Mọi người đều biết gia đình là tế bào của xã hội và ai cũng có thể kể ra các chức năng chủ yếu của nó. Tuy vậy, trong thời đại ngày nay, "vận hành" gia đình đi đúng quỹ đạo nâng cao truyền thống, là điều không đơn giản.
Xã hội nông nghiệp coi gia đình ba - bốn - năm thế hệ với con đàn cháu đống cùng chung sống với nhau dưới một mái nhà, như là mô hình mẫu mực để mọi tầng lớp cùng mơ ước noi theo. Thế nhưng giờ đây, ngay trong một thế hệ cũng rất dễ có sự khác biệt do không cùng ngành nghề, dẫn đến địa điểm làm việc, giờ giấc làm việc, giờ giấc nghỉ ngơi không giống nhau. Ðó là chưa kể đến khẩu vị ăn uống cùng biết bao sở thích và nhu cầu cá nhân khác của từng người. Vì vậy, đòi hỏi cả ông bà cha mẹ con cháu... sum họp hằng ngày để dùng chung một "thực đơn" vào những giờ giấc nhất định là điều không thể thực hiện. Và nếu có thì cũng chưa hẳn có lợi cho sự phát triển cả tinh thần và thể chất của đa số thành viên.
Ðáng tiếc là, đã có một bộ phận giới trẻ vì quá đề cao tự do cá nhân, mà quên mất rằng, ông bà cha mẹ họ cũng muốn được tự do theo sở thích, nhu cầu và cung cách sinh hoạt của người cao tuổi. Do đó họ chỉ muốn ông bà cha mẹ phải "tất cả vì con em chúng ta", chịu hy sinh nhiều thứ để thỏa mãn tối đa những đòi hỏi của riêng mình. Có thể người ngoài không can thiệp vào lối sống ích kỷ đó, nhưng gia đình thì không thể bỏ qua.
Cũng có không ít người ở khu vực đô thị khi ăn nên làm ra đã đón cha mẹ ở quê đến ở với mình và cung cấp đầy đủ tiện nghi, ăn uống ... đến mức thừa thãi. Vậy mà các cụ cũng chẳng ở được lâu vì không chịu nổi tình trạng suốt ngày bị "giam lỏng" trong ngôi nhà bê-tông với mấy lần khóa cửa. Xem ra việc chăm sóc cha mẹ già của nhiều gia đình hiện đại cũng đặt ra những vấn đề mà xã hội phải quan tâm.

Từ xưa ông cha ta đã dạy "hảo gia bất như đa điền, đa điền bất như hiền thê, hiền thê bất như hiếu tử", có nghĩa là, nhà đẹp không bằng ruộng nhiều, ruộng nhiều không bằng vợ hiền, vợ hiền không bằng con hiếu. Ðương nhiên chữ hiếu ngày nay có ý nghĩa rộng hơn, bởi vì bên cạnh hiếu với cha mẹ còn phải hiếu với dân. Khi mọi người đều có hiếu với cha mẹ, có hiếu với nhân dân thì chắc chắn sẽ tạo nên một xã hội lành mạnh, ổn định và phát triển.
Cho dù xã hội văn minh không chấp nhận thói gia trưởng, nhưng trong gia đình nhất thiết phải giữ tôn ti trật tự. Tuy nhiên, quan niệm người đàn ông là chủ đã không còn phù hợp, vì ngày càng xuất hiện nhiều phụ nữ có học vấn, năng lực và địa vị cao hơn chồng, hoặc làm ra tiền nhiều hơn chồng, nên không thể nói ai là "trụ cột".
Mặt khác, lớp con cháu giờ đây rất thông minh và nhạy cảm. Do đó mọi công việc trong gia đình hiện đại cần được triển khai và thực hiện với sự đồng thuận của các thành viên, chứ không phải cứ nhất nhất tuân theo sự chỉ huy của ông chủ hay bà chủ. Như vậy cũng là thể hiện sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau để giữ vững và duy trì tình cảm gắn bó mật thiết của mọi người trong gia đình. Ðương nhiên ông bà, cha mẹ cũng gắng phải thể hiện sự gương mẫu để con cháu noi theo và không giáo dục kiểu "thương con cho roi cho vọt".
Không thể phủ nhận một thực tế là, cùng với sự tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, thì có nơi có lúc, đồng tiền đã len lỏi chi phối đến cả mối quan hệ gia đình, làm rạn nứt - thậm chí đổ vỡ - tình cảm anh em, cha con, vợ chồng, mặc dù có nhiều trường hợp chỉ cần một bên liên quan bình tĩnh và sáng suốt thì sẽ không xảy ra vụ việc đáng tiếc.
Ngoài ra, thời gian gần gũi sum họp của các thành viên trong gia đình đang có khuynh hướng ngày càng giảm. Cho nên muốn gìn giữ mối quan hệ gia đình truyền thống mà không để ảnh hưởng đến công tác, học tập, việc làm cũng như sở thích, nhu cầu cá nhân thì nhất thiết phải biết chia sẻ trách nhiệm và cả sự hy sinh nhất định của tất cả mọi người.
Trong một thế giới với vô số kênh thông tin và hình thức dịch vụ, giải trí; đồng thời cũng có nhiều sức ép, thì đối với người Việt Nam ta, vẫn là không ở đâu bằng ở nhà mình. Có điều ngày càng dễ nhận thấy là quy mô gia đình ít con đúng là phù hợp với xã hội hiện đại./.
Nguyễn Sỹ Hồng