Tín ngưỡng nguyên thủy ở Việt Nam ra đời cùng với nhu cầu, khát vọng của con người, thể hiện niềm tin của con người đối với đấng thiêng, huyền bí để vượt khỏi thế giới tự nhiên đầy nguy hiểm, hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn.
Sùng bái tự nhiên
Thời nguyên thủy, con người sùng bái đất và coi nó cũng có linh hồn, vì đất có thể nuôi dưỡng vạn vật nên được gọi là Mẹ đất. Mẹ đất sinh ra và nuôi dưỡng vạn vật nhờ ân huệ của cha Trời.
Nước là yếu tố vô cùng quan trọng trong cuộc sống và sinh hoạt của mỗi con người. Với nghề nông nghiệp trồng trọt đặc biệt là lúa thì nước càng có vai trò đặc biệt quan trọng. Nó là yếu tố đầu tiên cũng là điều kiện quyết định sự sống của cây cối nói chung và cây lúa nói riêng. Do đó, từ thời sơ khai, tín ngưỡng thờ nước đã hình thành và lan tỏa mạnh mẽ, tồn tại dai dẳng và sinh động.
Người nguyên thủy không biết đến lửa và tác dụng của nó. Lửa đối với họ đáng sợ bởi họ gặp lửa trong tự nhiên từ sấm sét, núi lửa. Họ tình cờ biết đến lửa khi đi săn bắn và gặp thú rừng bị lửa nướng chín. Bởi vậy, họ cho rằng lửa có thể ăn thịt những sinh vật khác. Người nguyên thủy tin rằng lửa chính là thần linh.
Sự xoay vần của ngày – đêm khiến người nguyên thủy lo lắng, sợ hãi. Đêm tối cản trở hoạt động của con người nên họ sùng bái ánh sáng – mặt trời. Tín ngưỡng sùng bái mặt trời có ở nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Anh, Hi Lạp, Ai Cập…Ở Việt Nam, tín ngưỡng thờ thần mặt trời phổ biến ở dân tộc Ê đê, M’Nông, Dao, Gia Rai…
Sùng bái động vật
Tín ngưỡng thờ cúng động vật là tín ngưỡng nguyên thủy ở Việt Nam. Đây là tín ngưỡng liên quan đến việc thờ cúng, tế lễ các loài động vật. Việc làm này bày tỏ sự tôn vinh, sùng bái của con người đối với Thần Thú. Đó là những động vật có thật và được tôn vinh trở thành thần thánh. Tín ngưỡng thờ cúng động vật ở Việt Nam là tín ngưỡng nguyên thủy, hình thành và phát triển trong xã hội thị tộc của người Việt. Họ thờ động vật với niềm tin về mối liên hệ gắn bó giữa con người chung sống trong cộng đồng.
Loài động vật được tôn thờ dựa trên hình thức bên ngoài hoặc ý nghĩa bên trong của chúng. Sự tôn thờ đó có thể thay đổi theo thời gian. Ở nước ta, mỗi dân tộc hay vùng, miền có những loài động vật được tôn thờ khác nhau. Những loài này khá đa dạng và phong phú, có thể là loài mạnh mẽ hay hiền lành; bò sát, chim, thú hay cá…
Sùng bái thực vật
Người nguyên thủy cho rằng cây cối cũng có linh hồn. Nó thể hiện ở việc cây cối đâm chồi vào mùa xuân, sinh trường vào mùa hạ, héo tàn vào mùa thu và ẩn tàng trong mùa đông. Những cây cổ thụ thường được con người xem như thần thánh. Họ nhân cách hóa những cây cổ thụ đó giống với con người. Thần hay cây thần có thể tìm được ở nhiều nơi trên thế giới. Cây thần có thể trị bệnh, nói chuyện hoặc biến hóa thành người thật.
Ở Việt Nam, tín ngưỡng thờ thực vật khá phổ biến. Thực vật được tôn sùng nhất chính là cây lúa, hồn lúa. Người dân cho rằng cây lúa cũng có linh hồn, nếu không cẩn thận hồn lúa sẽ bỏ đi. Hậu quả mà con người sẽ phải gánh chịu khi hồn lúa bỏ đi đó là việc mất mùa. Bởi vậy, trong những công đoạn như gieo mạ, làm cỏ, cấy lúa, gặt lúa họ hay cầu khấn để hồn lúa phù hộ.
Lễ rước Thần Lúa ở Hội Trò Trám (Lâm Thao, Phú Thọ)
Sùng bái linh vật
Đối tượng được sùng bái là những vật nhỏ nhặt như hòn đá, cành cây, nón rách…Thông thường, con người khi nhìn thấy một vật gì đó nếu cảm thấy nó linh thiêng sẽ mang về thờ. Nếu thiêng sẽ tạ ơn còn không thiêng sẽ vứt bỏ. Đây là một dạng của sùng bái vạn vật. Ở Việt Nam, linh vật thường xuất hiện ở những nơi linh thiêng như đền, đình, miếu. Linh vật trở thành biểu tượng của lịch sử, quá khứ và truyền thống.
Sùng bái vật tổ
Đây là một trong những hình thái tín ngưỡng nguyên thủy ở Việt Nam. Vật tổ có thể là một loại vật tự nhiên nào đó, nó có thể là động vật, thực vật hoặc vật vô sinh nào đó. Những vật được tôn làm vật tổ tuy không hạn chế nhưng thực tế thì phần nhiều là động, thực vật. Khi chọn một loài làm vật tổ thường thì con người không dám giết hại hay mạo phạm đến nó. Người nguyên thủy thường phải làm cho vật tổ của bộ tộc mình sinh sôi này nở.
Tục thờ Cá Ông ở vùng duyên hải Trung Bộ
Tín ngưỡng thờ vật tổ ở nước ta còn được biết đến với tên là Tô Tem thờ vật tổ. Đây là tập tục có từ thời các thị tộc. Thời kỳ này nhận thức của con người khá đơn giản, con người lo sợ trước sức mạnh của tự nhiên. Bởi vậy, các thị tộc thường lấy một con vật làm vật tổ của thị tộc mình./.
Ban Nghiên cứu Văn hóa