Người Nùng ở Cao Bằng có tục uống rượu bằng thìa trong các dịp đám cưới, vào nhà mới, mừng thọ hoặc mỗi khi có khách đến chơi nhà hay có thức ăn ngon, thìa rượu luôn “mở đầu câu chuyện”.
Tục uống rượu bằng thìa của người Nùng
Người Nùng chuẩn bị chén và bát uống rượu bằng sứ màu trắng có hoa văn đẹp mắt. Khi đã có đầy đủ rượu và thìa, mọi người bắt đầu tiệc rượu. Chủ nhà sẽ ngồi dưới bàn thờ, còn khách sẽ ngồi xung quanh, tránh chỗ thờ cúng của gia chủ. Trước khi uống rượu, người chủ mâm (thường là chủ nhà) sẽ nói lời tỏ bày niềm vui khi khách đến chơi nhà. Những người cao tuổi được mời uống trước, sau đó là anh em trong gia đình, bạn bè. Khi người mời rượu muốn mời ai đó thì một tay cầm thìa múc rượu trong bát, tay kia đỡ lấy tay cầm thìa và từ từ di chuyển đến người mình muốn mời. Người được mời cũng đáp lại tình cảm của bạn rượu bằng hành động tương tự. Cả hai người sẽ tự tay bón rượu cho nhau như một cử chỉ đón và trao gửi tình cảm của người mời và người được mời.
Thìa không đơn thuần là vật dụng để uống rượu, mà nó còn được người Nùng sử dụng để thờ cúng tổ tiên. Trên bàn thờ thường có ba cái thìa (như dân tộc Kinh dùng 3 cái chén). Trong những ngày lễ, Tết, ngày rằm và các ngày thờ cúng tổ tiên, ông bà, người dân thường dùng và rót rượu vào thìa ba lần mỗi lần rót là một lần đọc lời cúng. Trong các dịp làm lễ mừng thọ, vào nhà mới, tang ma thì thủ tục cúng rượu có phần phức tạp hơn. Người Nùng phải dùng 16 thìa rượu để cúng thần bếp, thần cửa và tỏ lòng thành với ông bà, cha mẹ.
Tục uống rượu bằng thìa của người Nùng huyện Quảng Uyên (Cao Bằng) là nét đẹp văn hóa, thể hiện tính cộng đồng, làng xã, tinh thần hòa hợp, đoàn kết trong sản xuất cũng như trong đời sống sinh hoạt.
Theo báo dân tộc