banner 728x90

Văn hóa tâm linh-bản sắc Việt

24/05/2024 Lượt xem: 2588

Xã hội phát triển, đời sống vật chất, tinh thần, dân trí ngày càng được cải thiện, nâng cao giúp người Việt đương đại ngày càng hướng tới những giá trị văn hóa và văn minh hơn. Đến nay, tuy chưa có định nghĩa đầy đủ, thống nhất về văn hóa tâm linh, nhưng cơ bản các học giả, nhà khoa học đều cho rằng, văn hóa tâm linh là một dạng thức đặc biệt của văn hóa do con người sáng tạo ra trong quá trình hoạt động vật chất. Giá trị và ý nghĩa lớn nhất mà văn hóa tâm linh mang lại cho con người chính là tinh thần và sự linh thiêng.

Thờ cúng tổ tiên của người Việt

Đối với người Việt, văn hóa tâm linh là đặc trưng văn hóa tinh thần có từ nghìn đời qua, gắn với quá trình dựng nước, giữ nước và phát triển của xã hội. Thế giới văn hóa tâm linh của người Việt được xây dựng theo mô hình “dương sao, âm vậy-trần sao, âm vậy”. Người Việt có tín ngưỡng bách thần: “Thần cây đa, ma cây gạo”, gán cho các thế lực siêu nhiên, các sự kiện chưa giải thích được là các vị thần như: Thần sông, thần núi, thần biển, thần lửa và còn có cả thần bếp, thần tài, thần nhân duyên... Nhân gian có người xấu, người tốt nên các vị thần cũng có thần thiện và thần ác, có thánh thần luôn giúp người và cũng có ma quỷ chuyên hại người.

Trong văn hóa tâm linh Việt Nam, có sự dung hợp giữa các tôn giáo và tín ngưỡng rất rõ ràng. Thời Lý-Trần, Đạo-Phật-Nho (Đạo giáo, Phật giáo, Nho giáo) đã từng gắn với nhau theo một dạng thức Tam giáo đồng quy. Khi xuất hiện tín ngưỡng thờ Mẫu, hầu như trong khuôn viên chùa đều có đền thờ Tam phủ, Tứ phủ và trong rất nhiều nghi thức của tín ngưỡng thờ Mẫu, có những nội dung của Phật giáo.

Biểu hiện văn hóa tâm linh của người Việt vô cùng phong phú, đa dạng. Phổ biến nhất là phong tục thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ, người thân trong mỗi gia đình: “Con người có tổ có tông/ Như cây có cội, như sông có nguồn”. Ở phạm vi cộng đồng là tục thờ cúng thành hoàng, các vị thần, các vị tổ sư, các vị anh hùng đã có công với nước, các danh nhân văn hóa... Do ảnh hưởng của các tôn giáo, người Việt tổ chức xây đền, chùa, miếu, mạo, nhà thờ, giáo đường... và thực hành các nghi lễ cầu cúng. Nhiều công trình, hiện vật liên quan đến văn hóa tâm linh đã trở thành những di sản văn hóa, lịch sử quý giá; nhiều lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền, dân tộc; nhiều công trình văn hóa tâm linh được xây dựng ở những địa điểm có phong cảnh thiên nhiên đẹp, kỳ thú trở thành những điểm du lịch hấp dẫn...

Nghi thức hành lễ tại đền Mẫu Âu Cơ trong Giỗ Tổ Hùng Vương

Có thể nói, đối với người Việt, văn hóa tâm linh là sợi dây cố kết cộng đồng, lưu giữ truyền thống, giáo dục lòng nhân ái, vị tha, ý thức hướng thiện. Nó là chỗ dựa về mặt tinh thần, xoa dịu những đau thương mất mát, đem lại niềm tin vào những điều tốt đẹp, cao cả, thiêng liêng, giúp con người vượt qua khó khăn, đem lại sự thanh thản, cân bằng trong tâm hồn.

Hiện nay nhiều người cho rằng, văn hóa tâm linh bao hàm những giá trị tinh thần với những đặc tính cao siêu, phi thường, là cứu cánh của nhân loại, của khoa học. Trong đời sống đương đại của người Việt, các hiện tượng lợi dụng văn hóa tâm linh để kiếm tiền xuất hiện với chiều hướng gia tăng. Ở tầm cao, hiện tượng này xuất hiện với sự tổ chức quy mô, bài bản, đó là tình trạng xây dựng các dự án, siêu dự án du lịch tâm linh hoành tráng. Từ những ngôi chùa cổ, ngôi miếu cổ rất nhỏ bé trong một làng nhỏ ở nơi “thâm sơn cùng cốc”, họ đã lập các dự án hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng các ngôi chùa bề thế với tượng phật to lớn bằng vật liệu quý hiếm. Nói một cách khác, họ đã thần thánh hóa những vật thể này để kéo du khách đến cúng lễ và tham quan, qua đó thu phí làm giàu.

Lên đồng, hầu đồng vốn là nhu cầu tâm linh, hình thức sinh hoạt tín ngưỡng dân gian tốt đẹp có từ lâu đời của người Việt nhưng đã bị biến tướng với các giá đồng gồm lễ vật tới hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng. Từ khi di sản Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt chính thức được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2016 thì hiện tượng hầu đồng biến tướng, “đồng fake” phát triển như nấm mọc sau mưa. Theo các nhà nghiên cứu, ngày xưa các cụ đi hầu đồng đơn giản, chỉ mặc có một cái áo màu trắng hoặc màu đỏ và không có tiền lộc, chỉ mấy quả táo nhỏ, một quả bưởi, mấy củ đậu, vài cái kẹo bột, cái oản... để trên cái đĩa thư hương.

Để giải quyết tình trạng lợi dụng văn hóa tâm linh để trục lợi thì các cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Quá trình thực thi cần phát hiện ra những bất cập để kịp thời bổ sung, điều chỉnh, quản lý, không cho các hiện tượng làm vấy bẩn văn hóa tâm linh xuất hiện. Tăng cường tuyên truyền, phê phán các hiện tượng mê tín dị đoan, lợi dụng văn hóa tâm linh trục lợi. Văn hóa tâm linh là một phần làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam.

Ban Nghiên cứu văn hóa

 

Tags:

Bài viết khác

Nhạc cụ truyền thống trong hát Chầu Văn

Hát Chầu văn hay còn được gọi là hát văn hay hát hầu đồng là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền và một phần tín ngưỡng thờ Mẫu của văn hóa Việt Nam. Đây là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (tín ngưỡng thờ Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuần), một tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Nét văn hóa tâm linh trong kiến trúc nhà thờ họ

Kiến trúc nhà thờ họ là biểu tượng vật chất đậm nét văn hóa phi vật thể của các tộc họ ở Việt Nam. Đây là nơi lưu giữ giá trị, tổ chức, quan hệ, và thành tựu của mỗi dòng tộc qua nhiều thế hệ. Theo truyền thống, nhà thờ họ thường được xây dựng theo cấu trúc đơn giản nhưng hài hòa, mang đậm nét riêng của văn hóa dân gian.

Vai trò và ý nghĩa của nhà thờ họ tại Việt Nam

Nhà thờ tổ hay từ đường là một ngôi nhà dành riêng cho việc thờ cúng tổ tiên của một dòng họ hay từng chi họ tính theo phụ hệ (dòng của cha). Nhà thờ họ phổ biến trong văn hóa người Việt tại khu đồng bằng và trung du Bắc Bộ và Trung Bộ.

Tứ quý trong tranh dân gian Đông Hồ

Tranh Tứ quý thuộc loại tứ bình (bốn bức) khổ lớn, vẽ cảnh tứ thời: Xuân, hạ, thu, đông. Mỗi mùa có một loài cây, loài hoa đặc trưng. Mùa xuân: hoa mai, hoa lan, hoa đào. Mùa hạ: hoa sen, hoa hồng, hoa lựu. Mùa thu: hoa cúc, hoa phù dung. Mùa đông: cây trúc, cây thông (tùng).

Cỗ và mâm cỗ truyền thống của người Việt

Mâm cỗ ở mỗi vùng quê Việt Nam có hương vị riêng nhưng bao giờ cũng vậy, mỗi mâm có 4 hoặc 6 người. Thông thường người ta kiêng ngồi 5 người, ở mâm cỗ có ít nhất hai người thân nhau, cũng có khi 3 cặp đều thân nhau thành một cỗ. Người nhà chủ tế nhị mời những người ăn ý với nhau vào một cỗ, sàn sàn lứa tuổi với nhau vào cùng mâm. Những người có tửu lượng mạnh hoặc nhẹ vào một cỗ, những người bằng vai phải lứa với nhau vào một cỗ. Đàn ông vào cỗ với nhau, còn đàn bà ngồi với đàn bà.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ Việt Nam

Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều mang trong mình những nét văn hóa riêng. Văn hóa là cái gốc cho sự phát triển, phồn thịnh của một đất nước. Việt Nam là một dân tộc mang một nền văn hóa đậm đà bản sắc, đa dạng và phong phú. Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam từ lâu đã đóng vai trò quan trọng đối với người dân Việt, văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội và tâm thức người dân.

Tín ngưỡng dân gian trong lễ hội cổ truyền ở Việt Nam

Tín ngưỡng dân gian đóng vai trò quan trọng trong các lễ hội cổ truyền của Việt Nam, thể hiện bản sắc văn hóa, tâm linh và lòng tôn kính đối với các thế lực siêu nhiên, Tổ tiên, thần thánh. Bài viết tìm hiểu một số đặc điểm nổi bật về tín ngưỡng dân gian trong các lễ hội cổ truyền của người Việt, đặc biệt, lễ hội liên quan đến tín ngưỡng dân gian như: tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng vạn vật hữu linh, tín ngưỡng thờ Thành hoàng, tín ngưỡng thờ Tổ tiên, tín ngưỡng thờ Mẫu...

Ý nghĩa và mục đích của tục “Bán khoán con lên chùa”

Bán khoán con cho chùa là một tín ngưỡng dân gian, một hình thức gửi gắm về mặt tâm linh. Có hai hình thức bán khoán con lên chùa: Bán khoán đến hết năm 12 tuổi rồi “chuộc” con ra, hoặc là bán khoán trọn đời. Từ xưa đến nay, nhiều gia đình quan niệm, khi sinh con ra, đứa trẻ hay đau yếu, khóc lóc không phải là do bị bệnh từ thân hoặc những đứa trẻ sinh vào giờ kỵ, ngày phạm (tức ngày mùng 1, 5, 8, 15, 23, 24, 28 và ngày 30 Âm lịch).
Top