Theo nếp xưa, người Việt Nam ngày nay vẫn thường dâng lễ ở các đình, đền, miếu, phủ để tỏ lòng tôn kính, biết ơn các bậc Tôn thần đã có công với đất nước và cầu mong được phù hộ độ trì. Dâng lễ ở các đình, đền, miếu, phủ có những nguyên tắc nhất định mà mọi người ai cũng phải tuân theo.
Theo lệ thường, phải lễ thần Thổ địa, Thủ đền trước, gọi là lễ trình. Gọi là lễ trình vì đó là lễ cáo Thần linh Thổ Địa nơi mình đến dâng lễ cho phép được tiến hành lễ tại đình, đền, miếu, phủ. Sau đó, người ta sửa sang lễ vật một lần nữa. Mỗi lễ đều được sắp bày ra các mâm và khay chuyên dùng vào việc cúng lễ tại đình, đền, miếu, phủ. Kế đến là đặt lễ vào các ban thờ. Khi dâng lễ phải kính cẩn dùng hai tay dâng lễ vật, đặt cẩn trọng lên ban thờ. Cần đặt lễ vật lên ban chính trước, rồi trở dần ra ban ngoài cùng. Chỉ sau khi đã đặt xong lễ vật lên hết các ban thì mới được thắp hương. Khi làm lễ, cần phải lễ từ ban thờ chính đến ban ngoài cùng. Thường lễ ban cuối cùng là ban thờ cô, thờ cậu. Trước khi khấn thường có thỉnh chuông. Thỉnh ba hồi chuông. Thỉnh chuông xong thì mới khấn lễ. Có thể đọc văn khấn, sớ trình trước các ban, hoặc chỉ cần đặt văn khấn, sớ trình lên một cái đĩa nhỏ, rồi đặt vào mâm lễ dâng cúng cũng được. Sau khi khấn xong, đợi hết một tuần nhang thì tiến hành hạ lễ. Trước khi hạ lễ phải hoá tiền, vàng. Khi hạ lễ thì hạ từ ban ngoài cùng vào đến ban chính./.
Ban Nghiên cứu Tôn giáo