banner 728x90

Tín ngưỡng thờ Nữ thần trong dòng chảy văn hóa Việt

27/06/2024 Lượt xem: 2612

Trong tín ngưỡng của người Việt và một số dân tộc anh em, việc tôn thờ Nữ thần, thờ Mẫu thần là một hiện tượng khá phổ biến và có căn cỗi lịch sử và xã hội sâu xa. Tuy đều là sự tôn sùng của các thần linh nữ tính, nhưng giữa thờ Nữ thần với thờ Mẫu thần và Mẫu Tam phủ, Tứ phủ không hoàn toàn đồng nhất, mà chúng có quá trình phát triển, phản ánh nhận thức cũng như cơ sở phát triển xã hội Việt Nam.

Chúng tôi muốn xem xét những cơ sở  xã hội và lịch nào đã tạo điều kiện cho sự tồn tại một cách mạnh mẽ và dai dẳng các tục thờ cúng trên, xem xét những tương đồng; cũng như việc thờ Mẫu trong bối cảnh chung của tín ngưỡng dân dã ở làng quê Việt Nam.

Ở nước ta chưa có ai thống kê một cách đầy đủ các Nữ thần được nhân dân tôn vinh và thờ cúng. Tuy vậy, ta không ngần ngại khi cho rằng việc thờ cúng này có từ rất lâu đời và khá phổ biến trong dân chúng. Có lẽ cuốn sưu tập đầu tiên về các vị thần Nữ là sách Các Nữ thần Việt Nam của Đỗ Thị Hảo và Mai Thị Ngọc Chúc. Các tác giả đã giới thiệu sơ lược huyền thoại và thần tích 75 vị Nữ thần tiêu biểu của nước ta. Sau này, còn có nhiều tác giả khác đã để thời gian sưu tầm và biên soạn các cuốn sách về nữ thần ở Việt Nam.

Đây là công việc rất đáng hoan nghênh, tuy khá nhiều các Nữ thần còn chưa được đề cập đến. Người xưa đã từng tập hợp các vị Tiên có nguồn gốc thuần Việt, trong tổng số 27 vị thì đã có 14 vị là Tiên nữ. Để có con số đối chiếu giữa nam thần và nữ thần, ta có thể viện dẫn tới tập sách Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam đã xuất bản của Viện Hán Nôm. Trong đó 1000 di tích văn hóa thì đã có tới 250 di tích thờ cúng các vị thần hay danh nhân là nữ. Nếu kể riêng tổ sư các ngành nghề ở nước ta thôi thì có thể lọc ra không ít các tổ nghề là nữ.

Ở Phủ Dày, nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, ta cũng thấy các di vết của tục thờ Nữ thần. Toàn huyện Vụ Bản hiện có 20 di tích thờ cúng các Nữ thần từ thời Hai Bà Trưng đến các triều đại phong kiến sau này. Xung quanh Phủ Dày người ta cũng đã thống kê được hàng chục đền miếu thờ các Nữ thần.

Nếu đi vào phía Nam của đất nước, nhất là trung và nam Trung Bộ, Nam Bộ thì việc thờ nữ thần còn phổ biến hơn nhiều, trong đó các bà Thiên Ya Na, Pô Inư Nưgar, Bà Chúa Ngọc, Bà Ngũ Hành, Bà Chúa Xứ, Bà Đen, Thiên Hậu, Bà Hỏa, Bà Thủy…là các vị nữ thần được người dân tôn sùng ở khắp nơi. Nếu như ở miền Bắc việc thờ các nữ thần này ít khi thấy ở trong khuôn viên ngôi nhà ở, thì ở Nam Bộ Bà Chúa Xứ không chỉ được thờ ở khắp các thôn ấp, còn được phối thờ ngay trong bàn thờ của gia đình.

Trong vốn huyền thoại và truyền thuyết của các dân tộc, ta thấy phần đáng kể dành cho các Nữ thần. Để tạo lập vũ trụ có công của Nữ thần Mặt trời và Nữ thần Mặt Trăng, các Bà soi sáng và sưởi ấm cho mặt đất thuở chỉ bùn, nước và bóng tối. Huyền thoại Bà Nữ Oa cùng ông Tứ Tượng đội đá vá trời, xây núi, khơi sông, mà trong một cuộc thi tài bà Nữ Oa đã chứng tỏ được sức mạnh của mình nên đã giành chiến thắng. Tạo ra mây, mưa, sấm, chớp, gió bão là các Nữ thần Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện (Tứ Pháp, có nới còn có Pháp Phong). Các yếu tố mang tính bản thể của vũ trụ cũng được dân gian gắn cho nữ tính, đó là Bà Thủy, Bà Hỏa, Bà Kim, Bà Mộc gọi chung là bà Ngũ Hành.

Hương án Bà Ngũ Hành tại miếu Bà Ngũ Hành (xã Long Thượng) là bảng khắc gỗ sơn son thếp vàng

Ở đây rõ ràng là người xưa đã khoác cho tự nhiên, vũ trụ thuộc tính nữ, mang tính sản sinh, tồn trữ và che chở. Suy cho cùng, việc tôn thờ nữ thần chẳng qua chỉ là cách nhân thần hóa và tôn sùng lực lượng tự nhiên mà thôi.

Còn khi cần tìm kiếm biểu tượng cho đất, nước, quê hương, xứ sở thì dân gian cũng viện đến các Bà Mẹ, các Nữ thần: Pô Inư Nưgar – Bà mẹ Xứ sở Chăm, Nữ thần Đất, Mụ Giạ, vị nữ thần có sức mạnh chạy thi để vạch định biên giới cho quốc gia Việt – Lào. Sinh thành ra dân tộc Việt Nam có Mẹ Âu Cơ, Bố Lạc Long Quân, đẻ một trăm trứng sinh thành trăm người con. Tổ tiên các dân tộc Tày, Thái, Khơ Mú cũng là do Bà Mẹ sinh ra quả bầu trong đó chứa tổ tiên của các dân tộc, bà Mẹ thủy tổ của người Tày là Mẹ Hoa (Mẹ Boóc) là chủ cây hoa có quả vàng, quả bạc, ban phát cho ai quả vàng thì sinh con trai quả bạc thì sinh con gái. Còn với người Dao, nhiều dân tộc ở Tây Nguyên thì thủy tổ của họ là con cháu sinh ra từ người phụ nữ và con chó thần…

Các Bà Mẹ cũng là các vị thần sáng tạo ra văn hóa, là tổ sư của nhiều ngành nghề truyền thống: Mẹ Lúa, Mẹ Mía, Mẹ Lửa… Mẹ Âu Cơ không chỉ là người Mẹ (Mẫu) cội nguồn của dân tộc mà còn là tổ sư nghề nông tang; các Nữ thần là tổ sư của các nghề dệt, chăn tằm, trồng bông, làm muối, nghề mộc, làm bánh, các món ăn, các nghề ca nông,…

Nhiều vị Nữ thần vốn là các danh tướng ngoài trận mạc, là những người có tài góp sức xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc: Hai Bà Trưng và các vị nữ tướng của Bà Triệu, Dương Vân Nga (thời Tiền Lê), Ỷ Lan (đời Lý), Nữ tướng Bùi Thị Xuân (thời Tây Sơn), vợ Ba Đề Thám, cô Võ Thị Sáu ở Côn Đảo, các cô gái hy sinh ở ngã ba Đồng Lộc – Hà Tĩnh (thời kháng chiến chống Pháp, Mỹ)… Đấy là chưa kể biết bao phụ nữ bình thường do có công đánh giặc nên đã được tôn vinh thành Nữ thần: Bà Chúa Kho, Bà Vú Thúng, Bà Áo The…

Các vị Nữ thần kể trên từ bao đời nay đã được nhân dân ta tôn làm Thánh, Thần được các triều đình sắc phong các vị Thần, Thành hoàng của nhiều làng: Liễu Hạnh là Thành Hoàng của nhiều làng vùng Nam Định, Hai bà Trưng được thờ ở 408 làng ở đồng bằng Bắc Bộ, Bà Triệu ở Thanh Hóa, Bà Đanh ở Nghệ An, Bà Đa Sinh ở Hải Dương, Linh Sơn Mị Nương ở Bắc Ninh… Nhiều Nữ thần được sắc phong Thượng đẳng thần, có người như Liễu Hạnh Công chúa được dân gian tôn vinh một trong Tứ bất tử của đất nước.

Tất nhiên, trong các huyền thoại, truyền thuyết kể trên có những cái xuất phát từ những thực tế lịch sử, cũng không ít trường hợp là kết quả của những thêu dệt hoang đường, phi thực. Nhưng vượt lên trên những cái thực và phi thực đó lại là một thực tế hiển nhiên, đó là vai trò và vị trí hết sức to lớn của người phụ nữ trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Ban Nghiên cứu Văn hóa

 

 

 

 

 

Tags:

Bài viết khác

Phong tục cúng giỗ đầu trong văn hóa của người Việt

Giỗ đầu còn gọi là Lễ tiểu tường, là ngày giỗ đầu tiên, tổ chức sau ngày người mất đúng một năm. Đây cũng chính là một nét văn hóa đặc trưng của người Việt từ xa xưa cho đến hiện nay.

Sự khác biệt trong phong tục thờ cúng giữa người Hoa với người Việt

Dù chịu ảnh hưởng bởi lối sống của người Việt nhưng người Hoa vẫn giữ được những phong tục riêng, đặc biệt là phong tục thờ cúng. Chính việc giữ gìn phong tục này đã tạo nên sự khác biệt độc đáo giữa người Việt và người Hoa, góp phần làm đa dạng bản sắc văn hóa của các dân tộc.

Hình tượng chim hạc trong đời sống tâm linh người Việt

Chim Hạc với hình ảnh nhẹ nhàng, tinh tế uyển chuyển là biểu trưng cho điềm lành, thanh cao thoát tục, trường thọ và hạnh phúc. Người dân dùng hình tượng Hạc để biểu thị mong ước ấm êm, gia đình vui vẻ.

Vai trò của bản hội trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Bản hội chính là một loại hình cộng đồng tôn giáo, tín ngưỡng. Cộng đồng này được cố kết với nhau bởi có cùng niềm tin vào sự độ trì của các vị thần trong tín ngưỡng thờ Mẫu và có chung một đồng thầy với những năng lực đặc biệt. Những phân tích lý thuyết về mối quan hệ giữa cộng đồng và di sản văn hóa đã chỉ ra vai trò chủ thể sáng tạo, thực hành, bảo vệ và trao truyền di sản của cộng đồng. Không có cộng đồng ắt sẽ không có di sản.

Tứ Phủ Thánh Cô trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Tứ Phủ Thánh Cô gồm Thập Nhị Thánh Cô (Mười hai cô). Trong Đạo Mẫu, Tứ Phủ Thánh Cô đứng sau Ngũ Vị Tôn Ông, Tứ Phủ Chầu bà, Tứ Phủ Quan Hoàng, đứng trên Tứ Phủ Thánh Cậu.

Tục thờ cúng bà Mụ trong tín ngưỡng người Việt

Lễ cúng Mụ thịnh hành trong một số dân tộc châu Á trong đó có dân tộc Việt, và thường được tổ chức vào những thời điểm khi đứa trẻ mới sinh được 3 ngày (ngày đầy cữ), 1 tháng (ngày đầy tháng) và 1 năm (ngày thôi nôi).

Hành lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Cũng như các tôn giáo, tín ngưỡng khác, tín ngưỡng thờ Mẫu cũng có những nguyên tắc nhất định trong việc hành lễ. Hành lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu là hệ thống những hành vi, động tác nhằm biểu hiện sự tôn kính của con người với thần linh, phản ánh những ước mơ chính đáng của con người trước cuộc sống mà bản thân họ chưa có khả năng thực hiện.

Tứ Phủ Thánh Cậu trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Tứ Phủ Thánh Cậu gồm có 12 Thánh Cậu, là các hình tượng nam thiếu niên, nhanh nhẹn, xông xáo, mạnh mẽ, hiếu động và thường là hầu cận của một vị thánh quan trong Tứ Phủ Quan Hoàng.
Top