banner 728x90

Nghi thức thờ cúng ông bà ở Nam Bộ

09/05/2024 Lượt xem: 2568

Thờ tổ tiên là một nét đẹp văn hóa của người Việt xưa và nay. Bàn thờ tổ tiên là một phần không thể thiếu trong mỗi gia đình, không kể giàu nghèo hay địa vị xã hội. Thờ cúng tổ tiên chính là toàn bộ các hình thức lễ nghi, cúng bái nhằm thể hiện tấm lòng thành kính, đạo lý uống nước nhớ nguồn, biết ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã sinh thành và gây dựng nên cuộc sống cho con cháu - những người thuộc thế hệ đầu tiên của một dòng họ, với ông bà, cha mẹ đã qua đời.

Ở mỗi gia đình, bàn thờ gia tiên luôn là nơi thiêng liêng, tôn kính nhất. Bàn thờ được đặt ở chánh diện của ngôi nhà, ở gian nhà lớn hay nhà trước, hướng ra cửa cái. Việc bài trí các vật dụng trên bàn thờ cũng được sắp đặt theo một khuôn mẫu nhất định. Trên mỗi bàn thờ của người dân Nam bộ thường có : Lư hương, hai chân đèn, bình hoa, dĩa trưng trái cây và một ống bằng gỗ hoặc đồng dùng đựng nhang. Lư dùng đốt (xông) trầm hương phần lớn được đúc bằng đồng, số ít được chạm khắc bằng đá hay gỗ quý, được đặt ngay trung tâm của bàn thờ. Lư hương được đặt vững chãi, không xéo, không nghiêng, chênh lệch… bởi đó là điều tối kỵ. Hình dáng của lư hương cũng rất đa dạng, phổ biến là lư đồng mắt cua, lư mắt tre, lư hương trái bần. Hai bên lư hương là hai chân đèn tượng trưng cho âm – dương cân xứng, giao hòa, khoảng cách giữa hai chân đèn và lư hương phải thật đều nhau. Chính giữa bàn thờ là cây đèn dầu, vặn lửa nhỏ “liu riu” (còn gọi là chong đèn), vừa để tiện đốt nhang và cũng để giữ lửa. Bàn thờ luôn được trang hoàng, lau chùi dọn dẹp thường xuyên.

Bàn thờ gia tiên của người Nam bộ. 

Điều khác biệt lớn nhất giữa bàn thờ ngày xưa và hiện nay của người Nam bộ là thường thờ ông bà bằng “Thần chủ” mà nhiều người quen gọi là “Bài vị”. Đó là một tấm gỗ quý được chạm trổ tỉ mỉ và khắc các “dữ kiện”: tên tuổi, năm sinh, năm mất, quê quán, chức vị, phẩm trật xã hội… để con cháu nhớ đến. Ngày nay, “thần chủ” được thay bằng di ảnh của người quá cố, phần dưới thường ghi đơn giản tên và năm sinh, năm mất. Phía trong cùng bàn thờ, bà con thường treo tranh thờ là một bức tranh khổ lớn, thường thấy nhất là tranh cảnh sơn thủy hay hình ảnh một gốc tre già và những mụt măng lô nhô phía dưới để làm nền cho những chữ Hán khổ lớn, thường là các chữ: “Từ đường”, “Cửu huyền thất tổ” …, trên cùng thường thấy nhất là ba chữ “Đức – Lưu – Phương” (Hương thơm công đức của tổ tiên còn ngào ngạt đến thế hệ cháu con). Hai bên tranh thờ còn có những cặp đối, liễn, phổ biến nhất là:

“Tổ tông công đức thiên niên thạnh
Tử hiếu tôn hiền vạn đại vinh”

Bàn thờ trong mỗi nhà vừa thể hiện sự tôn nghiêm, kính cẩn lại thể hiện “đẳng cấp” của gia chủ. Người giàu có thì bàn thờ được đóng bằng gỗ quý, cẩn ốc xà cừ hình long, lân, quy, phụng hoặc sơn son thếp vàng. Người trung lưu và người không được khá giả thì bàn thờ đơn giản hơn nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu vững chãi, vẻ thanh thoát và tôn nghiêm. Theo một số cụ cao niên ở Nam bộ thì ngày xưa, con cháu thờ ông bà tổ tiên tuyệt đối phải trên bàn thờ chứ không được làm kệ gỗ đơn giản, chông chênh.

Người dân Bắc bộ thường có nhà thờ họ – nơi thờ ông bà tổ tiên của dòng họ mình. Trong Nam ít có nhà thờ họ mà lại có nhà Từ đường – nơi giữ hương hỏa của dòng họ. Từ đường thường là ngôi nhà mà ông bà, cha mẹ thuở sanh tiền ở với người con trai, thường là con trai út. Theo truyền thống của người Nam bộ, con trai út là người giữ hương hỏa, lo việc thờ cúng tổ tiên. Giỗ chạp của ông bà thường được tổ chức ở Từ đường và do người con trai út đứng ra lo toan mọi sự, dĩ nhiên có sự tiếp giúp của anh chị em và bà con dòng họ.

Ngày giỗ ông (bà) cũng là dịp để anh chị em, bà con tụ họp về đông đủ nhất. Buổi chiều trước ngày đám giỗ, anh chị em cùng nhau nấu mâm cơm đơn giản, thường là nấu những món mà thuở sanh tiền, cha (mẹ) thích ăn nhất để cúng, gọi là cúng “tiên thường”. Buổi cúng này không có người ngoài mà chỉ có anh chị em, con cháu cật ruột. Cúng xong, anh chị em, con cháu cùng nhau ăn rồi ngồi lại bên nhau ôn lại những kỷ niệm, công đức của người quá cố như để tri ân và lấy đó mà khuyên dạy con cháu. Họ hỏi thăm nhau về sức khỏe, công việc làm ăn của nhau trong sợi dây tình thân “anh em một nhà”. Ngày chánh giỗ, phần lễ đốt nhang tưởng nhớ ông bà thường là do người giữ hương hỏa chủ sự. Người này ăn mặc tươm tất (thời xưa thường là phải áo dài, khăn đóng, guốc mộc) lấy nhang đốt từ ngọn lửa của cây đèn dầu – lửa hương hỏa (không sử dụng hột quẹt hay que diêm và tối kỵ đốt bằng ngọn lửa từ bếp lò) rồi phân phát cho mọi người. Đám giỗ thường đãi ăn đơn giản và ít khách, chỉ mời bà con và những người thân tín với gia đình. Tuy vậy, đám gọi là “nhỏ nhỏ” của một gia đình ở Nam bộ xưa thường cũng ngót hơn chục mâm bởi bà con đông. Đám giỗ của người Nam bộ thể hiện rất đậm nét tinh thần “cây cội nước nguồn” và sự đoàn kết trong bà con, dòng họ.

Ngày nay, việc thờ cúng tổ tiên luôn được bà con giữ gìn, phát huy. Một số thủ tục, hình thức có phần “rườm rà”, không còn phù hợp đã được đơn giản hóa nhưng tấm lòng hướng về ông bà, kính nhớ tổ tiên thì vẫn được giữ vẹn. Đó không đơn giản là sự tín ngưỡng, một đạo Hiếu mà còn là một phong tục mang đậm tính nhân văn của người Việt Nam. Thờ cúng tổ tiên là một biểu hiện của văn hóa dân tộc, góp thêm nét đẹp cho giá trị đạo đức truyền thống, lưu giữ và phát huy bản sắc dân tộc. Nhưng hơn hết, thờ cúng tổ tiên nhắc nhở cháu con đời sau giữ gìn đạo lý, nề nếp gia phong, sống thủy chung son sắt, biết bà con dòng họ.

Ban Nghiên cứu Văn hóa

 

 

Tags:

Bài viết khác

Các hình thức diễn xướng trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Hầu bóng là một nghi lễ tiêu biểu và đặc trưng nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu, vốn xuất phát từ người Việt ở Bắc Bộ, nhưng sau đó theo chân người Việt vào Trung Bộ và Nam Bộ, tạo nên những sắc thái riêng cho mỗi miền. Hầu bóng, nhìn từ góc độ văn hóa - nghệ thuật là một hình thức diễn xướng dân gian tổng hợp, một loại hình sân khấu tâm linh.

Lễ hội Nghinh Ông - Nét văn hóa đậm chất dân gian và lâu đời của người dân vùng biển Cần Giờ

Hàng trăm ghe đánh cá của ngư dân huyện Cần Giờ (Tp.Hồ Chí Minh) tham gia đoàn đưa - rước Nghinh Ông, cầu vụ mùa bội thu. Từng đàn hải âu bám theo ghe Nghinh ra khu vực làm lễ. Bên đường người dân lập hương án chờ Nghinh Ông về.

Sự tích hợp các giá trị văn hóa nghệ thuật trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Trong các loại hình văn hóa của con người có một dạng thức văn hóa khá đặc thù, đó là “văn hóa tôn giáo”, như văn hóa Phật giáo, văn hóa Gia tô giáo, văn hóa Ấn giáo và văn hóa Khổng giáo. Đối với một số tín ngưỡng hay tôn giáo sơ khai, chúng ta có thể dõi thấy những dạng thức văn hóa, những quá trình tích hợp văn hóa – nghệ thuật như vậy, trong đó tín ngưỡng thờ Mẫu là một ví dụ khá tiêu biểu.

Lễ hội Nghinh Ông Phú Quốc: Nét đẹp tín ngưỡng thờ Cá Ông của ngư dân đảo ngọc

Lễ hội Nghinh Ông Phú Quốc được xem là lễ hội dân gian lâu đời của ngư dân trên đảo ngọc. Hằng năm, lễ hội đều được tổ chức để tỏ lòng thành kính đối với Cá Ông, cũng như mong muốn một năm mưa thuận gió hoà.

Ý nghĩa tượng Phúc Lộc Thọ

Từ xa xưa, con người luôn tin vào sức mạnh của thần linh để cầu chúc cho niềm vui, tuổi thọ và sức khỏe. Đặc biệt, tượng Phúc - Lộc - Thọ luôn được tôn thờ để gắn kết với những điều tốt đẹp này.

Tín ngưỡng thờ cúng trong các nhà thờ họ ở vùng biển

Nhà thờ họ là một công trình kiến trúc truyền thống của người Việt, được xây dựng để thờ cúng tổ tiên của một dòng họ. Đây là nơi con cháu trong dòng họ tập trung vào những dịp quan trọng như ngày giỗ tổ, lễ Tết, hay các nghi lễ tôn giáo khác để tưởng nhớ và bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên.

Những mặt hạn chế, tiêu cực của tín ngưỡng thờ Mẫu và nghi lễ lên đồng

Bản thân tín ngưỡng thờ Mẫu là hệ thống các tín ngưỡng ở các trình độ phát triển rất khác nhau, từ sơ khai, nguyên thủy như các hình thức thờ Nữ thần đến các hình thức phát triển cao hơn là thờ Mẫu Tam Phủ Tứ Phủ.

Vẻ đẹp văn hóa trong nghệ thuật múa dân gian của người Dao

Khởi nguồn từ đời sống lao động và những ước mơ về cuộc sống thanh bình, hạnh phúc, nghệ thuật múa dân gian của người Dao phản chiếu những góc nhìn văn hóa đa chiều về cuộc sống, tín ngưỡng và bản sắc văn hóa Dao.
Top