Trong số các vị Thành hoàng không có sắc phong, ngoài các loại bị quy là “Dâm thần”, “Dị thần” thì còn không ít các Thành hoàng là Thổ thần. Có lẽ đây là loại Thành hoàng có nguồn gốc xa xưa là các Thổ thần của các thôn, làng, sau này do việc phong tặng của các triều đại phong kiến mà bị “biến mất”, nhập vào các Thành hoàng là nhân vật lịch sử hay bị loại ra khỏi loại Thành hoàng có sắc phong. Cũng có loại Thổ thần là Thành hoàng mang sắc phong chung là “Bản cảnh Thành hoàng”, mà nơi còn quan sát thấy nhiều là ở Nam Định (38 làng thờ Bản cảnh Thành hoàng).
Tuy nhiên, có những nơi Thổ thần còn được giữ nguyên tên như một trong ba vị Thành hoàng của làng Đình Bảng: Sơn thần, Thủy thần và Thổ thần. Cũng có nhiều trường hợp đã được lịch sử hóa, như trường hợp ở làng Trúc Đồng, xã Đồng Trúc huyện Thạch Thất (Hà Nội), Thành hoàng làng này vốn là Thổ thần, sau theo Hai Bà Trưng đi đánh giặc Đông Hán, nên sau mang sắc phong Giám Sát Đại Vương.
Trong số các Thành hoàng có nguồn gốc tự nhiên (Nhiên thần), còn phải kể tới một số trường hợp khác đặc thù. Đó là Thành hoàng là Cây: Bao Đại Vương (Công Đình, Đông Ngàn, Đông Anh, Hà Nội) và Mộc Thụ Đại Vương (Mỹ Thắng, Mỹ Lộc). Có thể hai vị trên cũng có gốc gác là Thổ thần (thần bản thổ), Thần Đồng cổ (trống đồng) thờ phụng phổ biến hơn ở Thanh Hóa – Nghệ An, ở Từ Liêm và Bưởi (Hà Nội) là thờ vọng Thần Đồng cổ từ Thanh Hóa. Súng Thần công (ông Linh, Bà Hỏa) được thờ ở một số làng ven Thừa Thiên Huế.
Thành hoàng có nguồn gốc Nhân thần. Đây là loại Thành hoàng chiếm số lượng lớn nhất trong ba loại Thành hoàng kể trên. Tuy nhiên, trong số các Thành hoàng này, tùy theo công tích và vị thế xã hội, nguồn gốc mà có thể phân chia thành các tiểu loại: Thành hoàng là các nhân vật lịch sử; Thành hoàng các danh nhân văn hóa; Thành hoàng là các vị lập làng (Tiên hiền, Hậu hiền); Thành hoàng là người hiền sĩ có công mở mang dân trí; Thành hoàng là người ngoại bang; Thành hoàng là những người chết vào giờ thiêng…
Ban Nghiên cứu Tôn giáo