banner 728x90

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong nhà thờ họ

18/10/2024 Lượt xem: 2434

Không giống như người phương Tây thiên về tư duy hướng ngoại, chú ý nhiều đến tự do cá nhân, người phương Đông nói chung, người Việt nói riêng lại thiên về tư duy hướng nội, coi trọng ý thức cộng đồng, quan tâm củng cố mối quan hệ trong gia đình, họ tộc và xã hội. Điều này được thể hiện ở nhiều khía cạnh, nhiều phương diện trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống, trong đó sinh động nhất có lẽ là ở tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, nhất là thờ cúng tổ tiên ở nhà thờ họ.

Nhà thờ họ là ngôi nhà dành riêng cho việc thờ cúng tổ tiên của một dòng họ hay từng chi họ tính theo phụ hệ (dòng cha). Chi họ lớn, sau khi đã phân chi thì nhà thờ của dòng trưởng nam sẽ là nơi thờ từ đời ông thủy tổ, nơi giữ gia phả gốc. Nhà thờ này được gọi là nhà thờ đại tôn. Các nhánh họ khác đều có nơi thờ cúng riêng từ đời ông tổ chi trưởng, gọi là nhà thờ chi họ.

Nhà thờ họ Trương Việt Nam ở thị trấn Thiên Tôn, Ninh Bình

Nhà thờ họ được xây dựng với quy mô, kiến trúc phụ thuộc vào khả năng tài chính và đóng góp của các suất đinh (thành viên nam) cũng như theo địa vị xã hội của những người có vai vế trong dòng họ. Một nhà thờ họ điển hình là một ngôi nhà hình chữ Nhất nằm ngang từ 3 đến 5 gian với hai mái trước và sau theo kiểu thu hồi bít đốc (hồi văn) và phải đặc biết chú ý đến hướng và thế đất. Hướng đất thường được chọn là hướng Nam do đây là hướng “hè mát, đông ấm”, theo đạo Phật thì đây là hướng gắn với điều thiện và hạnh phúc, theo Nho giáo thì đây là hướng của thánh nhân (“Thánh nhân Nam diện nhi thính thiên hạ”, Thánh nhân quay mặt về Nam nghe lời tâu của thiên hạ). Người Việt coi tổ tiên của mình như những thánh nhân luôn theo dõi và phù hộ độ trì cho con cháu nên nhà ở cũng thường quay hướng Nam. Tuy nhiên, nếu hướng Nam mà lại ở thế đất xấu thì cũng có thể quay hướng khác. Thế đất tự nhiên được coi là đẹp khi lưng có thế tựa (phía sau cao hơn phía trước), hai bên có thế tỳ “tả Thanh long, hữu Bạch hổ” (thế tay ngai), mặt trước thoáng đãng có dòng lưu thủy từ phải qua trái và có tiền án. Khi thế đất tự nhiên không sẵn có các yếu tố cần thiết đó thì có thể khắc phục bằng cách đào hồ, ao, giếng nước làm điểm tụ thủy; xây bình phong, non bộ làm án; đắp đất trồng cây tạo thế tay ngai…

Cũng như các loại hình kiến trúc truyền thống khác, trang trí cũng là vấn đề được người Việt đặc biệt quan tâm khi xây dựng nhà thờ họ. So với các công trình tín ngưỡng công cộng, nhà thờ họ thường đơn giản hơn rất nhiều. Nếu như trên mái các đình, chùa thường có rồng, phượng, mặt nguyệt, các con giống… được làm cầu kỳ, tinh xảo thì trên mái nhà thờ họ cùng lắm chỉ có bức Đại tự, đầu kìm, đấu cơm, gạch hoa chanh và những chi tiết trang trí hết sức đơn giản. Trang trí trên kiến trúc nhà thờ họ thường sử dụng các hình tượng thuần túy (như hình hoa lá, hình kỷ hà…), hoặc các biểu tượng thiêng (như hình vân xoắn, hình đao mác…). Nhà thờ họ không phải là nơi thể hiện tính quyền lực, nên hầu như không sử dụng hình tượng rồng trong trang trí, bởi theo Nho giáo, rồng là biểu tượng cho tầng trên, đặc biệt là rồng có 5 móng chân tượng trưng cho Thiên tử. Mặc dù vậy, một số nhà thờ của những dòng họ có người làm quan vẫn trang trí hình rồng trên kiến trúc, nhưng rất hạn chế và các hình rồng này thường được cách điệu, biến tấu đi (trúc hóa rồng, mai hóa rồng, mây hóa rồng, lá hóa rồng, cá hóa rồng…).

Người được thờ trong nhà thờ họ là các vị tổ của dòng họ. Theo phong tục dân gian “Tứ đại mai thần chủ” (từ 4 đời thì không phải thờ nữa) nên trong một nhà thờ họ thường chỉ thờ không quá 5 đời tổ. Tuy nhiên, một số dòng họ lớn cũng có thể thờ nhiều hơn 5 đời.

Về không gian thờ cúng, gian giữa nhà thờ họ bố trí ban thờ chính. Ban thờ này, tùy dòng họ mà được xây bệ hoặc đặt hương án to bằng gỗ, đặt ở trung tâm nhà thờ. Phía trên treo hoành phi khắc chữ: “(Tên họ) tộc từ đường” (ví dụ: Cao tộc từ đường, Nguyễn tộc từ đường), hai bên là câu đối. Câu đối phải thật hay, nêu bật được nét đặc sắc của họ mình, chứa đựng một tư tưởng lớn, một lời giáo huấn.

                                 Thờ cúng tổ tiên nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt

Trên ban thờ chính, phía trong, chính giữa đặt bài vị. Bài vị (còn gọi là Thần chủ) thường được làm bằng gỗ quý, trong ghi tên húy, tên thụy và phẩm tước (nếu có) cùng năm sinh, năm mất của Thủy tổ. Tất cả đều viết bằng chữ Hán. Bài vị được đặt trong cỗ khám hoặc cỗ ỷ. Khám thờ làm bằng gỗ sơn son, kín 3 mặt (tả, hữu và mặt sau), mặt trước là cửa sổ nhỏ có thể khép mở. Ỷ là ghế ngồi, tương tự ngai, là nơi tổ tiên về ngự, hưởng lễ.

Bộ đồ thờ có thể là tam sự, ngũ sự hay thất sự. Bộ tam sự gồm bát hương ở giữa, hai bên là hai cây đèn, nến. Bộ ngũ sự gồm bát hương, hai cây đèn nến, hai ống đựng hương, hoa, mâm bồng ngũ quả, cái kỷ hay còn gọi là tam sơn (gồm bộ đài ba chiếc: giữa đặt chén rượu, hai bên, một bên để đĩa trầu cau, một bên để bát nước). Bộ thất sự (bộ bảy) thêm lọ độc bình và hai con hạc đứng trên hai con rùa.

Nếu thủy tổ dòng họ là người khoa bảng hoặc có phẩm tước vua ban thì đồ thờ cúng còn có 2 giá cắm đồ lỗ bộ gồm 2 thanh mác trường, 2 ngọn cờ tiết (cờ đuôi nheo, tượng trưng cho chức sắc, ân điển của nhà vua), cờ mao (đầu có ngù, tết bằng lông đuôi trâu, tượng trưng cho mệnh lệnh của vua), 2 trùy đồng, 2 phủ việt (phủ là rìu, việt là búa) hoặc 2 biển bằng gỗ có khắc chữ Tĩnh túc, Hồi tỵ (Tĩnh túc có nghĩa là yên lặng, cung kính, không được cười nói khi rước hoặc tế thần; Hồi tỵ có nghĩa là tránh đi, khi cúng tế hoặc rước thần, ai có tật nguyền hoặc đang có tang phải tránh xa), 2 gươm trường, 2 tay văn, võ (Tay văn: nắm tay cầm bút, cán dài; Tay võ: nắm tay nắm chặt), lại thêm lọng, tàn, tán... Cho nên, vào nhà thờ họ, trông vào bàn thờ và các đồ thờ cũng, người ta nhận ra ngay đây là gia đình thuộc thế gia vọng tộc hay dân thường.

Gian tả (bên trái): thờ các thế hệ ông bà Cao tổ có con cháu nối đời cho đến hiện tại (gọi là hữu tự) gồm: Các thế hệ ông bà Cao tổ của bản thân, ông bà Cao tổ bác, ông bà Cao tổ chú và bà Cao tổ cô (Các bà Cao tổ cô đã có chồng con, nhưng vẫn được phụng thờ chính thức, mặc dù thành phần này đã được dòng tộc nhà chồng thờ cúng với vai trò là những người mẹ).

Gian hữu (bên phải): thờ các thế hệ ông bà Cao tổ không có con cháu nối đời (gọi là vô tự) gồm: Các thế hệ ông bà Cao tổ bác, ông bà Cao tổ chú và bà Cao tổ cô đã có chồng, có vợ nhưng không còn con cháu nối đời (Nếu các bà Tổ cô đã có chồng con, nhưng bị chồng ruồng rẫy, ly dị không có con cháu thì được phụng thờ chính thức trong nhà thờ tộc của mình. Thành phần này gọi là các bà “Tổ cô quy tông” tức các bà Tổ cô trở về được thờ cúng chính thức trong dòng tộc của mình)

Bên cạnh đó, nhà thờ họ còn có gian thờ tùng tự: Tùy theo không gian nội thất, nhà thờ họ còn có hai bàn thờ: Tả tùng tự (thờ cúng theo hàng tả/trái) và Hữu tùng tự (thờ cúng theo hàng hữu/phải) để thờ các vong hồn vô danh, suất sảo, yểu tử, tảo vong tức các thành phần chết trong bào thai, chết lúc nhỏ tuổi chưa có vợ con…. Các vong hồn này qua rất nhiều đời đều quy tụ theo Tổ tiên tại từ đường.

Ngoài cùng, từ cửa vào là sập gỗ hoặc trải chiếu (trong ngày lễ) để con cháu hành lễ.

Ngày nay, do ảnh hưởng của những trào lưu văn hóa và những nhu cầu mới nên việc xây dựng nhà thờ họ vì thế cũng không còn tuân thủ chặt chẽ những quan niệm và ước định vốn có mà ngày càng đa dạng hơn về quy mô và kiểu thức kiến trúc. Song dù thế nào thì vẫn phải tuân thủ theo những nguyên tắc căn bản và cốt yếu để không đánh mất đi những tinh túy trong cách nghĩ và cách làm của người xưa, không làm “nhiễu” đi “hồn cốt” của tín ngưỡng truyền thống văn hóa dân tộc./.

Ban Nghiên cứu VHTN phía Nam

 

 

 

Tags:

Bài viết khác

Phong tục cúng giỗ đầu trong văn hóa của người Việt

Giỗ đầu còn gọi là Lễ tiểu tường, là ngày giỗ đầu tiên, tổ chức sau ngày người mất đúng một năm. Đây cũng chính là một nét văn hóa đặc trưng của người Việt từ xa xưa cho đến hiện nay.

Sự khác biệt trong phong tục thờ cúng giữa người Hoa với người Việt

Dù chịu ảnh hưởng bởi lối sống của người Việt nhưng người Hoa vẫn giữ được những phong tục riêng, đặc biệt là phong tục thờ cúng. Chính việc giữ gìn phong tục này đã tạo nên sự khác biệt độc đáo giữa người Việt và người Hoa, góp phần làm đa dạng bản sắc văn hóa của các dân tộc.

Hình tượng chim hạc trong đời sống tâm linh người Việt

Chim Hạc với hình ảnh nhẹ nhàng, tinh tế uyển chuyển là biểu trưng cho điềm lành, thanh cao thoát tục, trường thọ và hạnh phúc. Người dân dùng hình tượng Hạc để biểu thị mong ước ấm êm, gia đình vui vẻ.

Vai trò của bản hội trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Bản hội chính là một loại hình cộng đồng tôn giáo, tín ngưỡng. Cộng đồng này được cố kết với nhau bởi có cùng niềm tin vào sự độ trì của các vị thần trong tín ngưỡng thờ Mẫu và có chung một đồng thầy với những năng lực đặc biệt. Những phân tích lý thuyết về mối quan hệ giữa cộng đồng và di sản văn hóa đã chỉ ra vai trò chủ thể sáng tạo, thực hành, bảo vệ và trao truyền di sản của cộng đồng. Không có cộng đồng ắt sẽ không có di sản.

Tứ Phủ Thánh Cô trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Tứ Phủ Thánh Cô gồm Thập Nhị Thánh Cô (Mười hai cô). Trong Đạo Mẫu, Tứ Phủ Thánh Cô đứng sau Ngũ Vị Tôn Ông, Tứ Phủ Chầu bà, Tứ Phủ Quan Hoàng, đứng trên Tứ Phủ Thánh Cậu.

Tục thờ cúng bà Mụ trong tín ngưỡng người Việt

Lễ cúng Mụ thịnh hành trong một số dân tộc châu Á trong đó có dân tộc Việt, và thường được tổ chức vào những thời điểm khi đứa trẻ mới sinh được 3 ngày (ngày đầy cữ), 1 tháng (ngày đầy tháng) và 1 năm (ngày thôi nôi).

Hành lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Cũng như các tôn giáo, tín ngưỡng khác, tín ngưỡng thờ Mẫu cũng có những nguyên tắc nhất định trong việc hành lễ. Hành lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu là hệ thống những hành vi, động tác nhằm biểu hiện sự tôn kính của con người với thần linh, phản ánh những ước mơ chính đáng của con người trước cuộc sống mà bản thân họ chưa có khả năng thực hiện.

Tứ Phủ Thánh Cậu trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Tứ Phủ Thánh Cậu gồm có 12 Thánh Cậu, là các hình tượng nam thiếu niên, nhanh nhẹn, xông xáo, mạnh mẽ, hiếu động và thường là hầu cận của một vị thánh quan trong Tứ Phủ Quan Hoàng.
Top