banner 728x90

Lễ hội Cầu bông của người Kinh ở Bình Phước

25/07/2024 Lượt xem: 2451

Lễ hội Cầu bông của người Kinh ở Bình Phước được hình thành cùng với quá trình di dân và định cư của người Kinh tại vùng đất này. Cùng quá trình khai phá và định cư, người Kinh đã mang theo truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng làng xã đến với vùng đất mới, trong đó có tục thờ cúng Thành Hoàng, những bậc tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ. Hiện nay, Lễ hội Cầu bông ở tỉnh Bình Phước được cộng đồng thực hành tại 5 ngôi đình và một miếu thờ Thành hoàng, cụ thể: đình Hưng Long (thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành), đình Tân Khai (xã Tân Khai), đình Thanh An (xã Thanh An), đình Suối Cạn (xã Minh Hưng, huyện Hớn Quản), đình Tân Lập Phú (phường Phú Thịnh, thị xã Bình Long), miếu Đức Hòa (thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng).

Lễ hội Cầu bông Bình Phước là lễ hội truyền thống của cộng đồng người Kinh

Lễ hội Cầu bông ra đời vào khoảng nửa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, gắn với quá trình hình thành các ngôi đình thần và hoạt động sản xuất nông nghiệp của những cư dân người Kinh sinh sống trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Mục đích chính của lễ hội là cầu mong các vị nhiên thần, nhân thần và những bậc tiền hiền, hậu hiền phù trợ cho nhân dân trong xóm làng tiến hành một vụ mùa bội thu, mưa thuận, gió hòa cho cây trái xanh tốt.

Hàng năm, tại các đình thần thường diễn ra các nghi thức, nghi lễ cúng tế các vị Thần Thành Hoàng Bổn cảnh, trong đó, có hai nghi lễ chính đó là Lễ Kỳ yên và Lễ Cầu bông. Lễ hội Cầu bông ở mỗi địa phương tổ chức vào những ngày khác nhau, nhưng thường tổ chức trong tháng Tám, Chín và tháng Mười (Âm lịch). Đình thần Hưng Long tổ chức Lễ hội Cầu bông vào ngày 15 và 16 tháng Bảy, đình thần Tân Khai vào ngày 17 và 18 tháng Tám, đình thần Thanh An vào ngày 15 và 16 tháng Mười, đình thần Tân Lập Phú vào ngày 8 và 9 tháng Chín, miếu thần hoàng Đức Hòa từ ngày 13 đến 14 tháng Mười, đình thần Suối Cạn vào ngày 18 tháng Sáu. Theo phong tục, cứ 3 năm sẽ tổ chức đại lễ một lần (gọi là tục tam niên đáo lệ), trong đại lễ thường có hát bội.

Lễ hội Cầu bông ở Bình Phước thường được tổ chức trong hai ngày: Ngày thứ nhất có lễ trình thần, lễ rước bội, lễ thỉnh sanh, lễ tiên thường; Ngày thứ hai là lễ chính tế với các nghi thức khai lễ, lễ cúng tiền hiền, hậu hiền, các trò diễn.

Các nghi lễ được thực hiện một cách nghiêm trang, chỉn chu

Lễ trình thần

Chiều ngày thứ nhất, Ban Quý tế dâng lễ trình báo với Thành hoàng về những người sẽ thực hành các nghi lễ của Lễ hội Cầu bông. Nghi thức cúng Thành Hoàng, các thành viên trong Ban Quý tế trang phục gọn gàng, khấn cúng niệm hương, không có văn tế. Sau khi Chánh tế thực hiện nghi thức cúng Thành Hoàng, các thành viên tiến hành thắp hương lên bàn thờ Thành Hoàng, Tiền hiền, Hậu hiền để trình Thần các thành viên Ban Quý tế sẽ thực hiện các nghi lễ sắp được diễn ra tại đình thần.

Lễ rước bội

Hát bội chỉ được tổ chức vào những năm tiến hành đại lễ. Để tổ chức việc này, Ban Quý tế sẽ liên hệ với đoàn hát và chuẩn bị võ ca để tổ chức hát bội tại đình thần, võ ca thường được bố trí trước cửa đình và quay vào chính diện của đình.

Đến lễ chính, khi đoàn hát bội đến cửa đình, đại diện đoàn hát bội sẽ thắp nhang lên trên ngai thờ Tổ hát bội, lúc này Chánh tế sẽ bưng một khay trầu, rượu, nhang đèn, cùng các thành viên trong Ban Quý tế đem theo dàn lễ bộ ra cổng đình trao cho đại diện đoàn, để nghênh đón rước Tổ hát bội và đoàn hát bội vào đình.

Sau đó, đoàn hát bội sẽ đưa Ngai thờ Tổ vào đình để xin phép Thành hoàng được đặt Ngai thờ Tổ sau sân khấu của võ ca. Lúc này đoàn hát bội mới tiến hành đưa các dụng cụ, đồ dùng của đoàn hát bội vào đình và tiến hành những công tác chuẩn bị cho hoạt động biểu diễn của đoàn hát.

Lễ thỉnh sanh

Thực hiện vào khoảng 15 giờ, dâng trình lễ vật và xin phép Thành Hoàng cho được mổ heo để dùng cho lễ hội. Heo được chuẩn bị cho nghi lễ cúng là một con heo sống tuyền sắc (một màu - con vật thuộc loại nguyên sinh, thuần chủng không phải là giống lai tạp) thể hiện cho sự nguyên vẹn của lễ vật dâng cúng lên Thành hoàng. Heo dâng cúng được tắm rửa sạch và cột bốn chân chắc chắn để đưa lên đặt trước bàn thờ Thành Hoàng, ngoài ra còn các lễ vật là hoa quả, nhang, đèn, trầu, rượu… được sắp đặt tại bàn thờ Thành Hoàng và các bàn thờ Tiền hiền, Hậu hiền, bàn thờ Thần nông của đình thần. Sau khi đã chuẩn bị xong lễ vật, Ban Quý tế sẽ thực hiện nghi thức cúng, báo cáo heo tuyền sắc đang còn sống và xin Thần Thành Hoàng được phép làm thịt heo để dùng cho lễ hội.

Sau khi kết thúc Lễ thỉnh sanh, con heo sống được mổ thịt. Người mổ heo dùng một cái chung nhỏ để lấy một ít huyết heo và một nhúm lông gáy, lông đuôi của con heo (gọi là huyết mao) để dâng cúng Thành Hoàng ở nghi thức tiếp theo, chung đựng huyết mao sẽ được bọc giấy tiền vàng mã. Thịt heo sau khi được làm sạch sẽ, vẫn để nguyên con tiếp tục được đưa lên chính điện cùng với phần huyết mao để dâng cúng Thành Hoàng. Riêng phần lòng heo và huyết heo sẽ được dùng để nấu cháo dâng cúng trên đình thần.

Lễ tiên thường

Thực hiện vào 18 giờ, là nghi lễ dâng cúng lễ vật báo cáo với Thành Hoàng sau khi đã mổ thịt heo chuẩn bị cho chính lễ ngày hôm sau.

Lễ vật dâng cúng trong lễ tiên thường là thịt heo sống nguyên con cùng với cháo được nấu với lòng và huyết heo được đặt lên bàn thờ Thành Hoàng và các ban thờ khác tại đình thần. Sau khi các lễ vật được chuẩn bị xong, Chánh tế và các thành viên trong Ban Quý tế sẽ tiến hành bái ba bái trước bàn thờ và sau đó dâng hương lên trên bàn thờ Thành Hoàng, Tiền hiền, Hậu hiền trong đình.

Những người làm lễ chỉn chu trong trang phục truyền thống

Lễ chính tế

Sang ngày thứ hai, Ban Quý tế thực hiện nghi thức chính lễ. Lễ vật dâng cúng tại bàn thờ Thành hoàng (một phần thịt sườn heo sống, 7 thanh sườn heo); tại ban thờ Tiền hiền, Hậu hiền (phần thịt heo sống với 5 thanh sườn heo); tại ban thờ Chúa tể sơn lâm (một phần thịt heo sống, ngoài ra còn có các lễ vật khác gồm hoa quả, nhang đèn, hương đăng, rượu, trà, cau trầu...). Cùng với các lễ vật do Ban Quý tế chuẩn bị, nhân dân và du khách thập phương đến tham dự lễ hội sẽ đặt các lễ vật dâng cúng tại bàn hội đồng trước bàn thờ Thành Hoàng.

Nghi thức tiến hành lễ chính tế được tổ chức vào lúc 8 giờ sáng, bắt đầu là nghi thức khai lễ, cúng tế và hóa văn, sau đó là lễ cúng Tiền hiền, Hậu hiền. Sau khi cúng đình hoàn thành, cộng đồng sẽ vào đình dâng hương và cầu xin sức khỏe, bình an, thịnh vượng, mùa vụ bội thu…

Những phần biểu diễn hát bội rất đặc sắc

Vào dịp đại lễ, đình thần thường mời các đoàn hát bội về biểu diễn các tuồng, tích về lịch sử, văn hóa, sử thi thần thoại hoặc những câu chuyện dân gian về các tích sử mang tính răn đe giáo dục thể hiện cho tính nhân văn sâu sắc. Đình thần còn tổ chức các trò chơi dân gian nhằm tạo ra không gian văn hóa sinh hoạt cộng đồng náo nhiệt, như: chọi gà, đụng trâu, đi cà kheo, đánh cờ…

Lễ hội Cầu Bông phản ánh quá trình khai hoang lập làng của người Kinh trên vùng đất Bình Phước vào khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Thông qua hoạt động lễ hội tại đình thần đã phản ánh những ước mơ, khát vọng của cư dân người Kinh đến Bình Phước từ thủa khai sơn mở cõi. Cùng với hoạt động lễ hội, đình thần còn được xem như là một dấu ấn lịch sử về quá trình “Nam tiến” của những cư dân người Kinh trên vùng đất Bình Phước nói riêng và Nam Bộ nói chung. Thực hành lễ hội là dịp gắn kết cộng đồng, làng xã để vượt qua những lúc khó khăn, vất vả của buổi đầu khai sơn phá thạch cũng như trong quá trình xây dựng và phát triển lập nên các xóm làng người Việt trên vùng đất mới. Lễ hội Cầu Bông thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, ghi nhớ công ơn những người đi trước đã có công khai phá, tạo dựng nên những xóm làng mới để các thế hệ sau tiếp bước xây dựng. Có thể thấy, lễ hội Cầu Bông là kết quả của sự giao thoa văn hóa của cư dân các vùng miền của các dân tộc làm nên sự đa sắc màu trong bức tranh văn hóa của Bình Phước nói riêng và cả nước nói chung.

Ban Nghiên cứu Văn hóa

Tags:

Bài viết khác

Phong tục cúng giỗ đầu trong văn hóa của người Việt

Giỗ đầu còn gọi là Lễ tiểu tường, là ngày giỗ đầu tiên, tổ chức sau ngày người mất đúng một năm. Đây cũng chính là một nét văn hóa đặc trưng của người Việt từ xa xưa cho đến hiện nay.

Sự khác biệt trong phong tục thờ cúng giữa người Hoa với người Việt

Dù chịu ảnh hưởng bởi lối sống của người Việt nhưng người Hoa vẫn giữ được những phong tục riêng, đặc biệt là phong tục thờ cúng. Chính việc giữ gìn phong tục này đã tạo nên sự khác biệt độc đáo giữa người Việt và người Hoa, góp phần làm đa dạng bản sắc văn hóa của các dân tộc.

Hình tượng chim hạc trong đời sống tâm linh người Việt

Chim Hạc với hình ảnh nhẹ nhàng, tinh tế uyển chuyển là biểu trưng cho điềm lành, thanh cao thoát tục, trường thọ và hạnh phúc. Người dân dùng hình tượng Hạc để biểu thị mong ước ấm êm, gia đình vui vẻ.

Vai trò của bản hội trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Bản hội chính là một loại hình cộng đồng tôn giáo, tín ngưỡng. Cộng đồng này được cố kết với nhau bởi có cùng niềm tin vào sự độ trì của các vị thần trong tín ngưỡng thờ Mẫu và có chung một đồng thầy với những năng lực đặc biệt. Những phân tích lý thuyết về mối quan hệ giữa cộng đồng và di sản văn hóa đã chỉ ra vai trò chủ thể sáng tạo, thực hành, bảo vệ và trao truyền di sản của cộng đồng. Không có cộng đồng ắt sẽ không có di sản.

Tứ Phủ Thánh Cô trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Tứ Phủ Thánh Cô gồm Thập Nhị Thánh Cô (Mười hai cô). Trong Đạo Mẫu, Tứ Phủ Thánh Cô đứng sau Ngũ Vị Tôn Ông, Tứ Phủ Chầu bà, Tứ Phủ Quan Hoàng, đứng trên Tứ Phủ Thánh Cậu.

Tục thờ cúng bà Mụ trong tín ngưỡng người Việt

Lễ cúng Mụ thịnh hành trong một số dân tộc châu Á trong đó có dân tộc Việt, và thường được tổ chức vào những thời điểm khi đứa trẻ mới sinh được 3 ngày (ngày đầy cữ), 1 tháng (ngày đầy tháng) và 1 năm (ngày thôi nôi).

Hành lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Cũng như các tôn giáo, tín ngưỡng khác, tín ngưỡng thờ Mẫu cũng có những nguyên tắc nhất định trong việc hành lễ. Hành lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu là hệ thống những hành vi, động tác nhằm biểu hiện sự tôn kính của con người với thần linh, phản ánh những ước mơ chính đáng của con người trước cuộc sống mà bản thân họ chưa có khả năng thực hiện.

Tứ Phủ Thánh Cậu trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Tứ Phủ Thánh Cậu gồm có 12 Thánh Cậu, là các hình tượng nam thiếu niên, nhanh nhẹn, xông xáo, mạnh mẽ, hiếu động và thường là hầu cận của một vị thánh quan trong Tứ Phủ Quan Hoàng.
Top