banner 728x90

Tín ngưỡng thờ Mẫu: Gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc

27/05/2024 Lượt xem: 3078

Thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian bản địa, thuần Việt, có lịch sử lâu đời, biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Tín ngưỡng thờ Mẫu là nhu cầu trong đời sống tâm linh của người Việt, mang lại cho họ sức mạnh, niềm tin và có sức thu hút mọi tầng lớp trong xã hội. Đồng thời, nó góp phần bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước.

Dân tộc ta không có tôn giáo bản địa theo đúng nghĩa của nó, mà chỉ có tín ngưỡng bản địa. Dù thuộc dân tộc nào trong đại gia đình dân tộc Việt Nam cũng có tín ngưỡng thờ cúng cha mẹ, tổ tiên, thành hoàng và người có công với dân, với nước, với xóm làng. Tiến trình phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu là một dòng chảy liên tục, nhưng cũng có những mốc lịch sử cơ bản đánh dấu trình độ hoàn thiện và sắc thái mới về hình thức cũng như nội dung. Mốc lịch sử quan trọng đánh dấu sự phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam là sự xuất hiện truyền thuyết mẹ Âu Cơ cùng với Lạc Long Quân sinh ra bọc “trăm trứng”. Có thể khai thác truyền thuyết này ở các góc độ khác nhau, nhưng thống nhất ở tinh thần tôn vinh người mẹ đối với vấn đề đoàn kết toàn dân tộc.

Ở góc độ tín ngưỡng tôn giáo học, truyền thuyết này vừa là sự kế thừa tín ngưỡng thờ mẹ trong lịch sử, vừa phản ánh nhu cầu đặt ra cho cả cộng đồng người Việt phải đoàn kết mới tồn tại và phát triển. Quá trình phát triển, con người Việt Nam tiếp tục sáng tạo ra truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh. Truyền thuyết này phản ánh sâu sắc cuộc đấu tranh chống thiên tai gay go, quyết liệt của cộng đồng dân tộc. Lúc này, dấu ấn của chế độ phụ hệ thay thế mẫu hệ bởi hình tượng của hai vị thần (thần Núi và thần Biển - Sông) cùng đến cầu hôn với Mỵ Nương. Mặc dù là chuyện của hai thần, nhưng yếu tố nữ - Mỵ Nương vẫn nổi lên là trung tâm và thể hiện đặc trưng cốt truyện. Truyền thuyết đó vẫn là tiếp nối tín ngưỡng thờ Mẫu nguyên thủy, đồng thời cũng là sự tiếp nối giá trị văn hóa đoàn kết toàn dân tộc trong chống thiên tai.

Khi các tôn giáo nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam, tín ngưỡng thờ Mẫu với tư cách nhân tố bản địa phải đối mặt với thế lực mới và rất mạnh trong khẳng định sức sống của mình. Trong bối cảnh ấy, truyền thuyết về Mỵ Châu - Trọng Thủy đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam. Cho đến nay, các nghiên cứu vẫn chưa khẳng định được Mỵ Châu - Trọng Thủy là lịch sử hay đơn thuần là truyền thuyết, nhưng dù ở góc độ nào cũng cho thấy, đây là một bước ngoặt lớn trong tiến trình phát triển tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam. Tín ngưỡng thờ Mẫu trong văn hóa Việt Nam không chỉ đơn thuần là vấn đề chống thiên tai, mà còn ở việc chống giặc ngoại xâm.

Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt

Trong suốt gần một nghìn năm Bắc thuộc và trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, những giá trị trong truyền thống nói chung và tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng vẫn không ngừng được hun đúc trở thành sức mạnh to lớn ở phương diện văn hóa dân tộc. Hiện nay, tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn tiếp tục phát triển sâu rộng trong tâm thức con người Việt Nam không chỉ trong mỗi gia đình, làng xã mà còn đến quốc gia. Sức mạnh của tín ngưỡng thờ Mẫu gắn với sức mạnh của văn hóa làng rất lớn. Đây là hai mặt của một vấn đề trong tính chỉnh thể thống nhất. Chỉ có ở Việt Nam mới tồn tại tình trạng “mất nước” nhưng không mất nhà và làng. Mất nước nhưng không xóa được văn hóa làng, không đồng hóa văn hóa dân tộc. Sức mạnh của văn hóa làng Việt Nam có nhiều nhân tố cấu thành, trong đó có tín ngưỡng thờ Mẫu. Tín ngưỡng thờ Mẫu trong gia đình, trong làng hun đúc lên những tấm gương anh dũng chống giặc ngoại xâm như Hai Bà Trưng, Bà Triệu... mang tầm vóc quốc gia, dân tộc. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán của Ngô Quyền (năm 938) và cuối cùng tiến tới giành quyền độc lập tự chủ, chấm dứt nghìn năm Bắc thuộc, là sản phẩm của cả chiều dài lịch sử liên tục đứng lên đấu tranh của nhân dân Việt Nam các vùng miền, trong đó có sự đóng góp quan trọng của tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống Tống, tín ngưỡng thờ Mẫu tiếp tục phải khẳng định vai trò đối với vận mệnh dân tộc và đã phát triển gắn với những con người phụ nữ có thật được huyền thoại hóa thành Thánh Mẫu là Nguyên phi Ỷ Lan. Khác với trước đây, yếu tố truyền thuyết giảm dần bởi nhân vật là có thật của lịch sử. Quá trình tôn vinh, thánh hóa Nguyên phi Ỷ Lan là quá trình kế thừa toàn bộ giá trị văn hóa dân tộc trong tín ngưỡng thờ Mẫu và vượt lên với những nét đặc sắc riêng. Sự kiện Nguyên phi Ỷ Lan vốn là một thôn nữ, được Vua tuyển dụng làm phi và với đức độ, tài năng giúp Vua lo việc nước. Với hai lần nhiếp chính dẹp thù trong và chống giặc ngoài cùng một lúc đã nâng tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam lên tầm cao mới. Với công đức của Nguyên phi Ỷ Lan, nhân dân ta đã tôn vinh Bà như một vị thánh bằng việc xây dựng đền thờ và các lễ hội hàng năm để tô thắm giá trị, ý nghĩa văn hóa dân tộc của tín ngưỡng Mẫu đối với vận mệnh đất nước.

Lịch sử tiếp tục phát triển với những bước thăng trầm của nó. Thánh Mẫu Liễu Hạnh lại được huyền thoại hóa khác với Nguyên phi Ỷ Lan. Nguồn gốc lại là một tiên nữ trên trời do đánh vỡ cái ly ngọc quý và bị đầy xuống trần gian rồi gần gũi, hòa mình vào cuộc sống thực của người lao động. Sau khi về trời, nhưng vì nhớ cõi trần nên đã giáng thế lần hai. Khác biệt với lần trước, lần này Liễu Hạnh đi chu du khắp thiên hạ và trừng phạt những kẻ thất đức, trong đó có cả hoàng tử con vua ngỗ ngược. Mặc dù có nhiều dấu hiệu của huyền thoại thể hiện tư duy trừu tượng của dân chúng tăng lên, nhưng vẫn mang đặc trưng của cách tạo thần, tạo thánh đậm sắc thái Việt Nam. Nó cũng nằm trong cái chung của niềm tôn kính nữ thần đất Việt và là bậc siêu thoát thanh cao trong sự thống nhất giữa Tiên - Phật - Thánh - Thần, đồng thời là khát vọng yêu thương nơi trần gian, là cốt cách, tâm hồn, đức hạnh người phụ nữ Việt Nam trinh - từ - hiếu - thuận. Những phẩm giá đó trở thành bậc “Mẫu nghi thiên hạ”, một trong “tứ bất tử” của văn hóa tôn giáo dân tộc ta.

Qua truyền thuyết dân gian về Thánh Mẫu Liễu Hạnh, chúng ta thấy đó là một niềm tin và sự cầu mong về một lẽ công bằng của nhân dân. Hay có thể nói ngược lại: Chính niềm tin và sự cầu mong ấy là tiền đề để nảy sinh ra một câu chuyện thần kỳ, là câu chuyện về Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Con đường để hình thành truyền thuyết về Đức Thánh Mẫu cũng là những con đường đã hình thành nên truyền thuyết về các vị thánh và các vị linh thần khác. Đó là con đường của sáng tác dân gian hoặc con đường dân gian hóa những tác giả, những tác phẩm cụ thể... Công chúa Liễu Hạnh đã để lại một hình ảnh mẫu mực xứng đáng là tấm gương và cái đích cần vươn tới của các thế hệ phụ nữ Việt Nam.

Ban Nghiên cứu văn hóa

 

Tags:

Bài viết khác

Nhạc cụ truyền thống trong hát Chầu Văn

Hát Chầu văn hay còn được gọi là hát văn hay hát hầu đồng là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền và một phần tín ngưỡng thờ Mẫu của văn hóa Việt Nam. Đây là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (tín ngưỡng thờ Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuần), một tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Nét văn hóa tâm linh trong kiến trúc nhà thờ họ

Kiến trúc nhà thờ họ là biểu tượng vật chất đậm nét văn hóa phi vật thể của các tộc họ ở Việt Nam. Đây là nơi lưu giữ giá trị, tổ chức, quan hệ, và thành tựu của mỗi dòng tộc qua nhiều thế hệ. Theo truyền thống, nhà thờ họ thường được xây dựng theo cấu trúc đơn giản nhưng hài hòa, mang đậm nét riêng của văn hóa dân gian.

Vai trò và ý nghĩa của nhà thờ họ tại Việt Nam

Nhà thờ tổ hay từ đường là một ngôi nhà dành riêng cho việc thờ cúng tổ tiên của một dòng họ hay từng chi họ tính theo phụ hệ (dòng của cha). Nhà thờ họ phổ biến trong văn hóa người Việt tại khu đồng bằng và trung du Bắc Bộ và Trung Bộ.

Tứ quý trong tranh dân gian Đông Hồ

Tranh Tứ quý thuộc loại tứ bình (bốn bức) khổ lớn, vẽ cảnh tứ thời: Xuân, hạ, thu, đông. Mỗi mùa có một loài cây, loài hoa đặc trưng. Mùa xuân: hoa mai, hoa lan, hoa đào. Mùa hạ: hoa sen, hoa hồng, hoa lựu. Mùa thu: hoa cúc, hoa phù dung. Mùa đông: cây trúc, cây thông (tùng).

Cỗ và mâm cỗ truyền thống của người Việt

Mâm cỗ ở mỗi vùng quê Việt Nam có hương vị riêng nhưng bao giờ cũng vậy, mỗi mâm có 4 hoặc 6 người. Thông thường người ta kiêng ngồi 5 người, ở mâm cỗ có ít nhất hai người thân nhau, cũng có khi 3 cặp đều thân nhau thành một cỗ. Người nhà chủ tế nhị mời những người ăn ý với nhau vào một cỗ, sàn sàn lứa tuổi với nhau vào cùng mâm. Những người có tửu lượng mạnh hoặc nhẹ vào một cỗ, những người bằng vai phải lứa với nhau vào một cỗ. Đàn ông vào cỗ với nhau, còn đàn bà ngồi với đàn bà.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ Việt Nam

Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều mang trong mình những nét văn hóa riêng. Văn hóa là cái gốc cho sự phát triển, phồn thịnh của một đất nước. Việt Nam là một dân tộc mang một nền văn hóa đậm đà bản sắc, đa dạng và phong phú. Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam từ lâu đã đóng vai trò quan trọng đối với người dân Việt, văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội và tâm thức người dân.

Tín ngưỡng dân gian trong lễ hội cổ truyền ở Việt Nam

Tín ngưỡng dân gian đóng vai trò quan trọng trong các lễ hội cổ truyền của Việt Nam, thể hiện bản sắc văn hóa, tâm linh và lòng tôn kính đối với các thế lực siêu nhiên, Tổ tiên, thần thánh. Bài viết tìm hiểu một số đặc điểm nổi bật về tín ngưỡng dân gian trong các lễ hội cổ truyền của người Việt, đặc biệt, lễ hội liên quan đến tín ngưỡng dân gian như: tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng vạn vật hữu linh, tín ngưỡng thờ Thành hoàng, tín ngưỡng thờ Tổ tiên, tín ngưỡng thờ Mẫu...

Ý nghĩa và mục đích của tục “Bán khoán con lên chùa”

Bán khoán con cho chùa là một tín ngưỡng dân gian, một hình thức gửi gắm về mặt tâm linh. Có hai hình thức bán khoán con lên chùa: Bán khoán đến hết năm 12 tuổi rồi “chuộc” con ra, hoặc là bán khoán trọn đời. Từ xưa đến nay, nhiều gia đình quan niệm, khi sinh con ra, đứa trẻ hay đau yếu, khóc lóc không phải là do bị bệnh từ thân hoặc những đứa trẻ sinh vào giờ kỵ, ngày phạm (tức ngày mùng 1, 5, 8, 15, 23, 24, 28 và ngày 30 Âm lịch).
Top