Là một hình thức tín ngưỡng cơ bản và phổ biến của người Việt Nam, bất kể họ ở đồng bằng hay miền núi, nông thôn hay thành thị. Có nhiều cách gọi khác nhau về tín ngưỡng này, như thờ cúng tổ tiên, Đạo tổ Tiên, Đạo ông bà, thậm chí gần đây có người coi thờ tổ như một thứ tôn giáo bản địa, tôn giáo dân tộc.
Một mặt, với tư cách là một tín ngưỡng bản địa, thờ cúng tổ tiên cởi mở tiếp thu các ảnh hưởng của tôn giáo, tín ngưỡng khác, nhất là đạo Khổng. Mặt khác, nó có thể thâm nhập vào nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khác, kể cả các tôn giáo lớn ngoại lai như Phật giáo, Kitô giáo…
Vượt lên trên cả khía cạnh tín ngưỡng, tôn giáo, thờ cúng tổ tiên thấm đượm đạo lý uống nước nhớ nguồn, một thứ ứng xử cộng đồng gia tộc, dòng họ và mở rộng cựa đại tới cộng đồng dân tộc, quốc gia, nó trở thành một chuẩn mực khuôn mẫu về ứng xử của con người Việt Nam. Bởi vậy, thờ cúng tổ tiên vừa tiếp nhận nguồn cội xa xưa của tín ngưỡng nguyên thủy (Tô tem giáo), vừa có sức sống trường tồn vừa có sức vươn tới tiếp cận với đời sống hiện đại.
Trong các tộc người thiểu số của nước ta, không phải tộc người nào cũng tồn tại hình thức thờ cúng tổ tiên. Có lẽ rõ rệt hơn cả là tục thờ Đẳm (Phi Đẳm) của người Thái, thờ tổ tiên ở các dân tộc Tày, Nùng, Mường, Hoa, Dao, Hmông… về cơ bản, các hình thức thờ tổ tiên ở các tộc người là giống nhau, tuy nhiên ở mỗi tộc người lại có sắc thái riêng. Ví dụ, thờ tổ tiên của người Dao có khi đồng nhất với thủy tổ dân tộc là Bàn Hồ, thờ tổ tiên của người người Mường cùng chung với thờ Vua Ba Vì (tức thần núi Ba Vì – Sơn Tinh)… Hay điển hình hơn cả là tục thờ Vua Hùng của người Việt, mà thực chất đó là sự phóng đại từ tục thờ tổ tiên của gia tộc, dòng họ trở thành thờ Quốc tổ của dân tộc.
Một hình thức xa xưa về quan niệm huyết thống và là tín ngưỡng vật tổ hiện còn tàn dư ở một số tộc người, nhất là các tộc nói ngôn ngữ Môn Khơme, Khơmú, Mảng, Xinhmun…Các nhóm cùng huyết thống chọn một con vật, cây cỏ, đồ vật nào đó là biểu tượng vật tổ của mình, như hổ, gấu, chó, chồn, cây dương xỉ, rọ lợn, đũa cả… Cùng với quan niệm vật tổ, còn có các huyền thoại về vật tổ, những kiêng kỵ liên quan đến vật tổ (không ăn thịt vật tổ), một số nghi lễ mà hình ảnh vật tổ được tái hiện.
Tuy tín ngưỡng vật tổ và tổ tiên đều dựa trên nguyên lý huyết thống, nhưng sự thể hiện có nhiều khác biệt, trong đó có việc lựa chọn vật biểu trưng cho quan hệ huyết thống. nếu với tục thờ cúng vật tổ thời thị tộc, vật biểu trưng là một vật (cây, con…) ở ngoài thị tộc thì với tục thờ cúng tổ tiên chính người khởi thủy ở bên trong dòng tộc là biểu trưng cho tổ tiên.
Ban Tôn giáo phía Nam