Lễ cúng 12 bà Mụ
Cúng Mụ là phong tục cúng tạ ơn và cầu phúc tới các bà Mụ, những Tiên Nương theo quan niệm dân gian tương truyền phụ trách việc sinh nở và nặn ra những đứa trẻ.
Lễ cúng Mụ thịnh hành trong một số dân tộc châu Á trong đó có dân tộc Việt, và thường được tổ chức vào những thời điểm khi đứa trẻ mới sinh được 3 ngày (ngày đầy cữ), 1 tháng (ngày đầy tháng) và 1 năm (ngày thôi nôi).
Theo quan niệm dân gian của cộng đồng người Việt, đứa trẻ được sinh ra là do các vị Đại Tiên (Bà chúa Đầu thai) và Tiên Mụ mà trực tiếp là 12 bộ Tiên Nương (12 bà Mụ) nặn ra ban cho. Vì vậy, khi đứa trẻ đầy cữ (đứa trẻ chào đời được 3 ngày), đầy tháng (đứa trẻ chào đời được một tháng) hay đầy năm thì bố mẹ, ông bà đứa trẻ phải bày tiệc cúng Mụ để tạ ơn các bà Mụ và cầu xin các Mụ ban cho đứa trẻ mọi điều may mắn tốt lành.
Trong sách “Vân đài loại ngữ” của Lê Quý Đôn viết: “Tục nước ta, đẻ con được ba ngày, làm mâm cơm cúng Mụ. Đến hôm đầy tháng, hôm một trăm ngày, hôm đầy tuổi tôi, đều có làm cỗ cúng gia tiên, bầy tiệc ăn mừng. Bà con, người quen thuộc, dùng thơ, câu đối, đồ chơi, đồ quần áo trẻ để mừng nhau. Mà nhất là tiệc một trăm ngày là tiệc đầy tuổi tôi to hơn cả”.
Tục thờ cúng 12 bà Mụ là tín ngưỡng người Việt tiếp thu từ Trung Hoa. Theo truyền thuyết, lệ tục này có từ lâu đời và đã từng được giải nghĩa trong tác phẩm Phong thần diễn nghĩa. Theo truyện, Khương Tử Nha phụng chỉ Ngọc Đế phong cho ba vị tiên đảo là Vân Tiêu, Quỳnh Tiêu và Bích Tiêu, môn đồ của Quy Linh Thánh Mẫu, nắm giữ "hỗn nguyên kim đẩu". Đời người trước sau đều chuyển kiếp từ cái "kim đẩu" này. Vân Tiêu, Quỳnh Tiêu, Bích Tiêu gọi chung là "Tam Cô", hay "Chú Sinh Nương Nương". Chú Sinh Nương Nương còn gọi là Thụ Tử Thần (thần ban con) và có 12 bà chị ("thập nhị thư bà" hay "thập nhị bảo mẫu", "thập nhị đình nữ"). “Thập nhị thư bà” được thể hiện với những tư thế khác nhau, như hình người phụ nữ bồng con, cầm tay con dắt, cho con bú v.v...
Các bà mụ được thờ cúng rộng rãi tại Việt Nam
12 Bà Mụ sẽ luân phiên lo việc thai sản trong 12 năm cho bé và mỗi bà sẽ kiêm một việc trong sinh nở, giáo dưỡng. 12 bà Mụ bao gồm:
Mụ bà Trần Tứ Nương, coi việc sanh đẻ (chú sinh)
Mụ bà Vạn Tứ Nương, coi việc thai nghén (chuyển sinh)
Mụ bà Lâm Cửu Nương, coi việc thụ thai (thủ thai)
Mụ bà Lưu Thất Nương, coi việc nặn hình hài nam, nữ cho đứa bé
Mụ bà Lâm Nhất Nương, coi việc chăm sóc bào thai (an thai)
Mụ bà Lý Đại Nương, coi việc chuyển dạ (chuyển sinh)
Mụ bà Hứa Đại Nương, coi việc khai hoa nở nhụy (hộ sản)
Mụ bà Cao Tứ Nương, coi việc ở cữ (dưỡng sanh)
Mụ bà Tăng Ngũ Nương, coi việc chăm sóc trẻ sơ sinh (bảo tống)
Mụ bà Mã Ngũ Nương, coi việc ẵm bồng con trẻ (tống tử)
Mụ bà Trúc Ngũ Nương, coi việc giữ trẻ (bảo tử)
Mụ bà Nguyễn Tam Nương, coi việc chứng kiến và giám sát việc sinh đẻ
Ngoài ra, còn có 3 Đức ông: Thánh sư, Tổ sư và Tiên sư với chức năng truyền dạy nghề nghiệp cho bé trong tương lai.
Ông bà ta xưa quan niệm rằng: Đứa trẻ được sinh ra là do các vị Đại Tiên (Bà chúa đầu thai), Tiên Mụ mà trực tiếp là 12 bộ Tiên Nương (12 bà Mụ) nặn ra ban cho. Mỗi Mụ Bà sẽ có trách nhiệm nặn ra một bộ phận cho đứa trẻ như mắt, mũi, tay, chân, tóc… xấu hay đẹp cũng là do tay các Bà Mụ nặn ra.
Đứa trẻ vừa mới chào đời hãy còn xa lạ với thế giới xung quanh. Trẻ phải luôn được mẹ ôm ấp, để nghe nhịp đập con tim, hơi thở của mẹ như hồi nằm trong bụng mẹ để dần tiếp xúc, quen dần và thích nghi với mọi thứ từ thế giới bên. Cho nên, khi trẻ vượt qua 30 ngày đầu và khỏe mạnh thì cha, mẹ phải thực hiện nghi lễ cúng ăn mừng còn gọi là lễ cúng đầy tháng.
Vì vậy, khi đứa trẻ đầy cữ (đứa trẻ chào đời được 3 ngày), đầy tháng (đứa trẻ chào đời được một tháng), đầy năm; bố mẹ, ông bà đứa trẻ phải bày tiệc cúng Mụ để tạ ơn các bà Mụ và cầu xin các Mụ ban cho đứa trẻ mọi điều may mắn tốt lành./.
Ban Nghiên cứu VHTN phía Nam