banner 728x90

Hủ tiếu Mỹ Tho

03/04/2025 Lượt xem: 2533

Hủ tiếu Mỹ Tho là món ăn truyền thống của người Hoa du nhập vào Nam Bộ từ thế kỷ 17. Món hủ tiếu được người dân Mỹ Tho cải biến theo khẩu vị địa phương và kể từ thập niên 1960 cho đến nay đã nổi tiếng khắp nơi. Hủ tiếu đã chinh phục được rất nhiều thực khách trong và ngoài nước, giống như phở Hà Nội, bún bò Huế, cao lầu Hội An. Theo thời gian, hủ tiếu Mỹ Tho dần được Việt hóa và trở thành một trong ba thương hiệu nổi tiếng nhất của Nam Bộ (bên cạnh hủ tiếu Sa Đéc và Nam Vang).

Đặc điểm chính của sợi hủ tiếu Mỹ Tho là cọng nhỏ, khô, dai và giòn giòn thơm ngon, mang nét đặc trưng không lẫn với hủ tiếu ở một nơi nào khác. Tô hủ tiếu Mỹ Tho ngon thường có nước lèo trong, sợi bánh trắng, điểm vài miếng thịt, tim, gan, lòng heo, trứng cút, có khi tôm, thịt bằm viên, kèm theo hẹ, xà lách, hành, giá sống, chanh ớt.

 Nguyên liệu ăn kèm khá phong phú nên người dùng có thể thoải mái lựa chọn thịt nạc, lòng, xương hay hải sản. Món hủ tiếu cho vị ngon hay không phụ thuộc nhiều vào nồi nước lèo. Nước lèo được nấu bằng xương heo, chủ yếu là xương ống, một ít tôm khô, mực khô nướng thơm, củ cải trắng… cùng một số nguyên liệu, gia vị đặc trưng, được các đầu bếp gia giảm theo khẩu vị khách hàng của mình.

Dân nấu hủ tiếu Mỹ Tho có lối tiếp thị rất khéo. Họ bày bếp núc trên một chiếc xe di động, dựng ngoài hiên nhà để khách từ xa có thể nhìn thấy. Đồng thời với lối bày trí kiểu như vậy, mỗi lần giở nồi hầm chan bánh, hương thơm xông ngào ngạt, làm thực khách đi ngang qua “cầm lòng không đậu”. Dù hàng quán khu vực cầu quay Mỹ Tho tuềnh toàng, thực khách cũng cứ nườm nượp. Thậm chí, trong cẩm nang của nhiều hãng lữ hành quốc tế, đã giới thiệu hẳn tên những hiệu ăn nổi tiếng của nơi đây.

Trước đây, hủ tiếu Mỹ Tho ngoài thịt, lòng còn có con tôm chẻ đôi bày trên mặt, trông rất ngon mắt. Giờ để giá thành hợp túi tiền của số đông, người ta thế bằng cục sườn, đuôi heo, thịt cua biển và trứng cút.

Trước năm 1975, Mỹ Tho có nhiều quán hủ tiếu nổi tiếng như: Nam Sơn, Tuyền Kỳ, Hưng Ký, Phánh Ký, Phát Ký, Gia Ký, Oai Ký... Ngày nay, phần lớn các chủ quán này do cao tuổi đã “về hưu”, nhưng vẫn truyền lại hương vị tinh túy hủ tiếu của họ cho lớp “hậu duệ”. Thành phố Mỹ Tho hiện có trên 30 quán, nhà hàng nấu hủ tiếu ngon và luôn thu hút đông hách gần xa: hủ tiếu A Hòa (đường Đinh Bộ Lĩnh), hủ tiếu Sáu Sen (đường Trần Hưng Đạo), hủ tiếu Chú Bảy (gần cầu Nguyễn Trãi), hủ tiếu Bánh Cam (đường Ấp Bắc), hủ tiếu Tuyết Ngân (đường Ấp Bắc), hủ tiếu Sa tế Hưng (đường Phan Văn Khỏe), hủ tiếu chay Bồ Đề Quán (đường Nguyễn Trung Trực)…Hủ tiếu Mỹ Tho dần được Việt hóa và trở thành một trong ba thương hiệu nổi tiếng nhất của Nam Bộ.

Làng nghề bánh bún hủ tiếu Mỹ Tho (ấp Hội Gia, xã Mỹ Phong) đã có từ rất lâu đời. Ðây là vùng trồng lúa thơm địa phương của xã Mỹ Phong, ngoại thành Mỹ Tho.

Theo các cụ cao niên tại xã Mỹ Phong, để làm bánh hủ tiếu ngon, trước hết người ta phải chọn loại gạo thơm, nở, không dẻo và không lẫn tạp chất. Sau đó, gạo được ngâm, xay, tẻ bột, tẻ muối, pha trộn và dằn thật kỹ trong suốt mấy ngày đêm để giữ cho bột dai và không chua. Tiếp theo, bột được tráng cho chín, đem phơi rồi cắt thành sợi nhỏ. Lò tráng bánh được thiết kế nhiều dạng, có khi đào sâu xuống đất để chụm củi, có khi làm bằng đất sét trộn với trấu hay đất nung. Sau này, xây bằng gạch, chụm bằng trấu, than tổ ong. Ngày nay, việc làm bánh hủ tiếu đã được máy móc trợ giúp như máy xay gạo, cắt sợi bánh… nên người thợ đỡ vất vả hơn trước và nâng suất lao động tăng lên rõ rệt. Bánh hủ tiếu ngon là yếu tố quan trọng làm nên thương hiệu của hủ tiếu Mỹ Tho.

Hiện nay, làng nghề quy tụ hàng chục cơ sở chuyên làm bánh hủ tiếu với nhiều thợ thủ công lành nghề. Làng nghề làm bánh hủ tiếu Mỹ Tho đã thành lập Tổ Hợp tác sản xuất hủ tiếu Mỹ Tho, hiện có 10 cơ sở trực thuộc chuyên sản xuất bánh hủ tiếu khô, bình quân từ 900 - 1.000 tấn bánh hủ tiếu khô thương phẩm mỗi năm, doanh thu khoảng 2 tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho trên 100 lao động. Sản phẩm hủ tiếu của làng nghề hủ tiếu Mỹ Tho hiện là thương hiệu đáng tin cậy với thị trường tiêu thụ phong phú như: Bến Tre, Long An, Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Vũng Tàu, Đà Lạt… nhưng nhiều nhất vẫn là các khách hàng quen thuộc ở Tây Nam Bộ.

Sự tâm huyết với nghề làm bánh hủ tiếu truyền thống không ngừng nghiên cứu, tìm hiểu, áp dụng khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và góp phần quảng bá thương hiệu hủ tiếu Mỹ Tho trên thị trường. Trong quá trình sản xuất đã nghiên cứu đầu tư thay cối đá bằng máy nghiền, trang bị hệ thống hấp bánh bằng hơi nước cho phép tiết kiệm chất đốt, giảm chi phí và giá thành, rút ngắn thời gian sản xuất nhưng chất lượng vẫn đảm bảo, qua đó hạn chế và xử lý được khói bụi, giảm tiếng ồn theo tiêu chuẩn của đề án bảo vệ môi trường. Ngoài ra cải tiến máy xay bột, tạo đường dẫn bột đến máy hấp; máy cắt liên hoàn vừa nhanh, vừa đảm bảo khâu an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm được lượng hao hụt nguyên vật liệu. Theo đó, hiệu quả kinh tế của cơ sở sản xuất bánh hủ tiếu nâng lên, năm sau cao hơn năm trước.

Có thể nói, hủ tiếu Mỹ Tho đã trở thành thương hiệu độc quyền, sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong tỉnh, vùng lân cận mà còn vươn xa đến thị trường lớn. Do đó, liên kết các cơ sở sản xuất, mở rộng làng nghề, đảm bảo ổn định số lượng, uy tín về chất lượng được giữ vững đang là vấn đề đặt ra đối với làng nghề hủ tiếu Mỹ Tho.

Ninh Ngọc

 

Tags:

Bài viết khác

Bánh Nhãn – Hương vị quê nhà

Nhắc đến ẩm thực truyền thống Việt Nam, bánh nhãn Nam Định – đặc sản của vùng quê Hải Hậu – là món ngon khó quên. Dù mang tên loài quả, bánh không làm từ trái cây, mà chỉ bởi hình dáng nhỏ xinh, tròn trịa, vàng ruộm như những quả nhãn chín.

Trám xanh kho cá – Hương vị núi rừng Tây Bắc

Trám xanh, hay còn gọi là trám trắng, trám rừng, là món quà quý giá của núi rừng Tây Bắc. Mùa trám về độ tháng Bảy đến tháng Chín âm lịch, khi những chùm quả thon dài, hai đầu tù, đong đưa trên cành chín vàng, tự khẽ rụng xuống mặt đất âm thầm như một lời thì thầm của rừng. Quả trám tươi có vị chua chát, chẳng dễ ăn, nhưng khi quyện cùng thịt hay cá lại hóa thành món ăn dân dã, mê hoặc lòng người.

Rau sắn muối chua - đặc sản Phú Thọ

Nhắc đến củ sắn (phía Nam gọi là củ mì), nhiều người thường chỉ nghĩ tới những món ăn được chế biến từ củ như sắn nướng; sắn luộc mà không biết rằng lá sắn cũng ăn rất ngon. Chẳng biết từ đâu và khi nào người Phú Thọ nghĩ ra cách muối chua rau sắn để chế biến thành các món ăn. Có lẽ xuất phát từ những năm đói khổ; thiếu thốn nhiều bề nên người Phú Thọ phải dùng ngọn rau sắn để bổ sung cho bữa ăn hàng ngày. Và ngày nay, rau sắn đã trở thành món ăn quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày.

Bánh ít lá gai – Tinh hoa ẩm thực và ký ức người miền Trung

Bánh ít lá gai không chỉ là món quà quê mộc mạc của người miền Trung, mà còn là biểu tượng văn hóa đặc trưng, gắn bó mật thiết với đời sống, phong tục và ký ức của bao thế hệ nơi dải đất đầy nắng gió.

Vịt nấu chao hương vị miền tây

Nhắc đến vịt nấu chao, người ta thường nhớ ngay một góc bếp miền Tây, nơi mùi chao quyện với khói lửa và tiếng nói cười xôm tụ. Món ăn ấy không chỉ đơn thuần là thức quà ngon miệng, mà còn là câu chuyện của ruộng đồng, của bến nước, của những buổi chiều mưa tầm tã rồi cả nhà ngồi quây quần bên nồi lẩu nghi ngút khói.

Lẩu cá linh bông điên điển – Hương vị mùa nước nổi miền Tây

Đến miền Tây độ tháng 8, tháng 9, khi con nước từ thượng nguồn Mekong đổ về mênh mông bưng biền, cá linh theo dòng lũ về đầy ghe. Cá linh đầu mùa béo tròn, xương mềm, thịt ngọt thơm đặc trưng mà chỉ ai từng ăn mới hiểu được cái ngon riêng biệt ấy.

Mắm Chua Tây Ninh – Tinh Hoa Ẩm Thực Vùng Đất Thánh

Mắm chua Tây Ninh – món đặc sản dân dã nhưng đầy lôi cuốn – là sự giao thoa độc đáo giữa văn hóa ẩm thực Khmer và tinh thần sáng tạo của người dân bản địa. Với vị chua dịu, mặn vừa và hương thơm đậm đà, mắm chua không chỉ là món ăn mà còn là ký ức tuổi thơ của bao người con miền Đông Nam Bộ.

Bún chả Hà Nội – Hồn phố cổ trong từng làn khói bếp than

Nếu phở là linh hồn của bữa sáng Hà Nội, thì bún chả lại là nốt nhạc trầm đầy mê hoặc của buổi trưa ở Thủ đô. Không ai biết chính xác bún chả xuất hiện từ bao giờ – chỉ biết rằng từ những con phố nhỏ trong khu phố cổ đến các ngõ sâu thăm thẳm, mùi thịt nướng thơm lừng trên bếp than hoa vẫn cứ nhẹ nhàng len lỏi vào ký ức của biết bao người con Hà Nội.
Top