Đứng trên góc độ loại hình tín ngưỡng tôn giáo, tín ngưỡng thờ Mẫu trong quá trình nảy sinh, vận động và biến đổi đã và đang trong quá trình chuyển hóa sơ khai từ một tín ngưỡng nguyên thủy để trở thành một hình thức tôn giáo dân gian sơ khai.
Xuất phát từ một tín ngưỡng nguyên thủy tín ngưỡng thờ các vị thần linh tự nhiên gần gũi che chở cho con người, như Trời, Đất, Nước mà trong quan niệm dân gian thì đó là các vị thần mang nữ tính. Trong bối cảnh xã hội mẫu hệ và sau này khi đã chuyển sang phụ hệ thì vai trò của người phụ nữ vẫn còn rất to lớn, từ đó hình thành một biểu tượng người Mẹ như là cội nguồn dân tộc, hiện thân của Đất Nước như Mẹ Âu Cơ. Tuy nhiên, ban đầu việc thờ phụng các vị thần mang nữ tính này còn rất tản mạn, giống như các hình thức thờ phụng những vị thần linh khác, tính biểu tượng vũ trụ luận và ý thức xã hội chưa cao, nghi lễ thờ phụng chưa thành hệ thống…
Hệ thống thần linh trong tín ngưỡng thờ Mẫu
Cùng với sự thâm nhập của Đạo giáo Trung Quốc vào nước ta, tục thờ Thần Mẫu đã tiếp thu những ảnh hưởng về hệ thống vũ trụ luận, du nhập các vị thần linh của Đạo giáo, vay mượn một số nghi thức thờ cúng… để cùng với sự phát triển nội tại của hình thức tín ngưỡng này về mặt ý thức xã hội, mô thức thần điện mang tính cung đình, sự tích hợp các hiện tượng văn hóa…hình thành và định hình một thứ tín ngưỡng thờ Mẫu mang tính hệ thống hơn, nhất là sau thế kỷ XVII, XVIII.
Đó là một tín ngưỡng đã có một điện thần tương đối hệ thống và hoàn chỉnh. Các vị thần linh được phân chia thành các Phủ, các hàng bậc từ trên xuống dưới, nhưng đều quy về vị thần chủ cao nhất là Thánh Mẫu, có nét gì đó tương tự như Đức Phật của Phật giáo, chúa Giêsu của Thiên Chúa giáo, Đức Ala của Hồi giáo. Đó là một tín ngưỡng mà thông qua hệ thống thờ cúng, các truyền thuyết và thân tích, các bài văn cúng (một thứ kinh) thấp thoáng lộ ra một ý niệm về vũ trụ và một ý thức về nhân sinh. Đó là một vũ trụ nhất nguyên – nguyên lý Mẹ (Mẫu) nhưng lưỡng cực (Âm – Dương), được phân thành các phủ (Tam Phủ, Tứ Phủ), các tầng do một vị Thánh Mẫu hóa thân của Thiên Tiên Thánh Mẫu cai quản. Đó là một ý thức xã hội hướng về cội nguồn mà trong đó người mẹ Âu Cơ là biểu tượng, một ý thức yêu nước, gắn bó với dân tộc, ý thức về một đời sống thực thường nhật với các nhu cầu về sức khỏe, tài lộc…
Đó là một tín ngưỡng đã bước đầu vượt lên trên tính phân tán, tùy tiện, hình thành một hệ thống các nơi thờ cúng, đền phủ, các phối tự với các tượng và tranh thờ, lịch thờ cúng và lễ hội, các nghi thức cúng lễ đã được quy chuẩn hóa khá chặt chẽ, trong đó tiêu biểu nhất là nghi lễ hầu bóng.
Một tín ngưỡng bước đầu đã hình thành một cộng đồng các tín đồ (đệ tử) với các thứ bậc khác nhau, phổ biến rộng hẹp trong các tầng lớp xã hội khác nhau. Ở miền Bắc trước năm 1954 và miền Nam trước năm 1975 đã bước đầu tập hợp các tín đồ thờ Mẫu thành cộng đồng lớn hơn mang phạm vi toàn quốc, đó là Tổng hội Thiên Tiên Thánh giáo.
Trong tâm thức dân gian, thờ Phật, con người mong tích đức, lấy phúc cho kiếp sau, hòa tan cái bản ngã vào cái Hư Vô – Niết Bàn; theo đạo Gia Tô là để cứu rỗi linh hồn về với Chúa nơi Thiên đường cực lạc. Còn thờ Mẫu, con người cầu mong lấy phúc lộc Thánh ban, thoát khỏi rủi ro, vận hạn, bệnh tật, cầu mong lấy sức khỏe, tiền tài. Như vậy, thờ Mẫu không còn là sự nhất thể hóa, đồng nhất con người với thiên nhiên, thần linh, ma quỷ như trong xã hội nguyên thủy, mà chừng nào đã đạt tới sư chiêm tưởng, cầu nguyện thần linh đầy quyền năng cứu giúp con người khỏi rủi ro bệnh tật, đạt được phúc lộc, an khang. Mẫu ở đây có cái gì giống với Đức Phật, Chúa Giêsu cứu giúp, giải thoát con người, tức một hình thức tôn giáo cứu thế.
Tứ Phủ Chầu Bà
Như vậy, nếu xem xét tín ngưỡng thờ Mẫu từ các khía cạnh điện thần, các tín điều mang tính vũ trụ luận và ý thức xã hội, các nghi lễ thờ cúng, hệ thống tín đồ và mức độ phổ cập của tín ngưỡng này, thì ta có thể nhận ra một điều lý thú là trong bối cảnh xã hội Việt Nam và sự giao lưu với bên ngoài, tín ngưỡng thờ Mẫu đã và đang trong quá trình vận động, biến đổi từ một hình thức tín ngưỡng nguyên thủy thành một tôn giáo dân gian sơ khai mang dâm tính bản địa độc đáo.
Từ sau 1975, trên phạm vi cả nước, kể cả miền Bắc từ 1954 -1975, tín ngưỡng thờ Mẫu và nghi lễ Lên đồng đều bị coi là mệ tín dị đoan, nhà nước cấm con nhang đệ tử hành đạo. Nhiều đền phủ bị phá hay nhà nước trưng dụng làm trụ sở, nhà kho, nhà trẻ… Các tranh tượng bị đốt, đập phá, nhiều Thanh đồng bị tịch thu đồ thờ, thậm chí bị tập trung cải tạo…Tuy lệnh cấm khá khắc nghiệt như vậy, nhưng những nghi lễ Lên đồng vẫn được các thành đồng và đạo quan lén lút thực hiện.
Tuy nhiên, từ sau Nghị định 21/1990 của Bộ Chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam về chính sách tôn giáo tín ngưỡng, cùng với cải cách mở cửa phát triển kinh tế thị trường thì đời sống tôn giáo tín ngưỡng nói chung trong đó có tín ngưỡng thờ Mẫu và nghi lễ Lên đồng có cơ hội hồi phục và bùng phát trên khắp cả nước, nhất là ở các vùng đô thị trong đó điển hình là Hà Nội, Huế và Sài Gòn, trở thành hiện tượng tín ngưỡng tôn giáo tiêu biểu của thời đổi mới.
Trải qua gần nửa thế kỷ từ chỗ bị cấm đoàn cũng như được bùng phát trở lại khiến cho bản thân tín ngưỡng thờ Mẫu và nghi lễ Lên đồng, một mặt vẫn duy trì những đặc điểm, những giá trị cơ bản của nó, nhưng mặt khác cũng diễn ra những biến dạng và lợi dụng, khiến cho nhà nước và xã hội bức xúc và tìm cách quản lý và khắc phục những mặt trái của đời sống tín ngưỡng./.
Ban Nghiên cứu VHTN phía Nam