banner 728x90

Chợ Tết quê tôi

16/03/2025 Lượt xem: 2484

Cuối thu, khi những chiếc búp trên các cây mai rải rác, bóc vỏ lụa, xòe nụ trên những cành cây khúc khuỷu và trước sân các nhà trong xóm, hoa vạn thọ nở rộ trong nắng vàng, ấy là lúc những buổi chợ Tết ở quê tôi bắt đầu.

Cái chợ nhỏ thường ngày chỉ đông đến nửa buổi sáng, nhưng vào dịp này, từ sáng tới chiều, chợ trở nên đông đúc, náo nhiệt lạ thường và chỉ kết thúc đúng vào trưa ba mươi Tết. Bao nhiêu thứ hàng hóa mà ngày thường không thấy ở chợ thì giờ đây được người ta đưa từ thành phố về, bày đầy ở các sạp. Quần áo con trẻ, bánh, mứt và bao nhiêu thứ không thể kể hết tên được giăng ra với đủ màu, đủ sắc rực rỡ. Những bà mẹ quê dù quanh năm chân lấm tay bùn, bận rộn với công việc ruộng vườn, phải chắt chiu từng đồng tiền, bát gạo, giờ đây cũng tỏ ra rộng rãi hơn, hào phóng hơn trong việc mua sắm. Vì Tết mà, Tết thì dù nghèo đến mấy, dù khó khăn thiếu thốn đến mấy, ai cũng muốn trong nhà có cái gì đó khác hơn, mới hơn, với mong ước ba bữa xuân đầm ấm thì cả năm vạn sự sẽ được tốt lành.

Từ đầu này đến đầu kia của cái chợ quê bé nhỏ, mấy ngày cuối năm, dường như chỗ nào cũng râm ran tiếng chào mời, hỏi giá. Bác thợ rèn ở cuối chợ lúc này dường như cũng bận rộn hơn vì ai cũng muốn có dao mới để chặt, để thái. Mấy cái quán hớt tóc nằm dưới gốc mấy cây sầu đông trơ trụi lá giờ cũng đông khách hơn. Bọn trẻ con trong thôn, trong xã cũng theo mẹ đến chợ nhiều hơn. Đứa đi xem những món đồ chơi vừa được bày bán, đứa lăng xăng tìm giấy màu cắt hoa trang trí trong nhà hoặc chỉ đến chợ để được đón nhận không khí đông vui mà ở làng quê cả năm không tìm thấy.

Tôi không còn nhớ nổi trong thời thơ ấu xa lắc, xa lơ, mình đã bao nhiêu lần theo mẹ ra chợ mua đồ Tết. Mặc dù đã quá lâu nhưng đến tận bây giờ tôi vẫn chưa quên cái cảm giác mình vừa sung sướng vừa ngại ngùng khi phải đứng giữa chợ mặc thử chiếc áo mới tinh, còn thơm lừng mùi hồ vải mà mẹ vừa chọn và hỏi cô bán hàng về giá cả.

Hàng hóa từ cái chợ nhỏ đã làm cho những ngôi nhà ở xóm trên, làng dưới sáng sủa hẳn. Ngày xưa, cuộc sống còn khó khăn, không có lịch tờ, lịch lốc hay tranh ảnh… nhiều như bây giờ, nên Tết đến, ở quê tôi nhà nào cũng chỉ mua vài tờ giấy có in hình mai, lan, cúc, trúc để treo trên vách, thế là sang lắm rồi. Bọn trẻ chúng tôi ngày ấy, khi cha mẹ mua sắm được món gì mới cho ngày Tết là chạy ngay đi khoe với bạn bè, coi đó như một niềm kiêu hãnh.

Thú vị nhất là vào sáng mùng Một. Giống như bao đứa trẻ khác trong làng, chẳng chờ ai đánh thức, tôi dậy sớm, mặc quần áo mới, chúc mừng ông bà, cha mẹ rồi cầm chú gà trống đất, lon ton ra đường, nhập vào cuộc vui cùng đám bạn bè ngang tuổi. Cái chợ nhỏ đầy hàng hóa của ngày hôm trước giờ đây trở thành nơi rực rỡ cờ hoa và rộn rã bởi tiếng cười nói, chúc tụng, tiếng trống và tiếng hô vang vang, có vần, có vè của người cầm trò chơi bài chòi và một số trò chơi khác.

Nắng xuân vàng óng. Bọn nhỏ chúng tôi đùa nghịch, lăng xăng từ đám đông này đến đám đông khác, và những con tò he được chúng tôi mua từ mấy hôm trước, giờ đây, chốc chốc lại cất lên những âm điệu du dương lúc ngắn, lúc dài…

Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi

Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh

Trên con đường viền trắng mép đồi xanh

Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết…

Tuổi thơ đi qua, tóc bây giờ đã bạc. Chiều nay xem truyền hình, thấy người ta đang bình bài thơ “Chợ Tết” của Nguyễn Văn Cừ, bất chợt nhớ chuyện ngày xưa lon ton theo mẹ đi chợ Tết. Rồi chợt giật mình: Ô hay, ngoài quê chắc mai cũng bắt đầu xòe nụ và hoa vạn thọ chắc cũng đã rộ giữa nắng vàng…

Thu Hương

 

 

 

 

 

 

 

Tags:

Bài viết khác

Truyện ngắn: Một mùa thu nữa trôi qua…

Hoàng hôn đang buông xuống bằng những tia sáng nhạt nhòa rơi rớt trên những rặng cây. Những con đường nồng nàn mùi hoa sữa đưa tôi đến quán cà phê quen thuộc. Giờ này, quán rất vắng. Tôi đi thẳng đến cái bàn đá nơi góc vườn. Ở đó có một cây khế già rậm rạp. Những chùm quả lúc lỉu kéo những tán lá la đà, tạo nên một khoảng không gian vừa kín đáo vừa thơ mộng.

Truyện ngắn: Xuân này em sẽ lấy chồng

Chiều nào đi làm về Diệp cũng dừng lại con kênh trong xanh trước nhà, hưởng thụ khoảng không gian trong veo ấy. Diệp vào thành phố đã 7 năm rồi, tốt nghiệp xong cô ở lại thành phố với lời hẹn cùng ba mẹ bao giờ hoàn thành những dự định của mình sẽ trở về. Và cứ thế, công việc đã giữ Diệp ở lại thành phố.

Truyện ngắn: “Bão tan”

Đài báo ngày mai có áp thấp nhiệt đới gần bờ. Nửa đêm, chị tỉnh giấc khi gió đập vào cửa kính. Trời mưa và lạnh. Căn phòng vẫn còn đèn sáng và mùng chưa mắc, bên cạnh chị, anh nằm co như con tôm, mền đạp dưới chân. Chị kéo mền đắp cho anh. Rồi chị mắc mùng, vừa bực vừa thương.

Câu chuyện gia đình: Sẻ chia sau cơn bão

Thời tiết những ngày qua thật lạ. Mưa thì như thác đổ, dằng dai; nắng thì rám cong mặt lá. Với cái biên độ của nắng mưa như thế, sợ sinh bệnh, vợ chồng anh gọi lái bán heo.

Câu chuyện gia đình: Sóng gió đi qua

Tôi quyết định ly hôn sau gần mười ba năm chung sống. Tôi cũng từng muốn níu kéo để giữ cho các con một mái ấm toàn vẹn nhưng sức chịu đựng có hạn, tôi không thể tiếp tục được nữa…

Câu chuyện gia đình: Vá đường

Từ tòa án bước ra, chị không khóc. Trời trưa đứng bóng, nắng loang trên mặt đường như tấm gương nóng bỏng, vậy mà lòng chị lại lạnh tanh. Chị lên xe, chạy một mạch về nhà má. Vừa thấy cổng, chị thắng gấp, bước xuống, đứng sững một lúc mới đủ can đảm mở cổng.

Tản văn: Chia tay tuổi học trò

Tháng 6 lặng lẽ đi qua, cánh phượng hồng chớm nở khẽ khàng như một lời nhắc nhở: một năm học đã khép lại. Trên những vòm cây già, tiếng ve lại ngân lên bản nhạc mùa hạ hối hả mà cũng tha thiết đến nao lòng. Có người bảo tiếng ve là khúc ca tiễn biệt tuổi học trò. Với tôi, đó là âm thanh của ký ức – thứ ký ức mãi xanh trong miền sâu thẳm của trái tim.

Tùy bút: Sài Gòn mưa

Sài Gòn mưa. Giữa cái nắng như thiêu như đốt của mùa hè có một cơn mưa xuống làm con người dễ chịu hơn. Mưa đêm. Được ngửa cổ nhìn trời mà đón những giọt mưa. Cho đỡ khát, cho trôi đi khói bụi của bao ngày.
Top