Bánh pía từ lâu đã là biểu tượng trong văn hóa ẩm thực của Sóc Trăng. Không chỉ là một món ăn đơn thuần, nó còn là đặc sản, là tinh túy của người dân nơi đây. Khi xưa, món bánh này gắn liền với Tết Trung thu nhưng nay đã được sử dụng ở hầu hết các thời điểm trong năm.

Bánh pía khi xưa được xem là bánh Trung Thu của người Triều Châu. (Ảnh: internet)
Nguồn gốc của món bánh pía Sóc Trăng xuất phát từ người Minh Hương di cư sang nước ta vào thế kỷ XVI. Họ đã mang theo món bánh có hương vị quê nhà khi đến đây. Món này khi xưa được xem là bánh Trung Thu của người Triều Châu. Vì thế tên gọi cũng xuất phát từ tiếng Triều Châu, cụ thể như chữ “pía” với cách đọc “pi-é” dịch ra là bánh.
Tại Sóc Trăng có một làng nghề làm bánh pía tại xã Thuận Hòa, xã An Hiệp, xã Phú Tâm, huyện Châu Thành. Lúc trước, bánh pía Sóc Trăng được làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Nhưng với nhu cầu ngày càng tăng cao như hiện tại thì các quy trình đã có những bước làm bằng máy để hỗ trợ năng suất.
Vào năm 1963, ông Trần Cang - Thương nhân nổi tiếng người Hoa đã lấy bánh pía của cơ sở Tạo Thành đi rao bán khắp nơi như Biên Hòa - Đồng Nai, Lái Thiêu - Bình Dương. Khi đó, ông thấy những nơi này có nhiều sầu riêng nên đã mang về đề xuất với lò bánh của người làm ra món bánh pía có nhân của loại trái cây đó. Đây cũng chính là nguồn gốc của món bánh pía nhân nhân đậu xanh sầu riêng hiện nay.

Bánh pía hay còn gọi là bánh lột da (Ảnh: internet)
Bánh pía Sóc Trăng có nhiều lớp da mỏng xếp chồng lên nhau để có thể lột ra một cách dễ dàng. Do đó, người dân tộc Nam Bộ còn gọi món này là bánh lột da. Theo lời kể của những người làm bánh pía Sóc Trăng, khi xưa người Trung đã làm món này bằng thịt vịt quay, chao cùng với mỡ cừu và heo, vỏ làm bằng hạt kê hoặc bột mì, sau đó bỏ vào nướng lửa than. Sau khi đến vùng đất Sóc Trăng này, họ đã chế biến lại cho dần hợp khẩu vị của người Việt và chọn lựa nguồn nguyên liệu dễ tìm, phong phú tại địa phương.
Bánh pía Sóc Trăng có màu vàng cam, hình dáng nhỏ nhắn, tròn đầy nên khả tiện lợi và vừa ăn. Khi bạn cắn một miếng nếm thử thì sẽ thấy chất lượng vượt ngoài mong đợi, nó không quá bở, mềm dẻo, ngậm vào miệng không tan ngay. Thường những ai ăn bánh pía Sóc Trăng cũng đều chọn nhân sầu riêng vì nó sẽ tạo mùi vị ngọt thơm nguyên chất mà không có bất kỳ hương liệu nào có thể tạo ra được. Bánh pía Sóc Trăng có hai phần gồm vỏ ngoài làm bằng bột mì và phần nhân là Tàu xa lá hay Òn xa lá.

Bánh pía có nhiều loại nhân khác nhau (Ảnh: internet)
Hiện nay, bánh pía có nhiều loại nhân khác nhau nhằm đáp ứng thị hiếu của thực khách như đậu xanh, mứt, mỡ, khoai môn, lá cải muối mặn, đậu đỏ…
Để tạo ra một chiếc bánh pía Sóc Trăng đạt chuẩn, đòi hỏi nghệ nhân phải đi qua nhiều công đoạn tỉ mỉ từ khâu nhào bột đến nướng than. Khi làm nhân cũng có nhiều cách chế biến riêng biệt cho từng loại. Nhân đậu xanh thì cần đãi, khoai môn gọt vỏ, làm sạch, hấp trong nồi rồi đem đi tán nhuyễn…
Công đoạn tiếp theo là bạn dùng các loại nhân đã sơ chế kỹ lưỡng tiếp tục xào với đường, nhân sầu riêng theo tỷ lệ chuẩn. Để hỗn hợp nguội, bọc nhân quanh từng lòng đỏ hột vịt. Nếu muốn tăng vị béo đậm đà thì bạn có thể thêm thịt heo vào phần nhân.
Tiếp theo là một chuỗi các thao tác cán, gấp để tạo nên nhiều lớp vỏ bọc với bột nước và bột dầu chồng lên nhau. Cuối cùng, khâu nướng giúp bánh chín có màu vàng ươm quyện mùi sầu riêng thơm nức mũi. Vào mùa Trung Thu, lễ cúng trăng, người dân bản địa chọn loại bánh này để nhâm nhi. Vì đây chính là cái hồn của người dân Sóc Trăng - Vùng đất pha trộn bản sắc văn hoá giữa Kinh, Hoa, Khmer.

Quốc Thịnh và Hồng Phúc (Viện Nghiên cứu VHTN phía Nam) tại "Tân Huê Viên, nơi sản xuất và bán bánh Pía Sóc Trăng".
Năm 2020 bánh pía Sóc Trăng được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận và đưa món ăn này vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề thủ công truyền thống.
Trải qua gần 100 năm phát triển, đến nay nghề làm bánh Pía ở tỉnh Sóc Trăng nói chung đã có những bước phát triển bền vững và vượt bậc trở thành sản vật địa phương.
P.T (thực hiện)