banner 728x90

Tranh và Tranh thờ trong tín ngưỡng thờ Mẫu

26/09/2024 Lượt xem: 2889

So với bất cứ một hình thức tín ngưỡng và tôn giáo hiện có, trong tín ngưỡng thờ Mẫu tất cả các vị Thánh trong điện Thần từ Ngọc Hoàng, Thánh Mẫu, tới các hàng Quan, Chầu, Ông Hoàng, Cô, Cậu thậm chí cả Ngũ Hổ và Ông Lốt (rắn) đều được hình tượng hóa bằng hệ thống các tượng, tranh vẽ và diễn xướng Thánh giáng Đồng. Nói cách khác, mỗi vị Thánh đều có tượng đắp, tranh vẽ, có những giờ phút giáng đồng với hình hài, trang phục, động tác, lời phán truyền. Bởi thế, có thể nói tín ngưỡng thờ Mẫu là thứ tín ngưỡng hình tượng.

Cho tới nay ở nước ta chưa có công trình nghiên cứu nào đề cập trực tiếp tới hệ thống tượng thờ Mẫu Tứ phủ. Bởi thế, từ góc độ văn hóa và tín ngưỡng, chúng tôi chỉ có thể nêu những nhận xét bước đầu về lĩnh vực còn mới mẻ này.

Không có ngôi đền phủ thờ Mẫu Tứ phủ nào lại không có tượng. Tuy nhiên, tùy theo từng ngôi đền vị Thánh nào là chính thì tượng vị Thánh đó làm to, đẹp hơn và thường là đặt ở vị trí trang trọng. Trong quần thể các di tích Phủ Dầy, nơi thờ chính của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, ngoài tượng Thánh Mẫu được đặt trang trọng ở hậu cung thì còn có hàng trăm bức tượng khác của các vị thần thánh thuộc điện thần Tứ phủ. Những đền, phủ ở các nơi khác cũng vậy.

Tuy hệ thống tượng khá phong phú, những tượng thờ Mẫu là những tượng từng có niên đại khá muộn, không có bức nào có niên đại trước giữa thế kỷ XIX, phần nào đó trùng khớp với thời gian xây dựng và trùng tu lớn các đền phủ. Nếu truy về gốc gác xa hơn thì tượng Mẫu Tứ phủ đặt trong chùa cũng chỉ khoảng thế kỷ XVI. Còn nữ hình tượng Quan Âm (có nơi gọi là Quan Âm Thánh Mẫu) thì cũng chỉ mới có hình tượng cách đây 150 năm (theo nhà nghiên cứu Trần Lâm Biên). Vào phía Nam, tới Tháp Bà Nha Trang, tới Linh Sơn Thánh Mẫu – Bà Đen (Tây Ninh) hay điện Bà Chúa Xứ ở Núi Sam, An Giang thì tượng thờ Mẫu lại mang sắc thái riêng, thể hiện tính hỗn dung và hội nhập văn hóa Việt – Chăm, Việt – Khmer. Nói cách khác, những bức tượng Mẫu đang được người Việt thờ cúng ở các nơi kể trên đều có nguồn gốc là tượng Chăm, tượng Khmer, được “phủ” ra ngoài sắc thái Việt và trở thành Mẫu của người Việt.

Hệ thống thần linh trong thần điện của tín ngưỡng Thờ Mẫu Tứ Phủ với đầy đủ các hàng: Chư phật, Vua Cha, Thánh Mẫu, Quan Lớn, Tứ Phủ Chầu Bà, Tứ Phủ Ông Hoàng, Thánh Cô và Thánh Cậu.

Tượng Mẫu Tứ phủ ở các đền, phủ phía Bắc đều tạc bằng gỗ rồi sơn son thếp vàng giống như nhiều tượng thờ khác. Tượng ba hay bốn vị Thánh Mẫu tạc phong cách các nữ thần nông nghiệp, đẹp, phúc hậu, nghiêm chỉnh, nhưng lại mang tính tượng trưng. Những bức tượng của các vị thần thấp hơn, nhất là các vị hàng Chầu, hàng Cô, Cậu…thì tính tượng trưng cũng giảm đi, những nét mang cá tính thấy rõ hơn. Cũng dễ hiểu, vì đó là những hóa thân của Mẫu trong thế giới trần gian. Khi giáng đồng cũng vậy, Thánh Mẫu chỉ giáng chứ không nhập nên các giá Mẫu không mở khăn, không làm việc Thánh, còn từ các giá hàng Quan trở xuống thì Thánh nhập đồng, bước ra để làm việc Thánh hệt như người trần.

Tượng các Thánh trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, từ nét mặt đến cách thức phục trang đều khá hiện thực, không khác mấy với người đời. Nét mặt đẹp, phúc hậu, đầu đội hay trùm khăn, tay cầm quạt… tuy mang tính tượng trưng nhưng đó là tượng trưng của con người trong đời sống hiện hữu, không cao sang như vua chúa trong triều, mà bình dị hơn, có nét hao hao như Bà, như Ông ta vậy. Bởi lẽ suy cho cùng những tượng Mẫu này thể hiện những giấc mơ, những khát vọng, quan niệm thẩm mỹ của người nông dân vùng quê.

Có một số lượng đáng kể những tượng Mẫu được thờ cúng trong các ngôi chùa, như tượng Tam Tòa Thánh Mẫu, Vua Cha, các Quan các Ông Hoàng, các Cô, Cậu… nhưng theo Trần Lâm Biên thì điện Mẫu và những bức tượng này cũng chỉ hiện hữu trong các ngôi chùa muộn, vào khoảng thế kỷ XIX - XX, chưa thấy ngôi chùa có điện Mẫu và tượng Mẫu có niên đại sớm hơn.

Trong các Đền phủ, ngoài tượng thờ còn có tranh thờ. Đây là những tranh thờ dân gian, chất liệu và phong cách vẽ mang tính chất dân gian rõ rệt. Đây là những bức tranh được vẽ, được in bán tại lò tranh Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng  quen thuộc như bao tranh dân gian khác. Trong bộ tranh thờ Mẫu Tứ phủ này có nhiều bức:

Tranh “Tứ phủ” vẽ thành nhiều lớp. Trên cùng là Phật, sau đến Ngọc  Hoàng – Tứ vị Ngọc Hoàng (trời, đất, nước, rừng núi), lớp thứ ba là Tam Tòa Thánh Mẫu, sau nữa là Ngũ vị Ông Hoàng, dưới Ông Hoàng là Tứ vị Thánh Mẫu (các Chầu), lớp thứ tư là Cậu Quận và cuối cùng là Bát vị Thành Cô. Bức tranh này đã nêu một cách khái quát nhất điện thần Tứ phủ.

Tranh Tam phủ thì lại vẽ thành ba lớp. Lớp trên cùng Phật Kim Đồng và Ngọc Nữ chầu hai bên. Lớp thứ hai là Ngọc Hoàng: Ba vị Ngọc Hoàng có Nam Tào và Bắc Đẩu chầu hai bên. Lớp thứ ba là Bốn vị Thánh Mẫu (trời, đất, nước, rừng núi).

Tranh Ngũ Hổ hàng Trống được vẽ đẹp mắt, tinh xảo.

Có những bức tranh vẽ riêng từng Thánh Mẫu, như tranh Thánh Mẫu Thượng Thiên cai quản vùng trời xung quanh có 12 cô tiên nữ chầu xung quanh. Tranh Thánh Mẫu Thượng Ngàn (cai quản vùng núi) ngồi trên võng, hai đầu võng mắc vào hai chạc cây, xung quanh có 12 tiên nữ đứng chầu. Tranh Đức Mẫu Thoải (cai quản sông nước) ngồi trên sập xung quanh có tiên nữ đứng chầu. Ngoài ra còn có bức tranh: Ông Hoàng cưỡi ngựa cầm quân, tranh Ông Hoàng cưỡi cá (hay rắn), tranh Cậu Quận cưỡi ngựa. Đặc biệt hơn cả là phải kể tới tranh Ngũ Hổ hay còn gọi là tranh Ông Năm Dinh, vẽ 5 con hổ màu sắc khác nhau, trong đó Hoàng Hổ, tướng quân màu vàng trấn nhậm trung khu (Địa khu), Hắc hổ tướng quân màu đen trấn nhậm Bắc khu (Thủy khu), Bạch hổ tướng quân màu trắng trấn nhậm Tây khu (Kim khu), Xích hổ tướng quân màu đỏ trấn nhậm Nam khu (Hỏa khu) và Thanh hổ tướng quân màu xanh trấn nhậm Đông khu (Mộc khu). Trong thờ Mẫu Tứ phủ và trong tín ngưỡng dân gian khác, Hổ là con vật tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng có thể trấn giữ, xua đuổi tà ma.

Màu sắc của tranh thờ Tứ phủ dùng 5 màu chính: xanh, vàng, đỏ, trắng, đen tức là ngũ sắc theo quan niệm ngũ hành, ngũ phương. Bên cạnh đó còn dùng các màu vàng kim, bạch kim óng ánh để điểm xuyết, gây cảm giác tươi sáng, rực rỡ, lộng lẫy vốn là màu sắc chủ đạo của tín ngưỡng này. Bố cục của tranh thờ không phụ thuốc vào quy luật viễn cận, mà thường là tùy theo chủ đề, nhân vật mà người nghệ nhân muốn thể hiện để quy định mức độ to nhỏ, nhằm gây những ấn tượng cho người xem tranh.

Trong số các tranh thờ này, có những bức tranh đạt giá trị nghệ thuật cao, điển hình là tranh Ngũ Hổ, tranh Hắc Hổ. Ở đây có sự kết hợp bố cục tranh 5 con Hổ rất chặt chẽ, các dáng ngồi của Hổ tiềm tàng sức mạnh, các đường nét và màu sắc khi thể hiện râu, nét mặt, ánh mắt rất sinh động. Có thể coi bức tranh Ngũ Hổ này như là một trong những tuyệt tác của nghệ thuật tranh dân gian.

Ban Nghiên cứu VHTN phía Nam

 

 

Tags:

Bài viết khác

Nhạc cụ truyền thống trong hát Chầu Văn

Hát Chầu văn hay còn được gọi là hát văn hay hát hầu đồng là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền và một phần tín ngưỡng thờ Mẫu của văn hóa Việt Nam. Đây là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (tín ngưỡng thờ Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuần), một tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Nét văn hóa tâm linh trong kiến trúc nhà thờ họ

Kiến trúc nhà thờ họ là biểu tượng vật chất đậm nét văn hóa phi vật thể của các tộc họ ở Việt Nam. Đây là nơi lưu giữ giá trị, tổ chức, quan hệ, và thành tựu của mỗi dòng tộc qua nhiều thế hệ. Theo truyền thống, nhà thờ họ thường được xây dựng theo cấu trúc đơn giản nhưng hài hòa, mang đậm nét riêng của văn hóa dân gian.

Vai trò và ý nghĩa của nhà thờ họ tại Việt Nam

Nhà thờ tổ hay từ đường là một ngôi nhà dành riêng cho việc thờ cúng tổ tiên của một dòng họ hay từng chi họ tính theo phụ hệ (dòng của cha). Nhà thờ họ phổ biến trong văn hóa người Việt tại khu đồng bằng và trung du Bắc Bộ và Trung Bộ.

Tứ quý trong tranh dân gian Đông Hồ

Tranh Tứ quý thuộc loại tứ bình (bốn bức) khổ lớn, vẽ cảnh tứ thời: Xuân, hạ, thu, đông. Mỗi mùa có một loài cây, loài hoa đặc trưng. Mùa xuân: hoa mai, hoa lan, hoa đào. Mùa hạ: hoa sen, hoa hồng, hoa lựu. Mùa thu: hoa cúc, hoa phù dung. Mùa đông: cây trúc, cây thông (tùng).

Cỗ và mâm cỗ truyền thống của người Việt

Mâm cỗ ở mỗi vùng quê Việt Nam có hương vị riêng nhưng bao giờ cũng vậy, mỗi mâm có 4 hoặc 6 người. Thông thường người ta kiêng ngồi 5 người, ở mâm cỗ có ít nhất hai người thân nhau, cũng có khi 3 cặp đều thân nhau thành một cỗ. Người nhà chủ tế nhị mời những người ăn ý với nhau vào một cỗ, sàn sàn lứa tuổi với nhau vào cùng mâm. Những người có tửu lượng mạnh hoặc nhẹ vào một cỗ, những người bằng vai phải lứa với nhau vào một cỗ. Đàn ông vào cỗ với nhau, còn đàn bà ngồi với đàn bà.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ Việt Nam

Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều mang trong mình những nét văn hóa riêng. Văn hóa là cái gốc cho sự phát triển, phồn thịnh của một đất nước. Việt Nam là một dân tộc mang một nền văn hóa đậm đà bản sắc, đa dạng và phong phú. Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam từ lâu đã đóng vai trò quan trọng đối với người dân Việt, văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội và tâm thức người dân.

Tín ngưỡng dân gian trong lễ hội cổ truyền ở Việt Nam

Tín ngưỡng dân gian đóng vai trò quan trọng trong các lễ hội cổ truyền của Việt Nam, thể hiện bản sắc văn hóa, tâm linh và lòng tôn kính đối với các thế lực siêu nhiên, Tổ tiên, thần thánh. Bài viết tìm hiểu một số đặc điểm nổi bật về tín ngưỡng dân gian trong các lễ hội cổ truyền của người Việt, đặc biệt, lễ hội liên quan đến tín ngưỡng dân gian như: tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng vạn vật hữu linh, tín ngưỡng thờ Thành hoàng, tín ngưỡng thờ Tổ tiên, tín ngưỡng thờ Mẫu...

Ý nghĩa và mục đích của tục “Bán khoán con lên chùa”

Bán khoán con cho chùa là một tín ngưỡng dân gian, một hình thức gửi gắm về mặt tâm linh. Có hai hình thức bán khoán con lên chùa: Bán khoán đến hết năm 12 tuổi rồi “chuộc” con ra, hoặc là bán khoán trọn đời. Từ xưa đến nay, nhiều gia đình quan niệm, khi sinh con ra, đứa trẻ hay đau yếu, khóc lóc không phải là do bị bệnh từ thân hoặc những đứa trẻ sinh vào giờ kỵ, ngày phạm (tức ngày mùng 1, 5, 8, 15, 23, 24, 28 và ngày 30 Âm lịch).
Top