banner 728x90

Vai trò của bản hội trong tín ngưỡng thờ Mẫu

25/10/2024 Lượt xem: 2364

Bản hội chính là một loại hình cộng đồng tôn giáo, tín ngưỡng. Cộng đồng này được cố kết với nhau bởi có cùng niềm tin vào sự độ trì của các vị thần trong tín ngưỡng thờ Mẫu và có chung một đồng thầy với những năng lực đặc biệt. Những phân tích lý thuyết về mối quan hệ giữa cộng đồng và di sản văn hóa đã chỉ ra vai trò chủ thể sáng tạo, thực hành, bảo vệ và trao truyền di sản của cộng đồng. Không có cộng đồng ắt sẽ không có di sản. Cũng có thể phân tích vai trò của bản hội đối với thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu như vậy dựa trên lý thuyết về mối quan hệ giữa cộng đồng và di sản.

Một buổi hầu đồng ở điện thờ tư gia Nguyễn Ngọc Vinh (Sơn Tây, Hà Nội)

Trước hết, bản hội là chủ thể sáng tạo ra các thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu.

Trong Công ước bảo vệ sự đa dạng văn hóa năm 2003, UNESCO khẳng định, không có văn hóa nếu không có người dân và cộng đồng. Ví dụ, nếu các tín đồ không có niềm tin vào Chúa, vào Đức Phật thì sẽ không có Công giáo, hay Phật giáo. Cũng như vậy, nếu không có niềm tin của các thành viên bản hội vào sự tồn tại linh thiêng của các vị thánh Mẫu, nếu không có lòng mong muốn bày tỏ sự thành kính và ngưỡng mộ của họ đối với các vị thần có công với dân, với nước và nếu không có sự tha thiết cầu xin những ước vọng hiện sinh về tài lộc, công danh, sức khỏe chắc chắn sẽ không có các thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Nhưng từ “sáng tạo” mà chúng tôi muốn nói ở đây không chỉ với nghĩa là tạo ra mà “sáng tạo” còn hàm nghĩa làm cho phong phú và đa dạng hơn. Có nhiều cộng đồng bản hội khác nhau do những đồng thầy khác nhau đứng đầu, có “phong cách” thực hành các nghi lễ thờ Mẫu không hoàn toàn như nhau. Bản hội ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam cũng có cách thực hành nghi lễ thờ Mẫu khác biệt. Chính điều này đã tạo nên sự đa sắc cho thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam. Hơn nữa, trong mỗi một bản hội, mặc dù đồng thầy là người dẫn dắt tín đồ (đặc biệt là các thanh đồng) thực hành tín ngưỡng theo phong cách của mình, nhưng các thành viên không mô phỏng hay là bản photocopy của đồng thầy. Mỗi người họ là những cá thể có những sáng tạo riêng trong cách hầu thánh, trong cách hát văn, trong cách phục trang và cả trong cách sử dụng, bày biện lễ vật. Bên cạnh đó, hiện nay các bản hội không phải là những “ốc đảo” độc lập, chúng luôn có các mối quan hệ với nhau, do đó bản thân đồng thầy và các tín đồ của một bản hội cũng học hỏi cái hay cái đẹp của bản hội khác. Điều này cũng tạo nên sự đa dạng của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Gần đây, một số nhà nghiên cứu cũng như một số đồng thầy bày tỏ nguyện vọng về việc xây dựng một “barem” mang tính tiêu chuẩn chung trong nghi lễ hầu đồng và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, nếu áp dụng một tiêu chuẩn chung quá cứng nhắc thì hầu đồng nói riêng và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu sẽ trở thành mô hình hóa và như vậy sẽ làm thui chột tính đa dạng của văn hóa, đi ngược lại với nguyên tắc tôn trọng sự đa dạng mà UNESCO đề cao trong bảo tồn và phát triển di sản văn hóa. Nhận thức được tầm quan trọng của nguyên tắc tôn trọng sự đa dạng, một thanh đồng ở Hà Nội nói với chúng tôi: “Mình không có quyền được làm mất đi tính đa dạng của vùng miền, không ai có thể bác bỏ sự khác biệt đó. Mình phải bảo tồn cái nét độc đáo của văn hóa tâm linh của từng khu vực. Cũng giống như người Mông, người Dao, người Nùng, tất cả đều có tiếng khèn nhưng cái tiếng khèn nó áp dụng với mỗi dân tộc khác nhau chứ không thể bắt họ giống nhau được”.

Bản hội cũng chính là cộng đồng trực tiếp thực hành và bảo tồn các thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Với di sản văn hóa nào cũng vậy, cộng đồng có vai trò là người thực hành và bảo tồn di sản. Với bản hội thờ Mẫu thì vai trò này có một chút khác biệt. Di sản quan họ Bắc Ninh, ví dặm Nghệ Tĩnh, hay nghề thủ công truyền thống,… những người ngoài cộng đồng có thể thực hành di sản đó, có nghĩa là nếu được đào tạo họ có thể hát đúng lề lối vần điệu và làm đúng sản phẩm thủ công. Tuy nhiên, thực hành nghi lễ thờ Mẫu, đặc biệt là nghi lễ hầu đồng, không phải ai cũng có thể thực hiện được mà phải là người có tâm sinh lý và năng lực đặc biệt. Không thể đào tạo một người bất kỳ nào đó trở thành đồng thầy, hay một thanh đồng và thực hành nghi lễ hầu đồng. Để thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, các thành viên bản hội có sự giúp đỡ tương trợ lẫn nhau cả về công sức lẫn vật chất. Nghi lễ thờ Mẫu, đặc biệt là nghi lễ hầu đồng là một sinh hoạt nghi lễ phức tạp. Bởi để tổ chức được một nghi lễ lên đồng, ngoài yếu tố điện thờ và bản thân người hầu đồng còn cần rất nhiều yếu tố khác nữa như khăn áo, âm nhạc, lễ vật, hầu dâng cũng như các tín đồ tham dự. Một mình đồng thầy hoặc một mình bất cứ một thành viên nào trong bản hội cũng không thể thực hiện được. Chính lúc này, các thành viên trong bản hội đã hỗ trợ lẫn nhau để cuộc lễ được diễn ra suôn sẻ: người làm hầu dâng, người đảm nhiệm vai trò cung văn, người giúp việc cơm nước, cắm hoa, trang trí ban thờ,… Không chỉ hỗ trợ về công sức mà trong nhiều trường hợp các thành viên còn hỗ trợ nhau về vật chất. Rất nhiều thành viên trong bản hội, mặc dù nhất tâm với Mẫu nhưng gặp khó khăn về vật chất, không có tiền để hầu thánh, hoặc để đi lễ xa… đã được các thành viên khác giúp đỡ. Đặc biệt, mỗi lần thành viên nào đó trong bản hội hầu thánh thì các thành viên khác cũng đến trợ duyên, đó chính là một cách san sẻ nỗi lo vật chất giữa các thành viên bản hội với nhau. Bên cạnh đó, để việc thực hành các nghi lễ thờ Mẫu được diễn ra, các thành viên bản hội đã góp công sức và tiền của cùng với đồng thầy sửa chữa, tu bổ và xây dựng mới bản điện của mình cũng như những đền phủ mà họ có duyên đến.

Bản hội còn có vai trò trao truyền các thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Ở trên, chúng tôi đã nói đến vai trò trao truyền của đồng thầy với tư cách là thủ lĩnh tâm linh của bản hội. Ở đây, chúng tôi muốn bổ sung thêm rằng, không chỉ đồng thầy trao truyền các thực hành tín ngưỡng cho tín đồ mà giữa các tín đồ cũng có sự trao truyền cho nhau. Bản hội là một cộng đồng bao gồm nhiều thành viên, các thành viên này lại được chia thành nhiều nhóm khác nhau, như: nhóm cung văn, nhóm hầu dâng, nhóm thanh đồng, nhóm chấp tác,… Các thành viên của các nhóm này học tập lẫn nhau, thường xuyên trao đổi với nhau những kinh nghiệm trong nghề. Điều này cực kỳ quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển các thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, bởi có những thực hành không thuộc “chuyên môn” của đồng thầy nên đồng thầy không thể truyền dạy cho các thành viên khác trong bản hội. Hát chầu văn chẳng hạn. Việc hát chầu văn ca ngợi công đức của các thánh trong nghi lễ hầu đồng là “chuyên môn” của các cung văn, đồng thầy không thể hát, đánh đàn nguyệt, hay gõ phách. Vì vậy, một thành viên nào đó của bản hội muốn học hát chầu văn thì phải nhờ đến sự trao truyền của các cung văn. Trong một vài lần tiếp xúc với các cung văn ở một số bản hội, chúng tôi được biết các cung văn này thường tập hợp thành nhóm ở nhà một người nào đó để luyện tập cùng nhau. Hiện nay, khi cung văn đang trở thành một nghề thì việc dạy hát chầu văn cho các thành viên bản hội có nhu cầu ngày càng phát triển hơn.

Ban Nghiên cứu VHTN phía Nam

 

Tags:

Bài viết khác

Phong tục cúng giỗ đầu trong văn hóa của người Việt

Giỗ đầu còn gọi là Lễ tiểu tường, là ngày giỗ đầu tiên, tổ chức sau ngày người mất đúng một năm. Đây cũng chính là một nét văn hóa đặc trưng của người Việt từ xa xưa cho đến hiện nay.

Sự khác biệt trong phong tục thờ cúng giữa người Hoa với người Việt

Dù chịu ảnh hưởng bởi lối sống của người Việt nhưng người Hoa vẫn giữ được những phong tục riêng, đặc biệt là phong tục thờ cúng. Chính việc giữ gìn phong tục này đã tạo nên sự khác biệt độc đáo giữa người Việt và người Hoa, góp phần làm đa dạng bản sắc văn hóa của các dân tộc.

Hình tượng chim hạc trong đời sống tâm linh người Việt

Chim Hạc với hình ảnh nhẹ nhàng, tinh tế uyển chuyển là biểu trưng cho điềm lành, thanh cao thoát tục, trường thọ và hạnh phúc. Người dân dùng hình tượng Hạc để biểu thị mong ước ấm êm, gia đình vui vẻ.

Tứ Phủ Thánh Cô trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Tứ Phủ Thánh Cô gồm Thập Nhị Thánh Cô (Mười hai cô). Trong Đạo Mẫu, Tứ Phủ Thánh Cô đứng sau Ngũ Vị Tôn Ông, Tứ Phủ Chầu bà, Tứ Phủ Quan Hoàng, đứng trên Tứ Phủ Thánh Cậu.

Tục thờ cúng bà Mụ trong tín ngưỡng người Việt

Lễ cúng Mụ thịnh hành trong một số dân tộc châu Á trong đó có dân tộc Việt, và thường được tổ chức vào những thời điểm khi đứa trẻ mới sinh được 3 ngày (ngày đầy cữ), 1 tháng (ngày đầy tháng) và 1 năm (ngày thôi nôi).

Hành lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Cũng như các tôn giáo, tín ngưỡng khác, tín ngưỡng thờ Mẫu cũng có những nguyên tắc nhất định trong việc hành lễ. Hành lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu là hệ thống những hành vi, động tác nhằm biểu hiện sự tôn kính của con người với thần linh, phản ánh những ước mơ chính đáng của con người trước cuộc sống mà bản thân họ chưa có khả năng thực hiện.

Tứ Phủ Thánh Cậu trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Tứ Phủ Thánh Cậu gồm có 12 Thánh Cậu, là các hình tượng nam thiếu niên, nhanh nhẹn, xông xáo, mạnh mẽ, hiếu động và thường là hầu cận của một vị thánh quan trong Tứ Phủ Quan Hoàng.

Đồng thầy với vai trò bảo tồn và tu bổ các đền phủ - không gian thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu

Là một đất nước có đời sống tâm linh sâu đậm, Việt Nam có một hệ thống đình, đền, chùa phân bố dày đặc trên khắp cả nước, trong số đó, các đền phủ và các chùa có điện thờ Mẫu chiếm một tỷ lệ đáng kể. Các đền phủ đó chính là những không gian thiêng, nơi diễn ra các thực hành tín ngưỡng, nơi người Việt Nam nói chung và các tín đồ thờ Mẫu nói riêng thường gắn bó.
Top