Các Thành hoàng ở đồng bằng Bắc Bộ xuất phát từ các nguồn gốc khác nhau: Thiên thần, Nhiên thần và Nhân thần, trong đó gốc Nhân thần chiếm số lượng đông đảo hơn cả. Trong Nhân thần thì các nhân vật lịch sử chiếm đại đa số. Có thể nói, thông qua các loại Thành hoàng làng, ta có thể thấy được thiên nhiên và lịch sử Việt Nam. Một thiên nhiên lấy Núi – Nước (Sơn – Thủy) làm môi trường chính, còn một lịch sử lấy lòng yêu nước, tâm thức uống nước nhớ nguồn, tinh thần chống giặc ngoại xâm làm cốt lõi.
Thế giới Thành hoàng là sự phản ánh thế giới con người của xã hội Việt Nam cổ truyền với các loại người, tầng lớp xã hội khác nhau. Ở đây, một lần nữa khẳng định luận điểm của Mác, là con người tạo ra thánh thần theo mô thức xã hội của chính con người.
Ảnh minh họa
Xu hướng biến đổi và vận động của các Thành hoàng làng của người Việt là lịch sử hóa và địa phương hóa. Các vị thần linh vốn là Thiên thần và Nhiên thần có thể trở thành các nhân vật lịch sử. Ở đây người Việt không chỉ lịch sử hóa bản thân mình mà còn lịch sử hóa cả chính môi trường tự nhiên mà mình đang sống. Một ngọn núi, một con sông, một vùng đất… đều có thể hóa thân thành nhân vật lịch sử. Rồi các thần linh không chỉ là chung của cả đất nước, dân tộc, mà dễ dàng được dân gian “địa phương hóa” thành của làng xã, quê quán phân bố theo trục không gian và thời gian “địa phương hóa” thành của làng xã quê hương mình.
Thành hoàng phân bố theo trục không gian và thời gian. Thành hoàng trải dài suốt các giai đoạn lịch sử, nhưng tập trung hơn cả là thời Hùng Vương – An Dương Vương, Hai Bà Trưng, thời Tiền Lý đến thời Lê. Đó là thời kỳ lịch sử hết sức đặc biệt của toàn bộ tiến trình lịch sử Việt Nam. Như vậy, hệ thống Thành hoàng không chỉ phản ánh lịch sử, mà còn phản ánh lịch sử theo cách riêng của mình. Tại sao từ thời Hậu Lê trở đi, đặc biệt là thời Hậu Lê và Tây Sơn Nguyễn có rất ít người được thờ làm Thành hoàng? Tại sao thời Bắc thuộc lại chỉ tập trung vào hai giai đoạn là Hai Bà Trưng và Tiền Lý (Lý Bôn)?
Có những vùng Thành hoàng gắn với điều kiện tự nhiên và lịch sử địa phương. Thành hoàng thời Hùng Vương – An Dương Vương, tập trung ở Hà Bắc cũ, Vĩnh Phú cũ và Hà Tây cũ. Thời Hai Bà Trưng tập trung ở Hà Tây cũ và xung quanh Hà Nội. Thời Tiền Lý gắn liền với vùng đầm lầy, ven sông, ven biển, thời Lý thì đậm đặc ở Kinh Bắc, thời Trần lại gắn với duyên hải Nam Hải – Thái Bình – Quảng Ninh…
Dù xuất phát từ Thiên thần, Nhiên thần hay Nhân thần, từ nguồn gốc xã hội hay tầng lớp nào, dù là phúc thần hay không phải phúc thần, thì Thành hoàng cũng luôn là các vị thần bảo vệ, che chở cho cộng đồng. Thành hoàng trở thành biểu tưởng tâm linh cô kết cộng đồng.
Ban Nghiên cứu Tôn giáo