banner 728x90

Truyện ngắn: Xuân này em sẽ lấy chồng

10/07/2025 Lượt xem: 2356

Chiều nào đi làm về Diệp cũng dừng lại con kênh trong xanh trước nhà, hưởng thụ khoảng không gian trong veo ấy. Diệp vào thành phố đã 7 năm rồi, tốt nghiệp xong cô ở lại thành phố với lời hẹn cùng ba mẹ bao giờ hoàn thành những dự định của mình sẽ trở về. Và cứ thế, công việc đã giữ Diệp ở lại thành phố.

Diệp yêu công việc của mình, yêu những gì mình đang có. Diệp làm việc say mê nhưng những ngày cuối tuần cô đều biết tự thưởng cho mình những khoảng thư giãn. Những ngày Chủ nhật, cô hay đến một quán ăn nằm cuối một con hẻm nhỏ, chọn cái bàn ở trong góc sát bên thác nước nhỏ. Ở đó có một cây sa kê cao lớn vươn những cành khỏe mạnh với những chiếc lá to chẻ góc thật đẹp. Diệp thích ngồi ở đó trong không gian tĩnh lặng, lắng nghe tiếng nhạc không lời nhẹ như thoảng qua…

Nhưng điều Diệp không nhìn thấy được là ở chính cái quán dễ thương ấy cô đã quen một người. Buổi sáng hôm ấy trời xanh và nắng vàng, Diệp vẫn ngồi ở cái bàn quen thuộc nhìn ngắm những chiếc nón lá nhỏ mới được treo tòng teng trên mấy nhánh cây sa kê. Khi cô định khởi động chiếc laptop mang theo thì một anh chàng đặt chiếc laptop của mình xuống bàn và lịch sự xin phép được dùng cái ổ cắm điện để sạc pin. Diệp hơi khó chịu nhưng vẫn nhẹ gật đầu.

Diệp còn gặp lại chàng trai ấy nhiều lần ở chỗ nhà hàng ấy vào những ngày Chủ nhật, đơn giản là mỉm cười chào xã giao rồi quên. Một hôm, Diệp vừa ngồi xuống ghế đã thấy anh ta bước đến.

- Xin lỗi, tôi có thể ngồi cùng bàn với cô không?

Diệp nhìn những chiếc bàn trống chung quanh nhưng cô chưa kịp nói gì thì chàng trai đã chặn lời:

- Không phải hết bàn mà là tôi thích được ngồi cùng cô.

- Nhưng tôi không ăn được khi ngồi cùng người lạ.

- Mình quen nhau lâu rồi mà.

- Tôi đâu có quen anh...

- Em tên là Diệp Anh, giám đốc sale của công ty…

Diệp mở to mắt nhìn anh và bật cười thú vị. Họ trở thành bạn từ sau buổi sáng Chủ nhật ấy.

Lâm là phóng viên của một tờ báo kinh tế ở thành phố. Không biết anh có sử dụng nghiệp vụ không mà hiểu Diệp rất kỹ trước khi tiếp cận với cô. Tỉ dụ như Diệp chỉ dùng tên đệm khi xưng hô với bạn bè, chỉ đến quán vào 2 ngày Chủ nhật một lần trong tháng và luôn gọi 2 món là hủ tíu khô và nước cam sữa. Diệp chưa bao giờ đánh giá về Lâm hay cân nhắc về mối quan hệ của hai người, nhưng công bằng mà nói Lâm rất thú vị. Nói chuyện với Lâm, cô rất vui. Lâm còn rủ cô khám phá những cái quán mới. Cô nhận ra rằng thành phố còn nhiều điều thú vị mà mình chưa từng biết. Đó là những con hẻm tĩnh lặng để không cảm thấy bức bối vì tiếng còi xe khi ngồi trong những cái quán đơn sơ với ly cà phê đầy cảm xúc. Rồi Diệp phát hiện mình đã nhận lời hẹn hò với Lâm từ hồi nào không biết, nhận ra Lâm đã trở thành một người thân quen để thấy thiếu vắng khi không gặp anh. Và Lâm lại là người lên tiếng trước về chuyện hai người. Đó là hôm Diệp một mình trở lại cái quán có cây sa kê mà không hẹn với Lâm. Nhưng ngay khi vừa ăn sáng xong, cô thấy anh bước vào quán.

- Sao hôm nay Lâm biết em đến đây?

- Vậy mà cũng hỏi, không có anh thì em chỉ biết đến đây.

Câu trả lời của anh khiến Diệp bật cười. Đột nhiên, Lâm nói:

- Có một điều muốn hỏi em lâu rồi mà anh chưa dám.

- Làm gì có điều nào mà anh sợ đến như thế?

- Có đấy, anh thấy em chỉ có một mình, sao tay em lại đeo nhẫn? Chiếc nhẫn có ý nghĩa gì không?

Diệp nhìn Lâm rồi nhìn chiếc nhẫn trên ngón tay áp út của mình. Chuyện cũng qua lâu rồi và đó là chuyện mà Diệp không muốn nhớ lại nhưng cũng không thể quên đi. Bạn bè từng bảo Diệp là đứa khờ khi đeo mãi chiếc nhẫn trên tay và không chịu mở lòng mình với ai. Thật ra, Diệp không đến nỗi ngu ngơ, cô không lụy vì ai nhưng rất yêu mối tình đầu của mình. Mối tình thơ dại và trong sáng ấy đã khiến cho cô khi trưởng thành không thấy rung động trở lại. Diệp và Đăng cùng học với nhau từ thời phổ thông. Đó là người con trai đầu tiên làm cho con tim trẻ trung của Diệp biết xôn xao. Nhớ Đăng là nhớ những năm tháng học trò với những bài toán khó mà hai đứa tranh nhau giải thế nào cho nhanh nhất; nhớ những đêm văn nghệ vui ngất trời, nhớ cái sân khấu nhỏ trong hội trường, Đăng đàn cho Diệp hát. Lên đại học, dù không còn học chung lớp nhưng vẫn là Đăng ở bên cạnh Diệp những lúc vui buồn, đưa đón Diệp đi học ngày hai buổi. Cứ tưởng một Đăng nhân hậu, đầy nhiệt tình như thế sẽ là người bạn đồng hành suốt đời Diệp. Thế nhưng, mọi chuyện bỗng trở nên khác kể từ khi Diệp tiễn Đăng ra sân bay để ra nước ngoài du học 4 năm…

Diệp kể cho Lâm nghe về Đăng, thật tin cậy. Lòng cô cũng nhẹ nhàng khi nói rằng chỉ một thời gian ngắn sau khi đi, Đăng không còn liên lạc với cô và nghe đâu Đăng có trở về mà không gặp Diệp vì đã có người khác.

- Vậy sao em còn đeo chiếc nhẫn ấy? - Lâm hỏi.

- Em yêu mối tình của mình, khó quên quá, nó đẹp phải không Lâm?

- Nhưng nó làm cho những người khác, như anh không dám đến với em.

Lâm nói như một lời tỏ tình mà Diệp không để ý cho đến khi Lâm viết cho cô lá thư. Đọc thư anh, cô cười hoài vì những lời hiền lành khác hẳn anh mọi ngày, nhưng anh lại làm cho cô phải suy nghĩ khi bê nguyên lời một bài hát vào cuối thư: “Anh ước mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ”.

Gặp nhau, Lâm không nói gì về lá thư, Diệp cũng làm như mình chưa từng đọc thư. Nhưng bây giờ, không chỉ gặp nhau vào những sáng Chủ nhật mà có những buổi trưa, anh đến chỗ làm đón cô đi ăn trưa. Mỗi ngày, anh càng tỏ ra săn sóc cô ân cần hơn. Anh không hối thúc cô trả lời nhưng cách của anh làm cho cô thấy mình nghĩ về anh nhiều hơn.

Diệp không ngờ tình yêu lại đến với mình nhẹ nhàng như thế. Khi Lâm phải đi công tác xa 2 tuần, Diệp mới thấy anh ảnh hưởng nhiều với mình đến vậy. Cô nôn nao đếm từng ngày Lâm trở về, nghĩ đến lúc gặp lại anh mà nghe lòng mình ấm áp. Cô nghĩ mình sẽ nói gì với anh nhỉ? Chắc là không cần nói gì, chỉ cần xòe đôi bàn tay thon với ngón áp út trống trơn. Chiếc nhẫn đã được tháo ra từ nhiều ngày nay. Cô đã sẵn sàng nói với Lâm: Xuân này em lấy chồng.

Hồng Phúc


 

Tags:

Bài viết khác

Truyện ngắn: Một mùa thu nữa trôi qua…

Hoàng hôn đang buông xuống bằng những tia sáng nhạt nhòa rơi rớt trên những rặng cây. Những con đường nồng nàn mùi hoa sữa đưa tôi đến quán cà phê quen thuộc. Giờ này, quán rất vắng. Tôi đi thẳng đến cái bàn đá nơi góc vườn. Ở đó có một cây khế già rậm rạp. Những chùm quả lúc lỉu kéo những tán lá la đà, tạo nên một khoảng không gian vừa kín đáo vừa thơ mộng.

Truyện ngắn: “Bão tan”

Đài báo ngày mai có áp thấp nhiệt đới gần bờ. Nửa đêm, chị tỉnh giấc khi gió đập vào cửa kính. Trời mưa và lạnh. Căn phòng vẫn còn đèn sáng và mùng chưa mắc, bên cạnh chị, anh nằm co như con tôm, mền đạp dưới chân. Chị kéo mền đắp cho anh. Rồi chị mắc mùng, vừa bực vừa thương.

Câu chuyện gia đình: Sẻ chia sau cơn bão

Thời tiết những ngày qua thật lạ. Mưa thì như thác đổ, dằng dai; nắng thì rám cong mặt lá. Với cái biên độ của nắng mưa như thế, sợ sinh bệnh, vợ chồng anh gọi lái bán heo.

Câu chuyện gia đình: Sóng gió đi qua

Tôi quyết định ly hôn sau gần mười ba năm chung sống. Tôi cũng từng muốn níu kéo để giữ cho các con một mái ấm toàn vẹn nhưng sức chịu đựng có hạn, tôi không thể tiếp tục được nữa…

Câu chuyện gia đình: Vá đường

Từ tòa án bước ra, chị không khóc. Trời trưa đứng bóng, nắng loang trên mặt đường như tấm gương nóng bỏng, vậy mà lòng chị lại lạnh tanh. Chị lên xe, chạy một mạch về nhà má. Vừa thấy cổng, chị thắng gấp, bước xuống, đứng sững một lúc mới đủ can đảm mở cổng.

Tản văn: Chia tay tuổi học trò

Tháng 6 lặng lẽ đi qua, cánh phượng hồng chớm nở khẽ khàng như một lời nhắc nhở: một năm học đã khép lại. Trên những vòm cây già, tiếng ve lại ngân lên bản nhạc mùa hạ hối hả mà cũng tha thiết đến nao lòng. Có người bảo tiếng ve là khúc ca tiễn biệt tuổi học trò. Với tôi, đó là âm thanh của ký ức – thứ ký ức mãi xanh trong miền sâu thẳm của trái tim.

Tùy bút: Sài Gòn mưa

Sài Gòn mưa. Giữa cái nắng như thiêu như đốt của mùa hè có một cơn mưa xuống làm con người dễ chịu hơn. Mưa đêm. Được ngửa cổ nhìn trời mà đón những giọt mưa. Cho đỡ khát, cho trôi đi khói bụi của bao ngày.

Cốm làng Vòng – Mùa thu Hà Nội

Không biết tự bao giờ, cái tên cốm làng Vòng đã trở thành nỗi nhớ xanh non của đất Kinh kỳ. Người Hà Nội đi xa, mỗi độ thu về, lại bâng khuâng ngậm ngùi khi nghĩ tới hương cốm phảng phất trên những con phố xưa, như một lời nhắc nhở dịu dàng về tuổi thơ đã qua và quê nhà còn đó.
Top