Tín ngưỡng thờ Linh Sơn Thánh Mẫu trong Phật giáo Tây Ninh
Trong đời sống tâm linh của con người Việt Nam đã từng tồn tại rất nhiều hình thức tín ngưỡng tôn giáo khác nhau. Trước nhất là các tín ngưỡng, các tục thờ mang tính bản địa hay mang đậm bản địa, như thờ cúng tổ tiên, thờ Thành Hoàng ở các làng xã, thờ các vị Thần (tổ sư các nghề, các vị thần linh bảo trợ, các anh hùng dân tộc có công với đất nước…); các tôn giáo du nhập từ bên ngoài như: Phật giáo, Khổng giáo, Lãnh giáo, Thiên Chúa giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo; một số tôn giáo mang tính chất địa phương như: Cao Đài, Hòa Hảo… Người Việt Nam chấp nhận mọi thứ tín ngưỡng tôn giáo, dù bản địa hay ngoại lai, miễn là nó phù hợp với nền tảng đạo đức Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Các tôn giáo tín ngưỡng này không rạch ròi phân biệt mà chúng thường thâm nhập và lồng ghép vào nhau. Người theo Đạo Phật vẫn thờ cúng tổ tiên Thành hoàng, thờ thần, Mẫu… Các tôn giáo từ ngoài du nhập vào thường biến dạng để thích ứng với đời sống tâm linh của con người Việt Nam, nên xu hướng “dân gian hóa” các tôn giáo là hiện tượng dễ thấy, như với Đạo Phật, Đạo Khổng, Đạo Lão và mức độ nào đó cả Đạo Thiên Chúa nữa. Người Việt Nam theo nhiều đạo, nhưng không hướng về các giáo lý cao xa hay cuồng tín si mê, mà chủ yếu khai thác các mặt đạo lý, các cách thức ứng xử giữa con người với con người.
Thoát thai từ tín ngưỡng Thờ Thần và chịu những ảnh hưởng của Đạo giáo Trung Quốc, tín ngưỡng thờ Mẫu với tư cách là một biến thể của Đạo giáo Việt Nam đã và đang thâm nhập và ảnh hưởng tới các tín ngưỡng tôn giáo khác.
Du khách đến núi Bà Đen tham dự Lễ vía Bà
Cùng một loại hình Đạo giáo, tín ngưỡng thờ Mẫu rất gần gũi với tín ngưỡng thờ Tiên trong cả quan niệm, thần điện và nghi thức thờ cúng. Hơn thế nữa vị thần chủ của tín ngưỡng thờ Mẫu là Liễu Hạnh đồng thời cũng là một vị Tiên tiêu biểu của Việt Nam. Đấy là chưa kể các hình thức nghi lễ cầu Tiên, luyện đồng, giáng bút của hai loại tín ngưỡng này có nhiều nét vay mượn của nhau. Tương tự như vậy ta có thể nói tới mối quan hệ giữa tín ngưỡng thờ Mẫu và Tứ Bất Tử của nước ta, trong đó vị thần chủ tín ngưỡng thờ Mẫu đồng thời lại là một trong bốn vị Bất Tử.
Cùng xuất phát từ tín ngưỡng thờ Thần nhưng giữa tín ngưỡng thờ Mẫu và thờ Thành Hoàng của các làng xã ít có quan hệ gắn bó, mặc dù nhiều vị Thánh của tín ngưỡng thờ Mẫu đồng thời cũng là Thành Hoàng của khá nhiều làng xã. Phải chăng cùng gốc thờ Thần, nhưng tục thờ Thành Hoàng đi theo con đường tiếp thu Nho giáo và chịu sự “kiểm soát” của triều đình, có lúc còn trở thành đối địch, các triều đại phong kiến không thừa nhận thứ tín ngưỡng này.
Tín ngưỡng thờ Mẫu cũng tiếp thu những ảnh hưởng của tục thờ cúng tổ tiên, một tín ngưỡng có vai trò quan trọng hàng đầu trong tín ngưỡng Việt Nam, Điện thần của tín ngưỡng thờ Mẫu mang tính gia tộc có Vua Cha, Thánh Mẫu có “Tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ”, chẳng qua cũng là một dạng phóng đại của mô thức gia đình và thờ cúng tổ tiên. Chúng tôi ngờ rằng việc thờ Cô và Cậu của tín ngưỡng thờ Mẫu có cội nguồn sâu xa từ việc thờ cúng những người chết trẻ, Bà Cô, Ông Mãnh một yếu tố rất quan trọng trong thờ cúng tổ tiên ở các gia tộc và dòng họ.
Ban nghiên cứu VHTN phía Nam