Ở nước ta, tín ngưỡng thờ cúng thần Đất là một trong những dạng thức tín ngưỡng khá phổ biến với mọi người dân. Theo quan niệm, thần Đất là chủ mảnh đất của một gia đình hoặc là chủ khu đất của một làng. Tín ngưỡng thờ thần Đất bắt nguồn từ tâm lý sùng bái tự nhiên thời bấy giờ và vẫn tồn tại cho đến ngày nay trong văn hóa người Việt với tâm lý thể hiện sự biết ơn vị thần đã phù hộ, giúp đỡ họ có được cuộc sống ấm no, sung túc và bình an.

Một mâm cúng động thổ khi xây nhà
Việt Nam là một nước nông nghiệp truyền thống, mà nông nghiệp lại phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên như: đất đai, thời tiết, khí hậu... trong đó, đất đai đóng vai trò rất quan trọng, được xem là yếu tố cơ bản cấu tạo nên vạn vật, giúp cho con người có được cuộc sống ấm no và sung túc. Vì vậy, thần Đất đã tồn tại từ lâu trong đời sống của người Việt. Trong lịch sử, hàng thế kỷ Việt Nam chịu sự đô hộ và xâm lăng cũng như giao thoa với văn hóa Trung Quốc nên vị thần Đất có thêm nhiều tên gọi khác như: Hậu Thổ, Xã Thần, Xã Công, Thổ Kỳ, Thổ Địa hoặc Phúc Thần, Phúc Đức Chánh Thần,... trên nền tảng tín ngưỡng cổ xưa.
Người Việt có câu "đất có Thổ Công, sông có Hà Bá", cho nên việc thờ cúng vị thần này rất được chú trọng. Trên bàn thờ của mỗi gia đình, thần Đất luôn có một vị trí trang trọng. Nếu đứng ở ngoài nhìn vào thì bát hương thờ thần Đất nằm ở chính giữa, bên trái là bát hương bà Tổ Cô, bên phải là bát hương thờ tổ tiên. Khi cúng lễ, đều phải khấn Thổ Công trước để xin phép cho tổ tiên được về sum họp với gia đình.
Ngoài việc thờ cúng thần Đất tại gia đình thì người dân thường xây miếu thờ thần Đất ở trước đình, chùa, nghĩa địa,... để thờ chung. Trên bàn thờ đặt đôi chân đèn nhỏ, lư hương, bình bông, mâm đĩa trái cây, chung rượu, tách nước. Mỗi dịp xuân thu nhị kỳ khi cúng tế các vị thần trong đình miếu thì đều phải cúng xin phép thần Thổ Địa của nơi đó.

Ông Địa và Thần Tài trong văn hóa tin ngưỡng Việt Nam
Đối với người Việt, thần Đất còn có ý nghĩa ảnh hưởng đến sự tồn vong của gia đình nên mỗi khi làm việc gì có đụng chạm đến đất đai thì đều làm lễ để cúng xin thần cho phép. Đất ảnh hưởng đến người sống, là nơi an nghỉ của người chết. Khi còn sống, việc dựng nhà hay khi dọn đến nhà mới, đào giếng, xuống đồng, đào ao, mở vườn, mở ruộng... đều cúng xin phép Thổ thần. Trong cuộc sống sản xuất hàng ngày, thần Đất cũng đóng vai trò là vị thần bảo hộ. Ở nhiều địa phương, người nông dân khi trồng cây thường dựng một chòi tranh ở góc thửa đất, bên cạnh trồng một cột tre trên đó treo vài thúng tre hoặc một cái thúng đan sơ sài. Đó là Thổ chủ. Ý người ta muốn nhờ thần bảo hộ cây trồng qua việc dựng cho họ một khám thờ và đe dọa các kẻ cắp sẽ bị thần đánh phạt. Thanh tre ấy ám chỉ kẻ quấy phá sẽ bị đánh đòn, còn thúng sẽ đựng heo để tạ tội của chúng, mọi việc đều nhân danh Thổ chủ.
Đến khi chết thì “về với đất”, “khôn dại cũng về với đất”, phải “coi đất”, xin phép thần Đất trước khi chôn người chết. Đặc biệt, trong mỗi dịp Tết, dân ta thường có lễ cúng Đất hay còn gọi là lễ động thổ. Động thổ nghĩa là động đến đất và lễ động thổ là lễ động đến đất. Và trong khi động đến đất phải có lễ cúng Thổ thần để trình xin bắt đầu động đến đất cho một năm mới... Thật ra thì lễ động thổ không nhất định là ngày nào nhưng để tiện giúp dân chúng làm ăn, các làng thường cử hành lễ này sau ba ngày Tết....
Biểu hiện của việc thờ thần Đất còn được lưu lại trong việc xông đất đầu năm. Trong ngày mùng một Tết, mỗi gia đình người Việt đều lưu tâm đến việc này. Xông đất hay đạp đất - tức là chỉ việc người khách đầu tiên đến nhà trong năm mới. Người ta rất kiêng đàn bà và những người có tang hoặc có tuổi xung khắc với chủ gia đình mà thường lựa chọn bạn bè, những người danh giá, hợp tuổi với gia chủ, đang ăn nên làm ra. Có lẽ vì việc thờ thần Đất mà ba ngày đầu năm Thổ thần được xem như là điều kiêng kỵ. Khi tổ tiên ông bà được mời về vào tối ba mươi Tết, người ta hạ cửa, chỉ để bạn bè, người quen biết hoặc những người giàu có, danh giá đến mà thôi. Còn những người hành khất, những người vô gia cư thì bị xua đuổi, không cho “đạp đất”, sợ gây họa, ảnh hưởng bất lợi đến các thành viên trong gia đình.
Thần Đất không chỉ là một vị thần bảo hộ cho lao động, sản xuất của người dân mà đã đi vào cuộc sống của người dân một cách sâu sắc. Trong việc thờ cúng, người dân ta còn nhầm lẫn giữa thần Đất và thần Tài. Thần Tài chẳng qua là một dạng thức khác của thần Đất. Nếu thần Đất là vị thần bảo hộ cây trái, hoa màu, thể hiện tính lý nông nghiệp thì thần Tài là vị thần trông coi tiền tài, vàng bạc, là dấu ấn của thời kỳ kinh tế thương nghiệp. Có vẻ người dân không quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ của các thần, họ chỉ quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”.
Ban Nghiên cứu văn hóa