banner 728x90

Câu chuyện gia đình: Sẻ chia sau cơn bão

08/07/2025 Lượt xem: 2359

Thời tiết những ngày qua thật lạ. Mưa thì như thác đổ, dằng dai; nắng thì rám cong mặt lá. Với cái biên độ của nắng mưa như thế, sợ sinh bệnh, vợ chồng anh gọi lái bán heo.

- Vậy là thêm lứa heo này nữa, mình đã có năm trăm lẻ bảy triệu đồng. Năm nay anh được tuổi dựng nhà, mình coi ngày đào móng đi anh.

Anh nhìn số vốn liếng trên tay vợ. Những đồng tiền chắt chiu dành dụm suốt bảy năm trời. Bảy năm chỉ ăn vừa đủ no, mặc vừa đủ ấm để hy vọng xây được ngôi nhà khang trang. Anh lại nhìn lên mái tôn, nhìn tường trát đất. Vẫn còn chắc chắn, ít lắm cũng trụ được năm bảy năm nữa. Anh nhớ bảy năm trước, trận bão gió lốc kinh hoàng đã cuốn bay mái ngói, đẩy sập tường gạch ngôi nhà anh. Những tưởng sẽ phải dựng tạm mái tranh trốn nắng, chạy mưa qua ngày, nhưng rồi đồng tiền cứu trợ của Nhà nước, cộng với sự giúp đỡ bằng vật chất và công sức của bà con xóm làng, gia đình anh đã có được mái ấm này.

- Sao anh bần thần vậy? Nghe em nói không? Mình coi ngày đào móng đi anh!

Anh nhìn chị. Người vợ đã bao năm đồng cam cộng khổ với anh. Mới bốn mươi mà trông chị đã già đi nhiều. Anh biết một ngôi nhà xây là mơ ước lớn lao bây giờ của chị. Anh không thể để ước mơ của chị trôi theo năm tháng. Còn gì hơn là thỏa mãn ước vọng chính đáng của người mình yêu thương. Dù chưa muốn, anh cũng chiều lòng chị.

- Ừ! Hôm nào rảnh vợ chồng mình đến nhờ thầy Tư xem cho.

Thêm một lần nữa, 5 giờ chiều nay loa phát thanh phát tin kêu gọi đóng góp ủng hộ cứu giúp đồng bào miền Trung bị bão lụt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện xoáy vào tâm can anh. Nơi ấy, quê mẹ anh mưa trắng xóa đất trời; nơi ấy, quê cha anh lũ dâng một màu lạnh lẽo; nơi ấy, những người không quen biết đã từng đóng góp cho anh có được mái ấm năm nào đang chới với giữa dòng nước bạc. Anh nghĩ đến số tiền để xây nhà…

- Em à… - Anh nói với vợ - Làm ăn thành bại một phần nhờ phước đức ở đời. Mình trích tiền để dành một triệu đồng ủng hộ đồng bào bị thiên tai nghen em.

- Một triệu! - Chị lặp lại. Thoáng qua ý thức chị là sự khó nhọc của công việc để có lãi được một triệu đồng. Nhưng chồng chị đã nói vậy. Tin yêu chồng, chị không thể không nghe theo - Dạ. Anh thấy việc đúng thì nên làm.

Có thể nói không ngoa rằng chữ ký của anh trong bảng kê quyên góp của tổ dân vận thôn chưa ráo mực thì tin bão kép được loan truyền khắp nơi qua những phương tiện truyền thông. Các tỉnh duyên hải miền Trung chịu thảm cảnh kinh hoàng bởi sức tàn phá của cơn bão kép. Câu “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ người trong một nước phải thương nhau cùng” một lần nữa được nhắc lại ở mọi nơi, mọi lúc. Người người làm từ thiện, nơi nơi làm từ thiện. Người giàu quyên góp đã đành, người làm bữa sáng lo bữa chiều: em bé bán vé số, chị bán hàng rong, anh bốc vác, chú chạy xe thồ cũng ít nhiều đóng góp. Cảm động nhất là những người hành khất kiếm bữa cũng trích từ đồng tiền làm phước nhỏ nhoi của thiên hạ góp vào thùng lạc quyên. Chắc rằng trong tâm tư của họ đã hiểu thiên tai tàn khốc như thế nào. Hôm nay còn yên ấm, biết đâu ngày mai?

Một lần nữa tâm can anh lại xốn xang. Không phải vì cơ thể nhuốm bệnh mà anh ăn không ngon, ngủ không yên. Anh muốn một lần nữa ủng hộ lời kêu gọi. Nhưng vợ chồng anh mới góp một triệu đồng rồi, bây giờ làm sao nói với chị nữa đây? Vả lại dù rất muốn, nhưng giữa ý muốn và thực hành không phải không có sự đắn đo. Là người lao động, anh biết giá trị mồ hôi đổ ra để có được đồng tiền là thế nào. Rồi bà con chòm xóm sẽ nghĩ sao? Lẽ đời giống nhau thì không sao, khác nhau sẽ sinh chuyện. So với xóm làng, gia đình anh không thuộc diện khá giả sao lại “chơi trội”? Vừa rồi ủng hộ một triệu đồng, tổ quyên góp dân vận thôn khen ngợi, nhưng ánh mắt họ biểu lộ sự ngạc nhiên. Và bây giờ là vợ anh ngạc nhiên, chị hỏi:

- Sao em thấy anh như đổ bệnh vậy? Ăn thì lưng chén cơm, ngủ thì trằn trọc suốt. Nếu có điều gì trăn trở thì anh nói ra chứ như vậy em khó chịu lắm!

Anh trấn an vợ:

- Sức anh em biết. Sao bệnh được! Chỉ là có điều này điều kia khó nghĩ mà thôi em ạ. Sinh nhiều chuyện lắm.

Chị tròn mắt nhìn anh:

- Vậy là sao? Mà sao sinh nhiều chuyện? - Giọng chị chùng xuống - Anh có điều gì giấu em phải không? Vợ chồng sống với nhau bao năm chẳng lẽ em không cho anh đủ lòng tin để anh tựa những lúc khó khăn?

Anh nắm bàn tay thô ráp nổi gân xanh của vợ, dịu dàng nói:

- Không phải vậy đâu em. Chỉ là… chỉ là anh nghe cơn bão kép này dữ dội quá. Anh muốn tiếp tục đóng góp thêm nữa thôi em… nhưng mình cũng đâu có giàu sang gì, đồng tiền không dám ăn, dám mặc để dành để xây nhà mà nay lấy ra cho sao không nghĩ được em…

Câu nói ngập ngừng, đứt quãng của anh nghe mới thương làm sao. Nhưng chị hiểu. Sống với nhau ba mặt con, chị nắm bắt từng hơi thở mạnh yếu của anh. Tiền của, mồ hôi nước mắt ai lại không tiếc. Nhưng giữ tiền mà day dứt thì đâu sung sướng. Chị biết anh cần gì ở chị. Chị nép đầu vào ngực anh, nhẹ nhàng nói:

- Anh ạ. Điều gì anh thấy đúng thì nên làm. Bảy năm trước khi mình cầm đồng tiền cứu trợ trên tay, em đã nghẹn ngào nghĩ đến câu “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ người trong một nước phải thương nhau cùng” lúc đó sao thấy thấm thía vô cùng. Đất nước mình, dân tộc mình coi trọng tình nghĩa thật hay biết bao…

Hồng Phúc

 

 

 

 

 

Tags:

Bài viết khác

Truyện ngắn: “Bão tan”

Đài báo ngày mai có áp thấp nhiệt đới gần bờ. Nửa đêm, chị tỉnh giấc khi gió đập vào cửa kính. Trời mưa và lạnh. Căn phòng vẫn còn đèn sáng và mùng chưa mắc, bên cạnh chị, anh nằm co như con tôm, mền đạp dưới chân. Chị kéo mền đắp cho anh. Rồi chị mắc mùng, vừa bực vừa thương.

Câu chuyện gia đình: Sóng gió đi qua

Tôi quyết định ly hôn sau gần mười ba năm chung sống. Tôi cũng từng muốn níu kéo để giữ cho các con một mái ấm toàn vẹn nhưng sức chịu đựng có hạn, tôi không thể tiếp tục được nữa…

Câu chuyện gia đình: Vá đường

Từ tòa án bước ra, chị không khóc. Trời trưa đứng bóng, nắng loang trên mặt đường như tấm gương nóng bỏng, vậy mà lòng chị lại lạnh tanh. Chị lên xe, chạy một mạch về nhà má. Vừa thấy cổng, chị thắng gấp, bước xuống, đứng sững một lúc mới đủ can đảm mở cổng.

Tản văn: Chia tay tuổi học trò

Tháng 6 lặng lẽ đi qua, cánh phượng hồng chớm nở khẽ khàng như một lời nhắc nhở: một năm học đã khép lại. Trên những vòm cây già, tiếng ve lại ngân lên bản nhạc mùa hạ hối hả mà cũng tha thiết đến nao lòng. Có người bảo tiếng ve là khúc ca tiễn biệt tuổi học trò. Với tôi, đó là âm thanh của ký ức – thứ ký ức mãi xanh trong miền sâu thẳm của trái tim.

Tùy bút: Sài Gòn mưa

Sài Gòn mưa. Giữa cái nắng như thiêu như đốt của mùa hè có một cơn mưa xuống làm con người dễ chịu hơn. Mưa đêm. Được ngửa cổ nhìn trời mà đón những giọt mưa. Cho đỡ khát, cho trôi đi khói bụi của bao ngày.

Cốm làng Vòng – Mùa thu Hà Nội

Không biết tự bao giờ, cái tên cốm làng Vòng đã trở thành nỗi nhớ xanh non của đất Kinh kỳ. Người Hà Nội đi xa, mỗi độ thu về, lại bâng khuâng ngậm ngùi khi nghĩ tới hương cốm phảng phất trên những con phố xưa, như một lời nhắc nhở dịu dàng về tuổi thơ đã qua và quê nhà còn đó.

Tản văn: Chia tay mùa hè

Mùa hè năm ấy, mặt trời như treo mãi trên đỉnh cao xanh biếc, rắc xuống trần gian thứ ánh sáng vàng ươm ngọt lịm. Con đường dẫn lối về khu vườn nhỏ bỗng bừng lên rực rỡ, từng phiến lá xanh thẫm lấp lánh như vẫy chào người qua. Ta vẫn nhớ rõ hương hoa nhài thoang thoảng, tiếng ve ngân dài như khúc dạo đầu cho một cuộc chia tay lặng lẽ, mà cũng vô cùng tha thiết.

Bài học không thể quên

Cha tôi vội vàng chạy ra sân đỡ lấy gánh cỏ nặng trĩu trên vai tôi xuống, ánh mắt người đầy ái ngại và thương cảm: Ham cắt chi nhiều dữ vậy con! Còn nhỏ, gánh nặng vậy vẹo xương còn gì? Tôi, một cậu bé hơn mười tuổi cảm thấy người nhẹ hẳn đi khi đôi vai nóng ran không còn phải gồng lên khổ sở, dưới chiếc đòn gánh cong oằn kia, lòng hân hoan hãnh diện lắm. Cũng như bao đứa trẻ nghèo khác, tôi phải đỡ đần cha mẹ từ khi còn rất nhỏ tuổi.
Top