Tết Nguyên đán được coi là dịp nghỉ lễ lớn và quan trọng nhất trong năm. Đây là khoảng thời gian để các thành viên trong gia đình có dịp được ngồi quây quần bên nhau sau một năm dài làm việc vất vả. Đồng thời ba ngày Tết quan trọng cũng là cơ hội để mọi người thăm hỏi người thân, thầy cô, bạn bè và cầu chúc cho nhau thêm một năm mới bình an và hạnh phúc.
Quan niệm “mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” đã xuất hiện từ rất lâu trong văn hóa của người Việt, nhưng người ta không xác định được chính xác nguồn gốc của câu nói dân gian này. Trải qua hàng nghìn năm, câu nói dân gian “mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” đã trở thành một thành ngữ ăn sâu vào trong văn hóa truyền thống của người Việt Nam.
Mùng 1 Tết cha
Tết của người Việt Nam được tính theo lịch âm và thời khắc khởi đầu năm mới là ngày mùng 1. Trước ngày này, các gia đình sẽ tổ chức cúng Giao thừa. Đây là phong tục tập quán thể hiện văn hóa “uống nước nhớ nguồn", biết ơn ông bà tổ tiên và để khởi đầu cho ngày Mùng 1.
Người Việt nói rằng “Mùng 1 Tết cha” bởi trong quan niệm truyền thống dân gian, người cha luôn giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Hoặc hiểu theo quan niệm của người Việt thì “cha” còn là từ được chỉ cho phía bên nhà nội. Do đó, ngày mùng 1 sẽ được coi là ngày để thực hiện các lễ nghi quan trọng như chúc tụng, cúng bái tổ tiên, mừng tuổi.

Mùng 1 sẽ được coi là ngày để thực hiện các lễ nghi quan trọng
Mùng 2 Tết mẹ
Bắt đầu mùng 2, cả gia đình sẽ “xuất hành” đến nhà ngoại. Theo dân gian thì “mẹ” chính là đại diện cho phía bên ngoại. Bên nhà ngoại cũng có những nghi thức tương tự như ở nhà nội, các thành viên sẽ chúc Tết, dành cho nhau những lời hỏi thăm và tận hưởng bầu không khí tươi mới của mùa xuân.
Với những người con lấy chồng xa quê thì “Mùng 2 Tết mẹ” có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bởi đây là thời điểm lý tưởng để dâu rể và con cháu có cơ hội quây quần cùng ông bà ngoại.

Mùng 3 Tết thầy để nói về công cha nghĩa mẹ ơn thầy
Mùng 3 Tết thầy
Người Việt từ xưa luôn coi trọng vai trò của người thầy, xem thầy như người cha thứ hai trong cuộc đời. Vì lẽ đó mà 'mùng 3 Tết thầy' đã gắn liền với truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc.
Sau khi hoàn thành các nghi thức bày tỏ lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ hai bên nội ngoại, ngày mùng 3 Tết là dịp để con cháu đến thăm thầy cô, gửi gắm những lời chúc tốt đẹp, mong người bồi dưỡng giáo dục mình dồi dào sức khỏe. Đây cũng là cơ hội để bày tỏ sự kính trọng và lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã tận tâm truyền dạy tri thức, dìu dắt ta trên hành trình trưởng thành. Ngoài ra, đây cũng là dịp những người trẻ Việt họp lớp, giao lưu với những người bạn cũ sau một năm dài ít có cơ hội gặp gỡ.
Câu nói “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” không chỉ là một truyền thống quen thuộc mà còn là lời nhắc nhở về lòng hiếu kính, sự biết ơn và tinh thần “uống nước nhớ nguồn” của người Việt.
Ban Nghiên cứu VHTN phía Nam