banner 728x90

Truyện ngắn: Trở về với các em học sinh thân yêu

02/11/2024 Lượt xem: 2349

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm, Mơ xin được về công tác tại trường cũ, nơi cô đã có những năm tháng đầy kỷ niệm của thời cắp sách. Dường như cảnh vật không mấy thay đổi; vẫn là những thầy cô của 4 năm trước, chỉ có các em học sinh là mới. Và có một người mới nữa là người bảo vệ tên Hào, thay thế bác Tánh đã già yếu. Lần đầu nhìn thấy Hào, Mơ thắc mắc, sao trường lại chọn một người khuyết tật làm bảo vệ? Cô Mỹ - Hiệu trưởng giải thích: “Anh ấy là thương binh nên được ưu tiên!”. Mơ nghe mọi người nói anh Hào hiền lành, chăm chỉ và rất tốt bụng. Khoản tiền lương hợp đồng bảo vệ, anh góp hết cho Quỹ hỗ trợ học sinh nghèo của trường, với lý do số tiền trợ cấp thương tật cũng đủ cho anh chi tiêu.

Mỗi khi gặp Hào, Mơ đều chào anh với vẻ kính trọng đối với một cựu chiến binh. Dù không nhìn thẳng vào khuôn mặt bị méo mó khiến giọng nói của anh ngọng nghịu, Mơ vẫn thấy ở Hào có gì đó rất quen thuộc. Dường như cô đã từng gặp anh nhiều lần rồi, nhưng gặp ở đâu thì cô không thể nhớ.

Một buổi tối, Mơ có giờ phụ đạo học sinh kém. Đi qua sân trường đầy ắp lá bàng rụng, cô chợt cảm thấy thương Hào, bởi mỗi buổi sáng, khoảng sân rộng mênh mông này không có một chiếc lá. Chắc Hào phải thức dậy thật sớm mới có thể khập khiễng đi quanh sân trường, vừa quét vừa gom thảm lá lớn này. Còn 10 phút nữa mới đến giờ học, Mơ bước về phía căn phòng của bảo vệ nằm sau dãy phòng học.

Hai cánh cửa gỗ mở toang. Căn phòng nhỏ đơn sơ nhưng gọn ghẽ. Đồ đạc hầu như không có gì ngoài cái giường cá nhân với bộ chăn màn màu cỏ úa, xếp hình chữ nhật ngay ngắn. Đặc biệt, trên cái bàn gỗ cũ kỹ là một dãy sách xếp gọn gàng. Tất cả đều là sách toán học. Có lẽ anh ấy muốn ôn lại kiến thức để thi vào đại học tại chức, hy vọng kiếm một công việc nhàn nhã hơn? Mơ tự nhủ. Thảo nào thỉnh thoảng, đang giảng bài, Mơ thấy Hào đứng sau cửa sổ, chăm chú lắng nghe. Bị bắt gặp, Hào vội vã bỏ đi với những bước chân khập khiễng.

Mơ định quay ra thì bỗng mắt cô chạm phải bức hình trên cuốn sổ để ngỏ trên bàn. Cô cầm lên, sững sờ. Đó chính là bức hình chụp lớp cô khi học cấp 2, kỷ niệm ngày tiễn thầy chủ nhiệm lên đường đi bộ đội. Dù bức ảnh đã bị ố đôi chỗ, Mơ vẫn nhận ra mình đứng bên cạnh thầy chủ nhiệm lớp tên Hà. Trời ơi! Thầy Hà? Không lẽ nào?

Có tiếng động nhẹ. Mơ quay lại. Hào đã đứng sau cô từ bao giờ. Trái với dự đoán của Mơ, khuôn mặt Hào bình thản: “Mời cô giáo Mơ ngồi”. Mơ nhìn Hào rồi lại nhìn tấm hình, lắp bắp: “Là... là... thầy Hà, chủ nhiệm lớp em hồi đó, phải không ạ?”.

Hào khập khiễng bước lại góc nhà, rót một ly nước đặt trước mặt Mơ: “Cô giáo uống nước!”. Anh cũng ngồi xuống góc giường đối diện.

Vẻ từ tốn của Hào khiến cô bình tĩnh. Lần đầu tiên, cô nhìn thẳng vào mặt Hào. Ở đó, hàng lông mày đen nhánh đang nhíu lại trên con mắt trái còn nguyên vẹn. Cô nhắc lại, thảng thốt: “Thầy Hà! Có phải anh là thầy Hà?”. Hào không trả lời. Anh với tay cầm quyển sổ, chăm chăm nhìn vào bức hình. Mấy giây sau, Hào ngẩng lên, chậm rãi gật đầu: “Phải! Tôi chính là Hà, chủ nhiệm Mơ năm học lớp 9!”.

Mơ định ôm chầm lấy người thầy mà không chỉ lớp cô, tất cả học sinh trong trường đều yêu mến và kính trọng, nhưng cô đã kịp kìm lại. Hồi đó, học sinh các lớp truyền tai nhau: Ai học thầy Hà, chắc chắn sẽ không bị trượt môn toán. Bởi thầy Hà có cách giảng dạy rất độc đáo. Thầy không những truyền đạt kiến thức một cách đơn giản, rõ ràng và dễ hiểu mà mỗi buổi học, để giảm sự căng thẳng của học sinh, thầy thường dành vài phút để kể chuyện. Đó là những câu chuyện với nhiều chủ đề về triết lý cuộc sống, về cuộc đời của các nhà toán học, danh nhân, cách những người không may mắn vượt qua bất hạnh... Có khi, thầy ra những bài toán, câu đố vui hay câu chuyện cười sảng khoái... Tất nhiên, bao giờ thầy cũng có điều kiện: tất cả học sinh phải thuộc bài, làm bài tập đầy đủ. Điều này không khó vì với những học sinh kém, thầy Hà mở những lớp phụ đạo miễn phí nên chỉ sau một thời gian là các bạn này theo kịp cả lớp.

Chiến tranh biên giới nổ ra. Thầy Hà và nhiều thầy cô khác trong trường xung phong vào quân đội. Ngày thầy đi, cả lớp Mơ đều đến tiễn. Đám con gái khóc thút thít... Riêng thầy Hà cười, hứa rằng nhất định sẽ trở về, sẽ lại đứng trên bục giảng...

Thảo nào Mơ thấy người bảo vệ trường rất quen.

- “Ngày đó, tôi đã hứa sẽ trở về. Và tôi đã thực hiện đúng lời hứa. Nhưng... với vẻ ngoài như thế này, tôi không thể đứng lớp...” - Hào trầm ngâm.

Thầy Hà nói có lý. Với tình cảnh hiện nay, thầy không thể đứng trên bục giảng - Mơ nghĩ.

Dường như nhận ra vẻ băn khoăn của Mơ, thầy Hà nói: “Được trở lại với mái trường, nhìn thấy các em học sinh hàng ngày, với tôi, thế là hạnh phúc lắm rồi! Tôi rất mừng khi thấy em cũng dạy toán như tôi. Em dạy rất hay đấy, Mơ ạ!”.

Mơ mỉm cười: “Cảm ơn thầy đã khen! Nhưng thầy hãy giúp em những khi gặp khó khăn trong giảng dạy nhé!”.

- Rất sẵn sàng, cô giáo Mơ ạ! - khuôn mặt thầy Hà chợt sáng lên.

Hồng Ngọc

 

 

 

 

 

 

 

 

Tags:

Bài viết khác

Truyện ngắn: Giờ này anh ở đâu?

Dạo ấy, tôi 18 tuổi, vừa tốt nghiệp phổ thông trung học. Gia đình tôi khi đó rất khó khăn. Ba tôi đã mất, chỉ còn mình mẹ bươn chải việc đồng áng nuôi các con. Biết rằng vào đại học là con đường xa tít, không nằm trong khả năng của mình nên tôi chọn cách mà nhiều cô gái trong làng vẫn làm: bán hàng rong ở bến phà, cách nhà khoảng 2 cây số.

Truyện ngắn: Những mảnh đời ghép lại

Không hiểu sao những lúc ngồi trồng rau mầm trên sân thượng, Trầm hay nghĩ về cuộc hôn nhân của đời mình. Hai năm trước, có nằm mơ chị cũng không thể mường tượng ra mình có những buổi sáng thong thả chăm bẵm cho tổ ấm. Đồng ý làm vợ Khang, chị chỉ nghĩ “ừ thôi, cùng phận bèo trôi bám nhau neo đậu, biết đâu đỡ buồn”.

Câu chuyện gia đình: Chung một mái nhà

Một ngày cuối thu. Trong phòng học của An, thằng Bình cầm con voi đất ngắm nghía, châm chọc: “Anh An nắn con voi đẹp quá. Anh phải nắn thêm ông An con ngồi trên lưng với điểm mười treo lộn ngược trước ngực”. Đang làm bài tập toán, An không tập trung suy nghĩ được vì giọng nói léo nhéo của Bình. Nó gắt: “Mày có im cho tao làm bài không!”.

Câu chuyện gia đình: Cuộc đời của má

Với tôi, má là hình ảnh mẫu mực của người phụ nữ miền Trung thuần đức. Má chân phương, mộc mạc, chịu thương, chịu khó. Má tôi làm nông, quanh năm bươn trải, gò lưng trên đồng. Trên người má lúc nào cũng có những “sản phẩm” của đồng ruộng. Khi thì sợi rơm khô trên tóc; có lúc trong túi áo rơi ra mấy hạt thóc; lưng áo luôn mướt mồ hôi; trên vai kẽo kẹt đôi quang gánh… Dường như, má đẹp hơn là nhờ vậy, vẻ đẹp vĩnh hằng của đức hy sinh.

Truyện ngắn: Chuyến đi biển bình yên

Biển trong tôi là một thủy cung huyền bí cần được khám phá bởi cái nắng, cái gió ở đây rất đáng yêu và quyến rũ vô cùng. Nhìn thiên hạ nô đùa với sóng, với trời nước mênh mông mà thấy thích. Thích thì thích nhưng rất sợ bởi tôi không biết bơi.

Truyện ngắn: Câu chuyện giữa rừng thông

Chàng trai đang ngồi cạnh tôi có vẻ ngoài không mấy thiện cảm. Người thấp đậm, nước da sạm nắng, râu cằm tua tủa... hơi ngang tàng và có chút gì đó bặm trợn. Vậy mà tôi phải đi với anh ta suốt một quãng đường dài để vận chuyển một số hàng mới mua từ Hà Nội về Vũng Tàu.

Truyện ngắn: Tìm lại cuộc tình sau mười năm xa cách

Chuyến tàu ngày thứ hai vắng khách, chỉ có mình tôi với một chàng trai trẻ trong khoang 6 giường nằm. Chàng trai có mái tóc bồng gợn sóng khoảng 30 tuổi ấy đang làm cuộc hành trình đi tìm cô gái mà mình thương yêu.

Truyện ngắn: Những người lính trở về từ chiến tranh

Hàng xóm mới chuyển đến cạnh nhà tôi là cặp vợ chồng lớn tuổi. Trông họ rất phúc hậu. Thấy anh chị ra vô, tất bật với việc chăm mấy con gà, xới vài luống rau... tôi nghĩ chắc họ là cán bộ hưu trí, về quê sinh sống.
Top