banner 728x90

Lễ hội Cha Kchiah của người Giẻ Triêng

30/09/2024 Lượt xem: 2728

Đồng bào Giẻ Triêng ở huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum có một lễ hội truyền thống rất độc đáo là lễ hội Cha Kchiah (hay còn gọi là lễ hội ăn than). Tiếng dân tộc Giẻ Triêng, từ Cha là ăn, còn Kchiah là than, vừa là tên gọi của một loài cây mà người Giẻ Triêng dùng để đốt lấy than, phục vụ cho lò rèn truyền thống.

Tái hiện lễ hội Cha Kchiah tại làng Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum

Đây là lễ hội đã có và tồn tại từ lâu đời, được cha ông truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác. Lễ hội Cha Kchiah được người Giẻ Triêng tổ chức với mục đích tổng kết mùa màng sau một vụ thu hoạch trong năm để cộng đồng ăn mừng, tạ ơn thần linh đã phù hộ; đồng thời là dịp chuẩn bị các dụng cụ lao động sản xuất để bước vào vụ sản xuất mới, cầu mong thần linh luôn luôn phù hộ cho dân làng được khỏe mạnh, mùa màng bội thu...

Trước khi tổ chức, hội đồng già làng họp bình xét, chọn khoảng bảy thành viên trong làng, đủ tiêu chuẩn quy định để lên rừng đốt than. Trong bảy thành viên được chọn, bắt buộc phải có một người là thành viên của hội đồng già làng, am hiểu về nghi thức đốt than. Theo tiêu chuẩn quy định, người được chọn phải là người trong một vài năm liền luôn gặp nhiều may mắn, lao động sản xuất luôn được mùa bội thu, không bị ốm đau, tính tình trong sáng, ngay thẳng, không vi phạm luật tục của làng...

Trong thời gian bảy thành viên được chọn lên rừng đốt than thì các thành viên khác trong làng cũng đồng thời làm cây nêu, ngôi nhà rèn và các thực phẩm dùng trong nghi thức lễ và phần hội được tổ chức tại nhà rông. Những người phụ nữ Giẻ Triêng vào rừng cắt lấy đọt đòng đòng của cây đót mang về. Lúa mới trên nhà kho cũng được lấy xuống giã làm bánh. Gạo lúa mới được trộn với đót đòng đòng, sau khi giã xong thêm muối, ớt hoặc trộn với bột gạo để nấu canh. Cùng với các món thịt khô thú rừng, đây là những món ăn chính trong lễ hội Cha Kchiah.

Già làng Blong Vẽ, làng Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi cho biết, trong thời gian đốt than và lấy đọt đòng đòng, người Giẻ Triêng kiêng cữ bảy ngày. Thời gian này, khách không được vào làng bởi vì ở cổng làng có treo cây dứa gai làm dấu, báo hiệu sự kiêng cữ. Buổi tối, đàn ông có thể ngồi uống với nhau những ghè rượu nhỏ nhưng tuyệt đối không được say. Đàn bà soạn sửa gạo, nếp, lá gói bánh và làm những công việc nội trợ khác chuẩn bị thức ăn, đồ uống cho các ngày lễ.

Khi than đã về, dân làng nổi cồng chiêng ngân vang. Tại lò rèn, người dân phân công nhau, người thì xếp than và nhóm lửa, người thụt hơi của lò rèn, người thì chuẩn bị dao, rựa, rìu... Già làng làm lễ đưa than vào nhà rèn và chỉ rèn tượng trưng một nông cụ để xin thần linh cho dân làng có cái cuốc, con dao thật bền, sắc bén. Chủ rèn lấy lá non của cây đót nhai nát, trộn với bột cua đá nướng chín, giã nhuyễn và thêm nước, khuấy đều bôi lên cây sắt trước khi đưa chúng vào lò rèn. Theo quan niệm của dân tộc Giẻ Triêng, hỗn hợp nước này bôi lên các công cụ lao động sản xuất, sẽ giúp các công cụ mới sắc bén, không bị cong vênh, nứt mẻ. Sau khi các công cụ lao động sản xuất đã “ăn no” lửa, họ đưa vào máng đựng nước được làm từ thân cây và mài các công cụ cho đến khi sắc bén.

Nghi thức rèn công cụ lao động sản xuất tại ngôi nhà rèn kết thúc, dân làng tiếp tục thực hiện nghi thức cõng những người đi lấy than lên nhà rông. Dân làng tập trung lên nhà rông để làm nghi thức cho những người đi lấy than ăn cơm lam, thịt chuột rừng, cá suối nướng trong ống và uống rượu cần. Sau đó, dân làng mời những người đi lấy than uống rượu của mình rồi cùng nhau chung vui tiệc rượu của lễ hội Cha Kchiah đến khi thấm hương men rượu cần.

Nguồn: nhandan.vn

 

 

Tags:

Bài viết khác

Cần giữ gìn nét đẹp Lễ cúng sức khỏe của người Ê Đê

Đồng bào dân tộc Ê Đê ở tỉnh Đắk Lắk có nền văn hóa truyền thống đa dạng, phong phú với những lễ hội, phong tục, tập quán độc đáo. Trong đó, Lễ cúng sức khỏe là một nghi thức quan trọng, thể hiện sự tôn kính và hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Lễ cúng sức khỏe không chỉ là dịp để người Ê Đê bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên mà còn là cơ hội để các thành viên trong gia đình, cộng đồng tụ họp, thăm hỏi, chia sẻ niềm vui và cầu chúc cho nhau sức khỏe, hạnh phúc.

Lễ cúng bản của đồng bào Khơ Mú

Lễ cúng bản là một trong những nghi lễ truyền thống quan trọng của dân tộc Khơ Mú ở xã Huổi Một, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Lễ cúng bản thường được tổ chức vào đầu năm hoặc sau mỗi mùa vụ để cầu mong bình an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và bản làng yên ổn. Đây không chỉ là một nghi lễ tâm linh mà còn là dịp để cộng đồng gắn kết, thể hiện lòng biết ơn với thần linh và tổ tiên.

Một số nét văn hóa tiêu biểu của dân tộc Kinh

Dân tộc Kinh có những nét văn hòa đa dạng, phong phú, vô cùng đặc sắc và có nền ẩm thực độc đáo, chứa đựng mọi tinh hoa của dân tộc.

Rượu gạo – Nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam

Rượu gạo Việt Nam hay còn gọi là rượu trắng, là một nét đặc trưng của văn hóa và ẩm thực đất nước, được chưng cất từ nguồn gạo phong phú mà đất đai này ban tặng. Rượu thường được sản xuất tại các xưởng gia đình, rượu gạo không chỉ mang lại hương vị đặc trưng mà còn là biểu tượng của sự gắn kết và chia sẻ trong cộng đồng.

Nét độc đáo trong trang phục truyền thống của người Khmer

Việt Nam có 54 dân tộc cùng sinh sống và mỗi dẫn tộc đều có trang phục truyền thống riêng. Tuy nhiên trang phục dân tộc Khmer có lẽ được xem là nổi bật và cầu kỳ nhất, đặc biệt trang phục truyền thống của phụ nữ Khmer Nam bộ mang nét duyên, nét độc đáo không thể lẫn lộn với bất kỳ một trang phục nào khác.

Độc đáo tục rước dâu của người Dao Thanh Y ở Bình Liêu (Quảng Ninh)

Lễ cưới của người Dao Thanh Y ở Bình Liêu (Quảng Ninh) không chỉ là một nghi thức quan trọng trong đời sống hôn nhân, mà còn mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống với nhiều phong tục đặc sắc hiếm thấy ở các dân tộc khác. Trong đó, Lễ rước dâu là phần đặc biệt nhất, thể hiện sự giao thoa giữa tín ngưỡng, phong tục và tinh thần cộng đồng.

Tết Thanh minh của người Dao

Tết Thanh minh không chỉ là dịp để tưởng nhớ tổ tiên mà còn là một nét văn hóa đặc sắc của nhiều dân tộc thiểu số, trong đó có người Dao Quần Chẹt ở các tỉnh Tuyên Quang, Hòa Bình, Vĩnh Phúc. Đây là dịp để con cháu sum vầy, thể hiện lòng thành kính với bậc tiền nhân, đồng thời lưu giữ những phong tục truyền thống.

Nét văn hóa trong trang phục dân tộc H’mông

Nằm trong một quốc gia đa dân tộc, dân tộc H’mông được coi là một thành viên quan trọng trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Cùng với tiếng nói, chữ viết, trang phục cũng là một trong những chi tiết quan trọng đầu tiên để nhận biết và phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Trang phục truyền thống không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa, mà còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử của từng tộc người.
Top