.
Tranh vẽ đôi chim Hạc - biểu trưng cho hạnh phúc trường tồn
Hình tượng loài chim Hạc ảnh hưởng sâu sắc bởi văn hóa phương Đông và mang nhiều ý nghĩa về sự thanh cao. Hạc, còn gọi là Tiên Hạc, đứng đầu trong họ lông vũ còn gọi là đại điểu hay nhất phẩm điểu có tính cách của người quân tử. Hạc là con chim của vũ trụ, của tầng cao, bất tử và đại diện cho thế lực thiên nhiên.
Loài hạc có bộ lông màu đen tuyền hoặc trắng muốt. Truyền thuyết nói rằng, hạc là chim tiên sống lâu. Trong Bát vật thì Hạc được thể hiện bằng hình hạc đứng trên lưng rùa thường để trên bàn thờ, đình, chùa, hạc đội đầu hoặc mỏ ngậm một cái đế để cắm nến.
Hạc là con chim hình dáng gần giống như loại sếu nên được thần thoại hóa và mật thiết quan hệ đến tín ngưỡng, biểu hiện của sự hài hòa giữa trời và đất, giữa âm và dương.
Theo quan niệm của người phương Đông cổ đại, sếu là biểu tượng của linh hồn người đã mất. Ở châu Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản, mọi người xem sếu đỉnh đầu đỏ là biểu tượng của sự may mắn, trường thọ và tính trung thực.
Trong nghệ thuật tạo hình, chim Hạc thường được quan sát đầu tiên. Người ta nhìn hình ảnh của nó mà thưởng thức, phối cảnh của bức họa mà đánh giá tổng thể nội dung và hàm ý của bức họa, các vương hầu muốn cống tiến vật phẩm cho hoàng đế để lấy lòng tin thường sử dụng biểu tượng chim hạc, được gọi là “nhất điểu phẩm” hay là “nhất phẩm đương triều”.
Hạc còn được dùng để ví với những người ưu tú nên sắc lệnh chiêu mộ hiền sỹ còn được gọi là “hạc bản”. Những thứ trên “hạc bản” được gọi là hạc thư hoặc hạc đầu thư”, những người tu hành và cảnh giới thoát tục, trí tuệ khai thông được gọi là “hạc minh chi sĩ”.
Trong nghệ thuật chạm khắc, Hạc cũng thường xuất hiện với gắn liền với cây tùng nên được gọi là hạc tùng. Nó trở thành biểu tượng cho sự cao sang - an lạc, khí chất trường thọ, bản lĩnh trước nỗi trầm luân. Khi người ta khắc họa tùng và hạc thì bức tranh lập tức minh chứng cho chí khí, cốt cách của người quân tử, là sự trường tồn bền vững, là khao khát sải cánh giữa không trung và là dũng khí đương đầu với gian truân, thử thách. Hay hình ảnh chim hạc đứng trên mỏm đá với sự bề thế cùng cây tùng gọi là hạc - thạch - tùng cũng có ý nghĩa và biểu tượng của sự trường thọ, bền vững, dũng khí và bản lĩnh hay một tầng tượng trưng cho sự cao sang và an lạc.
Trong hình tượng trang trí, hạc có kích thước lớn, cao, với ước mong phát triển. Hạc có mỏ dài, nhọn như mũi tên của sự vận động. Đôi khi hạc ngậm ngọc minh châu biểu trưng cho sang quý, hoặc khi ngậm hoa sen thì biểu trưng cho sự giác ngộ, xua đi màn đêm.
Thân hạc hình khum, tượng trưng cho bầu tời, chân cao như cột chống trời. Ở Việt Nam việc sử dụng hỗn hợp các hình tượng tôn giáo khá phổ biến và nó cũng trở thành biểu tượng văn hóa của Phật giáo, Nho giáo, nên Hạc thường được mô tả đứng chầu trên lưng Rùa trong đề tài Tiên cưỡi Hạc trên điêu khắc đình làng.
Hạc được thể hiện ra tượng tròn đứng trên con rùa thường để trên bàn thờ, đình, chùa còn cái đầu đội hoặc mỏ ngậm một cái đế để cắm nến. Trong quan niệm truyền thống, Hạc và Rùa đều là những loài sống lâu nên đời sau thường dùng những từ như “hạc linh”, “hạc thọ”, “hạc toàn” với dụng ý cho sự trường thọ, bền vững.
Hình tượng chim hạc trong đời sống tâm linh người Việt
Ở Việt Nam, Hạc được xem như một loài chim quý. Hình ảnh Hạc thường xuất hiện bên các vị thần tiên, là loài vật tượng trưng cho sự trường thọ. Chim Hạc thường xuất hiện trong điêu khắc trang trí đình làng với hình ảnh gắn liền của Hạc - Rùa (tượng tròn, đặt hai ban thờ Thành Hoàng làng), biểu tượng của sự trường tồn, vĩnh cửu, có ý nghĩa về thời gian và vũ trụ.
Hình ảnh biểu tượng rùa hạc xuất hiện nhiều trong tranh chúc thọ, các bình phong, hoặc tranh vẽ hay đồ chạm khắc. Đến tham quan các khu đền, miếu, đình, chùa thường thấy tượng rùa cõng trên lưng con chim hạc cao lêu khêu và không chỉ ở các đền chùa mà ngay cả những bộ đỉnh đồng thờ gia tiên cũng sử dụng hình ảnh hai con vật này để thờ cúng. Rùa đội hạc là biểu tượng “thọ đội thọ”, sự trường tồn trở lên gấp nhiều lần.
Mặt khác, rùa là loài sống sát mặt đất, hạc là loài bay sống ở trên cao nên khi đặt hạc đứng trên lưng rùa thành một cặp thì đó là hình tượng hóa về sự hài hòa của trời và đất, hai thái cực âm dương. Con hạc đầu đội công lý, mắt biểu trưng cho mặt trời và mặt trăng, cánh là gió, lông là cây cỏ, còn chân có ý nghĩa là đất, là biểu tượng cho không gian, bầu trời và lực dương. Ngoài ra, những con hạc được thiết kế với chiếc mỏ há ra đang ngậm viên ngọc thể hiện sự trong sáng, còn biểu trưng cho đạo pháp nên hạc là con chim thiêng biết giảng về đạo lý.
Theo truyền thuyết Rùa và Hạc là đôi bạn thân. Khi trời làm mưa lũ, ngập úng cả một vùng rộng lớn, hạc không thể sống dưới nước nên rùa đã giúp hạc vượt vùng nước ngập úng đến nơi khô ráo. Ngược lại, khi trời hạn hán, rùa đã được hạc giúp đưa đến vùng có nước. Điều này tượng trưng cho một tình bạn trong sáng, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau lúc khó khăn, hoạn nạn giữa những người bạn tốt.
Bên cạnh đó, đôi chim Hạc thờ còn được sử dụng như một liệu pháp để “trấn phong thủy”, ngăn chặn tà khí, điều xấu vào nhà. Đôi chim Hạc được đặt ở vị trí liên kết tâm linh huyền bí với thế vững chắc. Với mong ước gia đình luôn hạnh phúc, hòa thuận để vượt qua mọi chuyện khó khăn trong cuộc sống.
Từ thời kỳ các triều đại phong kiến, chim Hạc đã được xem là biểu tượng của sự nghĩa hiệp, quân tử, ưu tú… Vì lý do này, triều phục của các quan sẽ thêu hình chim Hạc để biểu tượng cho cốt cách của người sĩ phu “đầu đội trời, chân đạp đất”.
Trải qua bao đời, nghệ thuật trang trí các công trình kiến trúc tâm linh được thể hiện rất phong phú, sinh động. Hình tượng các con vật, hoa lá, cỏ cây, tứ linh, bát vật… được cách điệu thành các đồ án trang trí, vừa thích hợp với bố cục trang trí của không gian kiến trúc truyền thống, có tính thẩm mỹ cao, vừa mang sự linh thiêng trong tín ngưỡng văn hóa dân gian, đậm nét bản sắc văn hóa Việt.
Tuy lịch sử, xã hội đã có nhiều biến động, cùng với đó, tư duy thẩm mỹ trong kiến trúc qua từng thời kỳ cũng có nhiều đổi thay, song những đồ án truyền thống về tứ linh, bát vật nói riêng cũng như nghệ thuật trang trí và kiến trúc truyền thống tại các đình, đền, chùa… vẫn giữ gìn và tiếp nối từ thế hệ cha ông đi trước, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Ban Nghiên cứu VHTN phía Nam