Trong 12 con giáp thì rắn là loài vật mà người ta xem là đáng sợ nhất. Song nếu xem xét nguồn gốc về rắn và tục thờ thần rắn của con người Việt thì rắn là một loài động vật đem đến cho con người những điều thú vị nhất. Từ thuở khai sinh lập địa, nhiều loài vật đã đi vào đời sống văn hoá của nhân loại và trở thành những hình tượng biểu trưng hết sức thiêng liêng. Bằng nhiều cách thức và sự biểu hiện khác nhau nhưng mỗi loài trong đó đều mang những ý nghĩa biểu trưng nhất định và đại diện cho một loại hình văn hóa, tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống và đại diện cho sức mạnh vô hình.
Nhưng xét về mặt ý nghĩa biểu trưng thì không có không có loài vật nào có đầy đủ các yếu tố như loài Rắn. Rắn đã trở thành loài vật linh thiêng, đại diện cho một thế lực siêu nhiên có thể giải quyết được toàn bộ những ước muốn, nguyện vọng cần thiết nhất của con người.
Một trong những quốc gia cổ xưa nhất được ghi nhận về sự hiện diện của tín ngưỡng thờ rắn là quốc gia Ai Cập. Người Ai Cập cổ xem rắn là một con vật linh thiêng, như một vị thần tối linh. Rắn biểu trưng cho sự khôn ngoan, thiêng liêng, cho nguồn năng lượng và sự sáng tạo, sự tái sinh, bất tử, vĩnh cửu. Đối với người theo đạo Hindu Ấn Độ, rắn như một biểu tượng của thần thánh, nó đã đi sâu vào tôn giáo của người Blamon. Họ có một lễ hội của rắn, trong lễ hội, người ta chia phần gạo của mình cho các con rắn với hy vọng điều này sẽ giảm bớt những rủi ro và mang lại những điều tốt đẹp.
Tục thờ Rắn là một trong những tín ngưỡng nguyên thủy của người Việt và được lưu truyền cho đến tận ngày nay. Xuất phát từ môi trường tự nhiên gắn liền với điều kiện sông nước, đầm phá, ao hồ, khe suối,.... bản chất của cư dân nông nghiệp lại cần tới nước để tưới tiêu nên người ta rất tôn sùng nước và cần một thế lực đủ mạnh để cai quản nguồn nước, dẫn đến tục thờ rắn đại diện cho thủy thần. Trong quá trình phát triển của lịch sử, sự thay đổi về điều kiện địa lí và văn hóa xã hội, tín ngưỡng thờ rắn đã được khoác thêm nhiều lớp văn hóa muộn hơn và ít nhiều có biến đổi cho phù hợp với từng khu vực, thời kỳ khác nhau. Không chỉ xem rắn với tư cách là thần, người Việt còn chọn rắn làm vật tổ. nở ra trăm con…. đã phản ánh ít nhiều tại sao con người ta lại lấy rắn làm vật tổ.
Đền Cấm Tuyên Quang nơi thờ thần rắn
Ở Bắc bộ, tục thờ thần rắn cũng khá phổ biến, thể hiện qua hệ thống đền thờ rắn ở dọc theo các con sông lớn như: Sông Hồng, Sông Đuống, Sông Cầu, có đến 316 ngôi đền thờ thần rắn. Điều đặc biệt là các ngôi đền này đều thờ một cặp rắn: Ông Dài, Ông Cụt như dân gian vẫn truyền. Qua các di tích, lễ hội như: Thần tích và hội làng Linh Đàm thờ vị thủy thần Bảo Ninh, Hội làng Thủ Lệ, Hội làng Nhật Tân (thờ Uy Linh Đại Vương, vốn là anh cả của bảy anh em rắn thần, sau đó đầu thai làm hoàng tử Uy Đô Linh Lang) cũng thể hiện những dấu vết của tín ngưỡng thờ rắn, Hội làng Yên Nội ở Từ Liêm, Hà Nội thờ Thổ Lệnh Bạch Hạc Tam Giang; Hội làng và truyền thuyết Thánh Tam Giang ở Bắc Ninh…
Với khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ, rắn cũng là một vị thần được thờ chính của bà con dân tộc Chăm ở khu vực Ninh Thuận và Bình Thuận, với hình tượng con rắn thần Naga được tượng trưng cho sức mạnh của thần Si Va. Người Khơme Nam Bộ cũng cũng thờ thần rắn Naga của người Chăm Nam trung Bộ nhưng người Khmer thờ thần rắn với niềm tin thần là người làm chủ nguồn nước, sẽ tạo ra mưa thuận gió hòa cho các cư dân nông nghiệp lúa nước Đông Nam Á (Naga cũng có nghĩa là thần mưa, tạo mưa cho vạn vật sinh sôi).
Khu vực Miền Trung bộ, tín ngưỡng thờ thần rắn cũng được nhiều dân tộc tôn thờ và xem đó là một con vật hết sức linh thiêng, có thể hô phong hoán vũ. Người Mường ở Thanh Hóa có một ngôi đền thờ thần Rắn được biết đến hiện nay ở thôn Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thuỷ. Tại đây có một dòng suối rất nhiều cá gọi là suối Cá Thần. Tương truyền, cá ở đây do một thần Rắn bảo hộ, che chở. Người dân tin rằng, ai làm hại tới những con cá sống ở đây thì sẽ chuốc lấy những hậu quả khôn lường.
Trong khi đó, ở Nghệ An cũng có rất nhiều đền thờ rắn, chỉ tính riêng địa bàn 2 huyện Diễn Châu và Yên Thành có tới 9 ngôi đền thờ thần rắn, song có 3 ngôi đền, tiểu biểu gắn với tục thờ thần rắn rất rõ nét và đó là đền Canh ở xã Đức Thành, huyện Yên Thành, Đền Sò (nay thuộc thị trấn Diễn Châu) và đền Đức Thánh Cả (đền thần rắn) ở xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu.
Tóm lại, tục thờ rắn là tín ngưỡng tự nhiên đã có từ lâu đời của người Việt. Xuất phát từ quá trình lao động, sản xuất và sự khao khát chinh phục và lý giải các hiện tượng tự nhiên, đi kèm với sự khao khát đó là mong muốn được bình an. Vì vậy, người ta đã nhân cách hóa rắn thành thần và cho đó là vật thiêng đại diện cho một thế lực có thể giải quyết được vấn đề mà con người chưa bao giờ lý giải được đó là sự sợ hãi trước hiện tượng tự nhiên và cứ thế người ta tập trung lại để cầu nguyện hàng năm, với các vật hiến tế, thậm chí là cả phụ nữ đồng trinh để dâng cho thần linh để làm sao cho con người tránh được mọi tai ương để có thể tồn tại.
Ban Nghiên cứu văn hoá