Trong số 12 con giáp, hổ là linh vật đặc biệt khi được nhiều nền văn hóa các nước và Việt Nam tôn sùng. Hình tượng loài hổ đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh, sự thanh thế, oai linh, vẻ đẹp rực rỡ nhưng cũng đầy bí hiểm với sức mạnh siêu phàm nơi rừng sâu núi thẳm. Trong nghệ thuật tạo hình, “Ông Ba Mươi” là tên gọi đầy uy linh, quyền kính, là biểu tượng của võ tướng với uy thế dũng mãnh được thờ cúng quyền kính trong những không gian thờ đình, chùa, miếu mạo. Thậm chí, trong những bức tranh dân gian của các dòng tranh Hàng Trống, Kim Hoàng, Hổ là biểu tượng cho sức mạnh tâm linh thể hiện ra vũ trụ quan của người Việt.

Bạch hổ
Hình tượng ông Hổ hay Chúa Sơn Lâm được tôn vinh và thờ phụng trong nhiều nền văn hóa của các nước ở khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Trong tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc, hình tượng loài hổ đã gắn liền với quan niệm thần giám hộ của quốc gia. Nhiều nước châu Á quan niệm hổ tượng trưng cho sự uy mãnh, sức mạnh và tục lệ thờ hổ cũng bắt nguồn từ đó. Trong quan niệm của dân gian Việt Nam, hổ hay còn gọi là “Ông Ba Mươi” là tên gọi đầy uy linh, quyền kính dành cho Ông Hổ trong những không gian tâm linh như đình, chùa, miếu mạo.
Trong dân gian Việt Nam thì hổ được gọi với nhiều tên vì người ta kiêng húy, kỵ hóa. Một số người không dám gọi thẳng tên, mà gọi chệch đi để kỵ húy, cũng như tỏ ý tôn trọng hay thành kính. Nhiều địa phương lập miếu thờ cọp, gọi cọp là Sơn Thần, Sơn Quân Chúa Sơn Lâm và bao giờ cũng thêm chữ “Ông”, “Ngài” đứng trước để bày tỏ sự tôn kính với vị thần Chúa Sơn Lâm này.

Tranh hổ
Đối với người Việt, hình tượng loài hổ đã xuất hiện trong tín ngưỡng và tôn giáo từ rất lâu đời. Hổ đã xuất hiện trên mặt trống đồng đến các miếu đền thờ thần Hổ cho thấy sự gắn bó từ ngàn đời nay của loài vật này với người dân Việt Nam. Trong tín ngưỡng dân gian của người Việt, hổ được gắn với tục lệ thờ Mẫu. Thần hổ uy linh và đầy huyền bí đã đi vào đời sống tâm linh của người Việt, trở thành một nhân vật được thờ cúng ở rất nhiều điện, đền, phủ. Các đình chùa, miếu thường chạm khắc hình tượng hổ để thể hiện sự thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Hổ là linh vật trấn giữ đền miếu, tam quan, đứng uy mạnh bên các trục thần đạo trong lăng mộ. Nhiều đền, miếu ở Việt Nam còn có ban riêng thờ ông Hổ. Ở miền Nam còn lập đền thờ ông Hổ với ý nghĩa giống như đền thờ Cá Ông. Hình tượng hổ được tạc chầu trong các ban thờ Mẫu với năm màu sắc tượng trưng cho ngũ hành, được gọi là Quan Ngũ Dinh (Quan Lớn Tuần Dinh), được coi là thần hộ pháp bảo vệ cho bản đền và là bộ hạ của Thần, Thánh, Mẫu và trấn giữ các phương.
Người ta quan niệm rằng thần Hổ trấn giữ bốn phương, bốn cõi và có uy quyền mạnh mẽ trong tay, vạn vật có sinh tồn được hay không là phải do ngài phán quyết. Việc thờ thần hổ còn ngụ ý mong cho gia đình sung túc, khỏe mạnh, tai qua nạn khỏi, vật nuôi trong nhà được hưng thịnh. Như vậy có thể thấy, hổ có vị trí, vai trò rất đặc biệt và quan trọng trong tín ngưỡng của văn hóa Việt. Vì thế, trong môi trường sống bất trắc, con người phải đối mặt với nhiều loài động vật hung hãn, đe dọa đến tính mạng và sự sinh tồn. Tâm lý sợ hãi những động vật uy quyền đã tác động trực tiếp đến việc tôn sùng, do đó việc thờ phụng thần hổ chính là một cách để giải tỏa tâm lý.
Tượng hổ trong điện thờ miền Bắc được sắp xếp theo trật tự không gian từ cao xuống thấp. Trong đó, phần trung điện thờ các chư vị thiên thần, nhân thần. Hạ điện thờ ngũ hổ. Thanh xà, bạch xà cuốn trên xà ngang thuộc tầng cao nhất của điện. Thần hổ được giữ vị trí nhất định trong điện thờ Mẫu, thể hiện sự cân bằng giữa hai miền thiên phủ, địa phủ, góp phần trấn an cho cửa điện.

Tranh ngũ hổ
Cùng với tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam, hình tượng hổ xuất hiện với nhiều biến thể đa dạng, phong phú trên các loại hình, chất liệu khác nhau từ tượng thờ, vật liệu trang trí, tranh thờ dân gian mang nhiều ý nghĩa, gắn với đời sống tâm linh, tôn giáo và tín ngưỡng dân gian. Thần Hổ còn được dân gian gọi với nhiều danh xưng khác nhau như: ông, ngài, cậu chúa…
Xuất phát từ tục thờ hổ, thần thánh hóa loài vật này, các nghệ nhân dân gian cũng xây dựng biểu tượng hổ qua nhiều chất liệu như: gỗ, đá, vôi giấy, đất nung, tranh vẽ, tranh cắt giấy... Hổ xuất hiện rất nhiều trong các tác phẩm mỹ thuật Việt Nam. Ở nước ta tác phẩm hội họa dân gian tiêu biểu nhất vẽ về hổ mang tính cộng đồng thuộc về dòng tranh dân gian Hàng Trống. Tranh Hàng Trống khắc họa hình tượng Ngũ hổ được kết hợp độc đáo trong bản điện thời tín ngưỡng Tam, tứ phủ với đủ phong cách thể hiện.
Tranh dân gian Hàng Trống đã từng là món ăn tinh thần một thời của người Hà Nội, là đỉnh cao của nghệ thuật tranh dân gian lưu giữ những hồn cốt còn sót lại của dân tộc. Tranh Hàng Trống được người Hà Nội xưa ưa chuộng, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên Đán hàng năm.
Hổ hiện diện từ những nỗi lo của cuộc sống thường nhật rồi đi vào tôn giáo tín ngưỡng với những hình thức biểu tượng đa dạng phong phú. Đây chính là cách con người nghĩ ra để khuất phục uy quyền, chi phối sự hung dữ, đồng thời cũng là để tiến một bước tiếp theo là mượn uy linh của loài vật này mà trừ tà, trấn trạch cầu phúc cho đời sống nhân sinh.
Ban Nghiên cứu văn hóa