Tế lễ là cuộc dâng lễ vật một cách long trọng lên những vị thần lớn như: Trời, Đất, Mùa Màng, các vị thần Thành Hoàng, hay ông Thủy Tổ của gia tộc, dòng họ. Tế cũng là cúng nhưng hình thức và quy mô rộng lớn hơn, mang tính chất tập thể (họ tộc, làng xã, vùng miền, quốc gia). Tế lễ còn được tổ chức một cách trọng thể với cờ xí, nhạc lễ, phẩm phục, phẩm vật và một Ban tế gồm nhiều người, nhiều chức sắc.
Thời gian tổ chức tế lễ
Việc lễ tế tự tại đền, đình gồm có: lễ Sóc, Vọng (Sóc = ngày mồng Một, vọng = ngày Rằm) cùng các tuần tiết, kỳ phúc khác.
- Lễ Sóc, Vọng: hàng tháng đến ngày Mồng Một (ngày Sóc) và Rằm (ngày Vọng), dân làng sắm lễ xôi gà hay oản chuối, trầu rượu tới đền, đình lễ thần. Thường lệ một số bô lão trong làng khoảng mươi người mặc áo thụng vào làm lễ. Sau lễ, các lễ phẩm chia lấy một phần làm cỗ “Kiến viên” để những người có mặt ăn uống vối nhau, phần còn lại thì chia đều cho mọi người được hưởng thần huệ. Cũng có nhiều làng vào những ngày Sóc, Vọng chỉ một mình thủ từ đến thắp hương và dâng trầu rượu lễ thần.
- Các tuần tiết: gồm 3 ngày: ngày rằm tháng Giêng (tết Thượng Nguyên), Mồng 5 tháng Năm (tết Đoan Dương), rằm tháng Bảy (Trung Nguyên), ngày Hạ điền (ngày bắt đầu bước chân xuống ruộng), Thượng điền (ngày cơm mới), ngày Thần huý, Thần đản (ngày sinh, ngày hoá của thần). Những ngày này đểu làm lễ, tuỳ tục làng và điều kiện sống như mất mùa, được mùa để dùng bò, lợn hoặc gà xôi mà tế lễ thần.
- Tế Kỳ phúc: hàng năm, làng tiến hành tế Kỳ phúc vào hai kỳ Xuân, Thu để cầu phúc lành cho dân làng.
Ban Tế
Ban tế là những người được dân làng, hội người cao tuổi cử ra và được chính quyền địa phương công nhận để đại diện cho dân làng làm lễ tế, cầu cho dân làng được "phong đăng hoà cốc".
Một Ban tế thường gồm các thành phần: Chủ tế, Bồi tế, Đông xướng, Tây xướng, Nội tán, Chấp sự, Đồng văn.
Trang phục của Ban tế
Theo truyền thống, các tế quan thường mặc áo thụng xanh, trước ngực và sau lưng có trang trí bố tử. Nếu là quan văn thì trên áo trang trí bối tử thuộc “bộ Cầm” (Phượng, hạc, cò, gà...), nếu là quan võ thì trên áo trang trí bối tử “bộ Thú” (Kỳ lân, hổ, cáo, chuột...), quần màu trắng, chân đi hia, đầu đội mũ hoa quan.
Riêng ông chủ tế mặc quần trắng, áo thụng đỏ, chân đi hia đỏ, đầu đội mũ hoa quan đỏ. Ngoài ra còn có 2 ông từ mặc áo the đen, quần trắng chân đi tất, đầu đội khăn xếp đen.
Văn tế (chúc văn)
Văn tế là một bài văn đọc lúc tế lễ để kể tính nết, công đức của các vị thần linh, Thành hoàng, Thủy tổ của dòng họ, hội đoàn và tỏ tấm lòng kính trọng và thương tiếc của mình. Văn tế thường do Chủ tế đọc. Nhưng cũng có thể do một người nào đó trong Ban tế đã được chỉ định trước.
Trang vật dụng dùng trong khi tế: 01 chiếu ở đại đình; 01 chiếu ẩm phước ở long đình; 01 chiếu ở tiền tế; 01 cây quán tẩy đặt đĩa rượu và vải đỏ lau tay; 01 bàn đặt rượu, đèn, nhang phục vụ đội tế; 01 giá đọc chúc văn.
Diễn tiến một buổi tế lễ
Diển tiến buổi Tế tương tự như lớp lang của một bản kịch ngắn mà Ban tế cần hiểu biết trước thật rõ ràng; đôi khi phải tập dượt nhiều lần
cho suông sẻ, để giữ sự long trọng của buổi tế. Chi tiết diễn tiến thay đổi tùy miền, tùy loại tế, nhưng bao giờ cũng gồm 4 giai đoạn:
- Nghênh thần: Đón các thần linh về ngự tại Long ngai, bài vị tại di tích (đình, đền, từ đường...).
- Hiến lễ: Dâng lễ lên ban thờ (hương án, án gian) thờ cúng các thần linh (3 lần).
- Ẩm phúc và thu tộ: Chủ tế nhận lộc của các thần linh ban.
- Lễ tạ: Kết thúc buổi tế.
Hành diễn tế
Chủ tế và các quan bồi tế khi hành tế nhất thiết phải đi theo hình chữ Á theo nhịp trống tế bước đều, mũi chân trước của người này chạm gót chân sau của người kia. Chịu sự điều khiển của tế quan Đông xướng và Tây xướng từ hành sơ (tuần thứ nhất) đến hành chung (tuần cuối cùng)./.
Ban Nghiên cứu Tôn giáo