Trong các hình thái tín ngưỡng dân gian, thờ cúng tổ tiên là loại hình tồn tại phổ biến nhất và lâu bền nhất. Nhiều dân tộc trên thế giới cũng có tín ngưỡng này. Ở nước ta, thờ cúng tổ tiên không chỉ là tín ngưỡng phổ biến ở người Việt - tộc người đa số - mà còn lưu giữ ở một vài tộc người khác như người Mường, người Thái… Trải qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, trong khi nhiều tôn giáo, tín ngưỡng dân dã khác phải chịu cảnh long đong, bị kết tội “mê tín dị đoan”, tín ngưỡng thờ tổ tiên đã và vẫn chiếm được vị trí thiêng liêng trong đời sống tinh thần của con người. Ý thức “con người có tổ, có tông” được bảo tồn trong cõi tâm linh và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, dù họ sống trên tổ quốc mình hay lưu vong nơi xứ người. Đặc biệt, đây là hình thức tín ngưỡng được các thể chế chính trị (Nhà nước) từ xưa đến nay trân trọng thừa nhận, dù rằng với những mức độ khác nhau.
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên xuất hiện từ khi nào? Cho đến nay, khá nhiều người đưa ra giả thuyết: nó hình thành vào thời kỳ Bắc thuộc, cùng với những ảnh hưởng của văn hóa Hán. Nhưng một số vấn đề được trao đổi: liệu thời điểm ra đời có thể sớm hơn không? Mối quan hệ giữa yếu tố bản địa và yếu tố du nhập trong việc hình thành tín ngưỡng này diễn ra như thế nào? Câu giải đáp cần tìm từ nền tảng văn hóa – xã hội của cộng đồng cư dân Việt.
Cơ sở quan trọng đầu tiên cho việc hình thành bất cứ tôn giáo tín ngưỡng nào cũng là quan niệm tâm linh của con người về thế giới. Trước hết, cũng như nhiều dân tộc khác, người Việt xuất phát từ nhận thức “vạn vật hữu linh” – mọi vật đều có linh hồn, và bắt đầu từ giới tự nhiên xung quanh mình. Vì thế, loại thần cổ sơ nhất được người ta sùng bái là các Nhiên thần, đặc biệt là thần cây, thần đá, thần núi, thần sông nước. Bằng cách huyền thoại hóa, các vị Nhiên thần đã được mang khuôn mặt của con người (hiền hậu hay dữ tợn), tâm lý con người (vui mừng hay giận giữ). Có thể nói, việc “nhân hóa” các thần tự nhiên đã tạo ra một bước chuyển giao cho việc hình thành hệ thống nhân hóa. Đây cũng chính là giai đoạn con người bắt đầu khám phá về bản thân mình. Đến một thời điểm nào đó, mối quan hệ giữa cái hữu hình và cái vô hình, nhất là cái sống và cái chết, đã làm con người bận tâm. Vẫn với quan niệm “vật linh” kể trên, họ tin rằng trong mỗi người đều có phần “hồn”(và phần “vía”, tức phần hồn nhẹ hơn) và xác (chỉ có điều khác: đàn ông 3 hồn 7 vía, đàn bà 3 hồn 9 vía)./.
Ban Tôn giáo phía Nam