Lễ kết nghĩa anh em được người Ê đê trân trọng, gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ cũng đồng nghĩa với việc tình đoàn kết cộng đồng ngày càng được củng cố.
Đồng bào Ê Đê sinh sống tại các tỉnh Tây Nguyên có phong tục, tập quán rất phong phú. Một trong những nghi lễ thể hiện ý nghĩa tâm linh sâu sắc, tinh thần đoàn kết cộng đồng là lễ kết nghĩa anh em. Dù trải qua bao thăng trầm lịch sử, tục lệ này vẫn luôn được đồng bào Ê đê trân trọng.
Nhân dịp hôm nay, tôi cảm ơn anh Y Dao đã quen nhau 3 năm; cảm ơn bố mẹ đã có mặt để làm lễ chứng kiến 2 anh em chúng tôi. Từ nay trở đi, chúng tôi sẽ có trách nhiệm đối với gia đình, thường xuyên thăm hỏi sức khỏe bố mẹ, mong bố mẹ sống hạnh phúc.
3 năm trước, anh Y Dao và Y Nhim ở xã Ea Tar huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, đã tình cờ quen biết nhau. Quá trình kết thân, 2 anh thấy hợp nhau và mong muốn gắn bó làm anh em một nhà nên đã tổ chức lễ kết nghĩa anh em, nhờ thầy cúng và dân làng cùng gia đình chứng nhận. "Tôi bàn với bố mẹ và được bố mẹ đồng ý. Tôi báo tin cho bà con láng giềng để biết chúng tôi là anh em kết nghĩa. Bố rất mừng khi có thêm con trai nữa. Sau này khi đau ốm, có thêm người thăm hỏi, giúp đỡ lẫn nhau."
Lễ kết nghĩa anh em tạo thêm sự gắn bó keo sơn
Những điều anh Y Nhim chia sẻ là 1 trong những nghi thức trong lễ kết nghĩa anh em, một nét đẹp trong đời sống của người Ê đê. Theo già Y Thôn Niê, xã Ea Tar, lễ kết nghĩa anh em mang ý nghĩa rất nhân văn.
"Kết nghĩa anh em theo truyền thống của người Ê đê rất quan trọng, đã kết nghĩa thì từ nay trở đi họ là anh em mãi mãi."
Theo truyền thống của đồng bào Ê Đê, lễ kết nghĩa anh em trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện, không vụ lợi. Đó là sự kết nghĩa giữa 2 người bạn, nhưng cũng có thể là lễ kết nghĩa giữa các buôn làng với nhau. Sau lễ kết nghĩa, mối quan hệ sẽ càng thêm gắn bó, khăng khít, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Đặc biệt, không những bạn, mà ngay cả con cái của họ, thậm chí cả anh em họ hàng đôi bên cũng gắn bó với nhau như người một nhà, tạo nên tình đoàn kết keo sơn.
Khi mọi người đã quây quần đông đủ, tiếng cồng chiêng vang lên báo hiệu nghi lễ bắt đầu. Ảnh: VOV
Lễ kết nghĩa thường được tổ chức tại nhà của 1 trong 2 người kết nghĩa. Trước khi tổ chức lễ, chủ nhà chuẩn bị 10 ché rượu cần, 1 con lợn, 2 con gà, gạo, nếp và các gia vị. Người được kết nghĩa có mặt trước 5h sáng để chứng kiến chủ nhà mổ lợn, chuẩn bị các lễ vật, buộc ché rượu cần, gùi nước, chặt lá chuối... Lễ vật không thể thiếu trong lễ kết nghĩa anh em là những chiếc vòng đồng. Bởi, đối với người Ê Đê ở Tây Nguyên, chiếc vòng đồng vừa mang yếu tố văn hóa, vừa mang yếu tố tâm linh gắn với các nghi lễ vòng đời của con người. Việc sử dụng vòng đồng vừa là trang sức, vừa là vật chứng trong các lễ cúng, lễ kết nghĩa, lễ cưới…
Già I’ruk A yun, xã Ea Tar, cho biết: "Vòng đồng đó để biết gia đình thân thiết của người được cúng. Chiếc vòng này không bao giờ mất đi. Nếu mất đi, người đó sẽ gặp điều không may, không khỏe mạnh. Chiếc vòng mang tấm lòng của 2 người gắn bó với nhau. Chiếc vòng này, nếu người ta đi xa, nhìn chiếc vòng thấy vẫn sáng, sạch sẽ thì người trong gia đình vẫn khỏe mạnh. Nếu vòng đó bị ố màu, thì biết được rằng gia đình không khỏe mạnh, trong gia đình có chuyện không hay."
Khi mọi người đã quây quần đông đủ, tiếng cồng chiêng vang lên báo hiệu nghi lễ bắt đầu, phụ nữ được ưu tiên ngồi bên phía Nam của căn nhà, còn đàn ông ngồi bên phía Bắc. Người được kết nghĩa ngồi bên mâm cơm cúng và các lễ vật để thầy cúng tiến hành nghi lễ. Không khí buổi lễ diễn ra thiêng liêng, ấm áp.
Sau lễ cúng, người được kết nghĩa sẽ được các thành viên, người thân, họ hàng trong gia đình chủ nhà lần lượt đến trao tặng vòng đồng. Sau đó, tất cả mọi người cùng thưởng thức rượu cần chung vui. Đặc biệt, sau khi đã kết nghĩa, điều kiêng kị nhất là mọi người không được cãi nhau, xích mích, quậy phá. Nếu người nào vi phạm sẽ bị phạt 2 - 3 con lợn hoặc 1 con trâu hay 1 con bò. Được chứng kiến buổi lễ, chị H’Duôn Niê cho biết: "Tôi rất tự hào về bản sắc của chúng tôi. Tôi mong rằng, thế hệ đời sau sẽ giữ mãi bản sắc dân tộc Ê đê."
Lễ kết nghĩa anh em được người Ê đê trân trọng, gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ cũng đồng nghĩa với việc tình đoàn kết cộng đồng ngày càng được củng cố, là động lực để đồng bào Ê đê cùng nhau vượt qua khó khăn, xây dựng buôn làng ngày càng no ấm, giàu đẹp.
Theo vov.vn