Cư dân nông thôn Việt Nam sống nhờ vào đất và nước. Cùng với đó, đất và nước được thờ biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như thổ thần, bản cảnh thành hoàng, thủy thần. Bên cạnh các thần đất, thần nước là thần các hiện tượng tự nhiên liên quan đến nông nghiệp (như mây, mưa, sấm, cây cối…) và các vị thần người. Tín ngưỡng phổ biến của gia đình và dòng họ là tục thờ cúng Tổ tiên ở từ đường; tín ngưỡng cao nhất trong một làng là tục thờ Thành hoàng trong đình làng.
Mỗi làng quê Việt Nam hầu như đều có đình thờ Thành hoàng, có thể là một hoặc nhiều vị thần. Thành hoàng là vị thần được tôn vinh nhất trong một làng. Các vị đó là thiên thần hoặc nhân thần, cũng đều là thần có công đem lại độc lập cho quốc gia, an ninh cho xóm làng, là người khai cơ lập ấp (đến đầu tiên lập làng), mang lại mùa màng bội thu…

Cổng làng vùng quê
Đình là trung tâm hành chính văn hóa xã hội của làng. Tất cả các việc quan trọng của làng đều diễn ra ở đây như hội họp việc làng, xét xử kiện tụng, đón rước quan trên, hội hè đình đám, văn hóa văn nghệ giải trí; nơi đây, thần quyền kết hợp với thế quyền. Đình làng, nhất là đình làng miền Bắc là kho tàng phong phú về điêu khắc dân gian, phản ánh đời sống hằng ngày của người nông dân và ý tưởng thẩm mỹ của họ.
Trong đình, gian giữa thờ Thành hoàng và có một chiếc trống cái để gọi dân làng về tụ họp. Về khía cạnh tâm linh, đình có giá trị to lớn trong quyết định vận mệnh của cả làng. Ngự trong đình là Thành hoàng làng. Thành hoàng là vị thần được tôn thờ chính, mang tính chất bảo trợ cho làng. Thường thì mỗi làng thờ một vị Thành hoàng làng, nhưng cũng có những làng thờ đến hai ba vị hoặc nhiều hơn, và được gọi chung là Phúc thần. Phúc thần được chia làm hai bậc là Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần.
Tục thờ Thành hoàng và đình làng là hiện tượng đặc sắc trong văn hóa Việt Nam, là đặc trưng của văn hóa làng. Tìm hiểu nông thôn các nước Đông Á và Đông Nam Á không có tục thờ thần Thành hoàng, cũng không có đình làng như ở Việt Nam. Cùng với đình làng là chùa làng. Xưa, vào thời Lý - Trần, phần lớn chùa là của quý tộc; đến thời Lê - Nguyễn, chùa là của làng xã. Chùa làng là nơi tu hành của các nhà sư, nơi thờ Phật và nơi gửi hậu của dân làng, là nơi đi lại tĩnh tâm vào ngày sóc, ngày vọng của nữ giới và người già.

Một nghi thức thờ thành Hoàng
Bên cạnh đình và chùa, trong làng quê Việt Nam còn có đền, nghè, miếu, quán… cũng thờ thần. Riêng miếu có kiến trúc nhỏ hẹp, cũng có nơi thì miếu là của cộng đồng xóm ngõ.
Tín ngưỡng làng quê của người Việt là tín ngưỡng đa thần: Thành hoàng, có thần tổ tiên, có Ngọc hoàng thượng đế, có thần Mẫu… Các vị thần đó đồng thời tồn tại, không mâu thuẫn mà lại bổ sung cho nhau. Trong ngôi chùa, ngoài thờ Phật còn thờ Mẫu (điện Mẫu trong khu chùa thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh, Ngọc hoàng thượng đế…). Hiện tượng tín ngưỡng dung hợp này cũng phản ánh phương thức tư duy bao dung, cởi mở của người Việt. Trong các làng Việt xưa, thờ Thành hoàng là công việc của cả làng; thờ tổ tiên là công việc của gia đình và dòng họ; còn thờ tổ sư là công việc của những người làm nghề thủ công…
Nguồn gốc của tín ngưỡng đa thần phát sinh từ sự kính sợ các hiện tượng thiên nhiên hay từ cảm tính về cái thiêng của một vật thể nào đó. Tín ngưỡng đa thần cũng bắt nguồn từ những thần thoại mô tả rất nhiều nhân vật có hình tướng lạ thường, tính cách phi thường, có sức mạnh siêu phàm. Những thần này đặc trách cai quản và phù hộ cho một lãnh vực đời sống thế gian. Tín ngưỡng đa thần còn đi đến sự thần hóa các vị anh hùng trong dã sử hay lịch sử của một dân tộc. Từ xuất phát điểm ban đầu, qua thực tế có thể thấy tín ngưỡng đa thần còn gắn với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Ban Nghiên cứu văn hóa