Từ bao đời nay, tín ngưỡng dân gian và lễ hội truyền thống là hai thành tố có mối quan hệ mật thiết, gắn bó với nhau, có vai trò rất quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam. Sự thăng trầm của lễ hội truyền thống và tín ngưỡng dân gian trong lịch sử đã chứng tỏ sức sống bền bỉ và sự hợp lý của nó trong ký ức của cộng đồng.

Nghi thức cúng tế thần của đồng bào Tây Bắc
Nói đến sinh hoạt tín ngưỡng không thể không đề cập đến lễ hội vì tín ngưỡng là phần hồn, phần cốt, lễ hội là vỏ bọc của tín ngưỡng. Tín ngưỡng mang lại tính thiêng liêng, yếu tố thanh lọc cho mọi thành viên về dự lễ hội. Ngược lại, lễ hội lại chứa đựng khát vọng và là nơi giải tỏa những ước muốn tâm linh của người nông dân trong xã hội xưa. Lễ hội làng được mở trước và sau mỗi mùa vụ sản xuất nhằm thiết lập sự cân bằng cần thiết trong quan hệ nhiều chiều giữa con người và con người; giữa con người và vạn vật; con người và thần linh; con người và vũ trụ. Người dân đến với tín ngưỡng, lễ hội để bày tỏ sự tôn kính thần linh và mong ước về những điều tốt lành trong cuộc sống. Những yếu tố văn hoá, nghệ thuật dân gian mang đến cho hoạt động tín ngưỡng sức sống của đời thường, sự gần gũi giữa mọi người khi tham gia lễ hội. Chính nhờ vậy, trong một hình thái lễ hội, cả hai yếu tố tín ngưỡng và văn hoá đều tồn tại và dung dưỡng cho nhau.
Tín ngưỡng dân gian là một hình thái biểu thị đức tin, niềm tin của con người và của cộng đồng ở một trình độ phát triển xã hội và nhận thức nhất định vào một sự vật, hiện tượng nào đó mang tính thiêng liêng, cao cả, đáng sùng kính trong thế giới người hoặc thế giới siêu nhiên nào đó. Tín ngưỡng dân gian không nhất thiết phải tuân theo một hệ thống tôn giáo nhất định nào. Các tín ngưỡng này dựa trên các quan niệm dân gian. Con người tin vào thần linh, có thể là linh hồn người chết, cây cối, con vật hay bất kì thứ gì trong tự nhiên. Từ sự sợ hãi với thiên nhiên, dần dần người ta sinh ra sự sùng bái, tin tưởng, linh thiêng hoá tạo thành các tín ngưỡng dân gian trong cộng đồng làng xã. Tín ngưỡng dân gian Việt Nam được hình thành từ hoạt động sản xuất, không chỉ phản ánh nguyện vọng của con người về một cuộc sống tốt đẹp hơn, mà còn phản ánh trình độ nhận thức của con người về tự nhiên và xã hội.

Tự do tín ngưỡng và tôn giáo được nhà nước tôn trọng và bảo đảm
Lễ hội truyền thống là loại hình sinh hoạt văn hoá, sản phẩm tinh thần của người dân được hình thành và phát triển trong quá trình lịch sử, là sự kiện thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của cộng đồng nhằm mục đích tôn vinh những hình tượng thiêng, được định danh là những vị “Thần” - những người có thật trong lịch sử dân tộc hay huyền thoại. Hình tượng các vị thần linh đã hội tụ những phẩm chất cao đẹp của con người. Đó là những anh hùng chống giặc ngoại xâm; những người khai phá vùng đất mới, tạo dựng nghề nghiệp; những người chống chọi với thiên tai, diệt trừ ác thú; những người chữa bệnh cứu người; những nhân vật truyền thuyết đã chi phối cuộc sống nơi trần gian, giúp con người hướng thiện, giữ gìn cuộc sống hạnh phúc... Lễ hội cũng là sự kiện để các thế hệ con cháu hôm nay tưởng nhớ, tỏ lòng tri ân công đức của các vị thần - những người đã có công đối với cộng đồng, dân tộc.
Trên thực tế, các lễ hội nói chung, đặc biệt là lễ hội truyền thống đều xuất phát từ nhu cầu tín ngưỡng của Nhân dân, thường diễn ra như một cơ hội để con người thể hiện tấm lòng sùng kính của mình với đức tin mà mình đã chọn. Lễ hội truyền thống gắn bó với làng xã, địa danh, vùng đất như một thành tố không thể thiếu nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh và củng cố ý thức cộng đồng. Vì thế, lễ hội truyền thống có vai trò không hề nhỏ trong đời sống xã hội, có khả năng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của đông đảo công chúng, đồng thời có tác động tới quá trình phát triển kinh tế - xã hội - chính trị của đất nước. Nhiều yếu tố văn hóa tinh thần được lễ hội bảo lưu và trao truyền từ đời này sang đời khác, trở thành di sản văn hóa vô giá của dân tộc.
Ban Nghiên cứu văn hóa