Thành phố Châu Đốc thuộc tỉnh An Giang là vùng đất đa dạng về văn hóa và lịch sử, bởi đây là vùng đất của sự giao thoa văn hóa giữa nhiều dân tộc như Kinh, Chăm, Hoa và Khmer. Nơi đây nổi tiếng là vùng đất linh thiêng với nhiều giai thoại “huyền bí” được truyền tai. Đặc biệt nổi tiếng với miếu Bà Chúa Xứ (Núi Sam)- một ngôi miếu linh thiêng, nơi mà những người dân địa phương và du khách tới cầu nguyện và tìm đến sự bình an.

Hình dáng ngôi chùa trong nắng mai
Núi Sam (Vĩnh Tế Sơn) cao 234 mét thuộc xã Vĩnh Tế, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Đây là một danh thắng của vùng đất phía Nam, phần vì vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên, phần vì hệ thống di tích nổi tiếng gắn liền với nó. Trong đó, Miếu và Lễ hội Bà Chúa Xứ là điểm nổi bật khi nhắc đến nơi này.
Bà Chúa Xứ trên đất Nam Bộ hiện diện ở rất nhiều nơi, nhất là tại các cơ sở tín ngưỡng dân gian của người Việt. Bà có thể được thờ tự bên cạnh thần Thành Hoàng trong các ngôi đình, các nhân vật lịch sử,… Đồng thời, Bà cũng có thể có vị trí riêng tại các “Miếu Bà Chúa Xứ” ở dọc đường, dọc sông, chợ, thôn xóm,… Hay Bà có thể ngự tại các cơ sở tín ngưỡng và có sức ảnh hưởng rộng rãi hơn như “Miếu Bà Chúa Xứ” tại các tỉnh thành.
Về nguồn gốc lịch sử của Bà Chúa Xứ – Núi Sam có khá nhiều câu chuyện và truyền thuyết được kể lại. Từ việc người ta tình cờ phát hiện và mang tượng Bà về từ trong rừng. Hay cặn kẽ hơn là câu chuyện tượng Bà ngày trước nằm trên đỉnh núi Sam, người Xiêm đã từng muốn cướp đi nhưng không được, người Việt cũng không thể khiêng xuống nổi. Bà mách bảo, chỉ những cô gái đồng trinh mới có thể mang Bà xuống yên vị dưới chân núi. Hoặc cụ thể hơn là theo ý kiến của một số nhà khoa học, tượng Bà thực chất là một tác phẩm điêu khắc thời Trung cổ, khả năng là sản phẩm của văn hóa Óc Eo – Phù Nam.
Ngày Vía Bà, tức là lễ hội lớn nhất hằng năm của Miếu Bà Chúa Xứ – Núi Sam, diễn ra chủ yếu từ ngày 23 đến 27 tháng 4 âm lịch. Trong đó, ngày lễ chính là ngày 25 tháng 4. Thời điểm này cũng là lúc đồng ruộng đã xuống giống. Có lẽ vì vậy mà những người nông dân địa phương tổ chức nhằm tạ ơn và cầu mong Bà cùng đất trời, thần thánh giúp mưa thuận gió hòa, đất nước thái bình, mùa màng tốt tươi,… Ngoài nông dân, các thành phần khác trong xã hội cũng tin và tôn thờ Bà, mong Bà ban phát lòng tin, tài lộc, sức khỏe, an vui trong cuộc sống.
Đêm 23 tháng 4 âm lịch là lúc diễn ra Lễ tắm Bà. Đây vốn là lễ tắm tượng thông thường nhưng với ngày vía Bà đây là nghi lễ quan trọng hàng đầu. Những người tham dự lễ đa phần quan niệm rằng: được nhìn thấy Bà và được lễ Bà sau Lễ tắm Bà sẽ rất may mắn. Vì vậy, từ chiều đã có đông đảo người dân đến chờ làm lễ. Trong thời gian đó, người dân được giúp vui bởi các tiết mục múa bóng rỗi từ các nghệ nhân khắp nơi đến biểu diễn cúng Bà. Đến 22 giờ, khách thập phương sẽ thực hiện nghi thức “dâng lễ vật” hay còn gọi là Nghi lễ tiến cúng áo mão. Khoảng 23 giờ, Ban quản trị miếu sẽ thực hiện nghi thức ra mắt và xin phép Bà để chuẩn bị tiến hành làm Lễ tắm Bà. Nghi thức bao gồm những việc như: niệm hương, dâng rượu, dâng trà và các lễ vật khác,… Đến 0 giờ đêm 23 rạng sáng 24, Lễ tắm Bà chính thức diễn ra sau bức màn vải che kín. Nước tắm Bà có ngâm hoa lài pha lẫn nước hoa thơm ngát. Việc tắm Bà do một số phụ nữ đứng tuổi ở địa phương thực hiện bao gồm các bước: cởi mão, khăn, đai áo, áo ngoài, áo trong: tiếp theo là nhúng khăn lau khắp tượng bà, xịt nước hoa, mặc áo mới cho tượng, thắt đai áo, chít khăn vấn đầu. Cuối cùng là đội mão mới cho Bà. Việc này đặc biệt dành cho một số vị bô lão (nam) thực hiện để kết thúc lễ. Khi tấm vải che được kéo ra, người dự lễ ùa vào sớm mong được là người đầu tiên làm lễ và thấy được “dung nhan mới” của Bà.

Quang cảnh lễ hội Bà Chúa Sứ vào ban đêm
Ngày 24 tháng 4 âm lịch, khách thập phương đến chiêm bái và lễ tế Bà tự do. Đến ngày lễ chính, ngày 25 tháng 4 âm lịch, khoảng 16h, diễn ra Lễ Thỉnh sắc từ Lăng Thoại Ngọc Hầu về
Miếu Bà Chúa Xứ. Đoàn rước gồm có lân, trống, Ban tế lễ, Ban quản trị Miếu Bà, các học trò lễ… với cờ phướn, cờ đại, các lễ bộ và một chiếc long đình sơn son thếp vàng. Nghi thức chính là đoàn rước sang làm lễ và thỉnh bốn bài vị (bài vị Thoại Ngọc Hầu và hai bà vợ cùng bài vị Hội Đồng, tức các quan dưới trướng ông) từ Lăng Nguyễn Văn Thoại đem về an vị tại Miếu Bà trong suốt những ngày Vía Bà.
Có thể nói, Lễ hội Bà Chúa Xứ – Núi Sam là một trong những lễ hội dân gian của người Việt mang tính chất tiêu biểu và điển hình cho quá trình giao tiếp văn hóa dân tộc ở vùng Nam Bộ. Người Việt tiếp thu tín ngưỡng thờ “Mẫu – Nữ thần” của người Chăm và một số dân tộc khác trên nền tín ngưỡng vốn có của người Việt. Điều này thể hiện ở sự tương đồng và cả sự đa dạng trong các nghi lễ và hình thức của lễ hội. Tầm quan trọng của lễ hội Bà Chúa Xứ – Núi Sam thể hiện ở việc lễ hội này vừa mang giá trị văn hóa đặc sắc vừa là chỗ dựa tâm linh vững chắc cho những người dân địa phương trong suốt những năm qua.
Ban Nghiên cứu Phật giáo phía Nam