Tết Đoan Ngọ là một trong những ngày tết gắn liền với văn hóa, truyền thống của người Việt Nam. Vào ngày 5/5 âm lịch hằng năm trong mỗi gia đình sẽ cùng nhau thực hiện phong tục ngày tết Đoan Ngọ mong muốn có được cuộc sống sung túc và bình an
Theo quan niệm của người Việt Nam vì Tết Đoan Ngọ trong giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh dễ phát sinh. Vào ngày này, dân gian có nhiều tục trừ trùng, phòng bệnh. Hiện ở một địa phương vẫn còn giữ nếp xưa, rất coi trọng ngày Tết này. Sau Tết Nguyên Đán, có lẽ "Tết diệt sâu bọ" là cái Tết sum họp đầm ấm nhất và có nhiều tục lệ gắn kết với đời sống của người dân nhất.
Bên cạnh đó, vào thời điểm này, trái cây, hoa lá bắt đầu đơm hoa kết trái mong một mùa bội thu. Chính vì điều đó, hoa quả là thứ đồ cúng không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ. Người ta quan niệm rằng, đây là thời điểm quả trên cây, lá trên cành bắt đầu đơm hoa kết trái và cúng tổ tiên để mong một mùa bội thu. Ngoài ra, tùy theo đặc điểm và tập quán mỗi vùng, người dân Việt Nam cũng sẽ có những mâm cúng khác nhau như quả chua, rượu nếp, bánh tro,... Sau khi kết thúc buổi lễ cả nhà quây quần ăn những thứ lễ cúng ấy để diệt trừ" sâu bọ", xua đuổi hết bệnh tật.
Trong ngày Tết Đoan Ngọ người ta thường có những tục lệ khác nhau như: vào giờ Ngọ (12h trưa, mùng 5/5), người dân tại các vùng thôn quê sẽ rủ nhau đi hái lá. Bởi lẽ, đây là thời khắc có dương khí và mặt trời tỏa ánh nắng tốt nhất. Do đó, lá cây được hái vào giờ này sẽ có tác dụng chữa trị nhiều bệnh như các bệnh ngứa ngoài da, đường ruột hay cảm mạo.
Dịp Tết Đoan Ngọ, người lớn thường đeo cho trẻ nhỏ chùm bùa ngũ sắc. Túi vải hình vuông đựng hạt mùi khô ở ngực, buộc chỉ ngũ sắc ở cổ tay và cổ chân. Dân gian tin rằng: Chỉ ngũ sắc ứng với màu ngũ hành giúp trừ tà; bột hùng hoàng có tác dụng xua đuổi rắn, rết; hạt mùi kỵ gió; trái cây ngụ ý giết sâu bọ.
Theo quan niệm người xưa, túi thơm không chỉ có tác dụng khử ẩm quần áo mà còn giúp tinh thần thoải mái, chống côn trùng hiệu quả. Người Việt xưa thường may túi thơm bằng lụa ngũ sắc và dần trở thành một phong tục phổ biến trong dân gian
Cũng có nơi người ta nhuộm móng chân, móng tay cho con trẻ. Chất liệu để nhuộm móng là cây lá móng. Lá móng sau khi lấy về sẽ được giã nhỏ, thêm vài giọt nước chanh, trộn đều rồi đắp vào các móng tay (trừ móng tay trỏ) và móng chân.
Ban Nghiên cứu Văn hóa